Quản lý rủi ro tài khóa ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra

TRƯƠNG BÁ TUẤN - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Nhận diện và quản lý hiệu quả các rủi ro tài khóa có ý nghĩa rất quan trọng đối với yêu cầu đảm bảo tính bền vững của nền tài chính công. Nhiều quốc gia đã xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến quản lỷ rủi ro tài khóa. Những năm gần đây, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều loại hình rủi ro tài khóa khác nhau. Nhiều biện pháp cũng đã được triển khai để quản lý các rủi ro này, song để đảm bảo hiệu quả, sự chủ động trong xử lý, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng và triển khai áp dụng một chiến lược quản lý rủi ro tài khóa tổng thể.

Tổng quan chung về rủi ro tài khóa

Rủi ro tài khóa có thể tiếp cận và định nghĩa theo các cách khác nhau. Định nghĩa một cách chung nhất, rủi ro tài khóa là việc đạt được các kết quả tài khóa không như kỳ vọng.

Hay nói cách khác, đó là sự “khác biệt” về kết quả tài khóa so với các dự báo được đưa ra khi lập dự toán ngân sách hàng năm hay khi xây dựng báo cáo ngân sách trung hạn. Rủi ro tài khóa có thể được phân chia thành rủi ro trực tiếp và rủi ro dự phòng. Nguyên nhân gây ra rủi ro tài khóa rất đa dạng, trong đó, những nguyên nhân chủ yếu bao gồm:

(i) Tác động của các cú sốc về kinh tế vĩ mô đến các chỉ số kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng GDP, lạm phát, lãi suất, tỷ giá;

(ii) Ảnh hưởng của nghĩa vụ nợ dự phòng, ví dụ, nợ doanh nghiệp được chính phủ bảo lãnh hoặc nợ chính quyền địa phương;

(iii) Ảnh hưởng từ hoạt động của đến khu vực tài chính – ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các dự án đối tác công tư (PPP), các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách;

(iv) Tác động của thiên tai, biến đối khí hậu...

Nhận diện rủi ro tài khóa ở Việt Nam

Ở Việt Nam, khái niệm về rủi ro tài khóa và quản trị rủi ro tài khóa còn tương đối mới, mặc dù các biểu hiện rủi ro tài khóa rất đa dạng. Diễn biến bức tranh NSNN và một số chỉ số tài khóa những năm gần đây của Việt Nam đang đặt ra một số quan ngại đối với yêu cầu đảm bảo bền vững tài khóa, đặc biệt là khi nhìn nhận từ các rủi ro tài khóa trong trung và dài hạn. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, vị thế tài khóa của Chính phủ Việt Nam thời gian qua chịu nhiều ảnh hưởng của các biến động về kinh tế vĩ mô bao gồm: tăng trưởng GDP thấp hơn dự kiến làm ảnh hưởng đến mức độ động viên ngân sách nhà nước (NSNN) so với dự toán.   

Thứ hai, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các rủi ro từ nghĩa vụ nợ dự phòng, nhất là trong bối cảnh quy mô các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đang ở mức khá cao, tương đương khoảng 10% GDP.

Thứ ba, thiên tai, biến đổi khí hậu cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến tài khóa của Việt Nam trong những năm gần đây.

Thứ tư, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số rủi ro tài khóa có liên quan khác đòi hỏi cần phải được giám sát chặt chẽ...

Những vấn đề cần lưu ý

Trước những thách thức trên, những năm gần đây, hệ thống khuôn khổ pháp lý cho quản lý rủi ro tài khóa ở Việt Nam cũng đã bắt đầu nhận được sự quan tâm, hoàn thiện.

Việt Nam đã bước đầu hình thành được khung pháp lý để quản lý các rủi ro tài khóa có liên quan. Trong đó, pháp luật về quản lý NSNN đã có các quy định liên quan đến dự phòng ngân sách hàng năm; Quỹ dự trữ tài chính và về các yêu cầu thực hiện dự báo rủi ro tác động đến khung cân đối NSNN, các chỉ tiêu quản lý nợ trong giai đoạn 03 và 05 năm.

Cùng với đó, Luật Quản lý nợ công cũng đã hình thành các khuôn khổ cho việc quản lý rủi ro danh mục nợ công bao gồm: Phân tích nợ bền vững, quản lý rủi ro, xử lý rủi ro đối với cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.

Bên cạnh đó, các luật chuyên ngành như: Luật Dự trữ nhà nước; Luật Quản lý tài sản công; Luật Phòng, chống thiên tai cũng đã có những quy định, những khuôn khổ hỗ trợ cho việc cho quản lý các rủi ro tài khóa có liên quan, đặc biệt là các rủi ro do thiên tai gây ra. Trong đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 đã quy định, yêu cầu các tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hỏa hoạn được quản lý rủi ro về tài chính, bao gồm bảo hiểm.

Một số giải pháp khuyến nghị

Rủi ro tài khóa gây ra nhiều hệ lụy và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế tài khóa của Chính phủ nếu không được quản lý hiệu quả. Đối với Việt Nam, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro tài khóa, một số giải pháp đề xuất gồm:

Một là, chủ động thực hiện một chiến lược toàn diện về củng cố tài khóa với một tầm nhìn trung và dài hạn để đảm bảo được sự bền vững về tài khóa tổng thể, dựa trên các trụ cột chủ đạo.

Hai là, nghiên cứu xây dựng một khung khổ về quản lý rủi ro tài khóa phù hợp với Việt Nam, từ việc định vị và lượng hóa rủi ro, xác định nguyên nhân và nguồn gây ra rủi ro, tính toán chi phí rủi ro đến các biện pháp giảm nhẹ, quản lý rủi ro.

Ba là, thực hiện giảm nhẹ rủi ro tài khóa thông qua sử dụng các công cụ phù hợp như hoàn thiện các quy tắc tài khóa, bao gồm cả các quy tắc định tính và định lượng, tăng cường hiệu quả sử dụng các công cụ chuyển giao, chia sẻ rủi ro, ví dụ như bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với tài sản công.

Bốn là, nâng cao năng lực dự báo, phân tích và quản lý rủi ro tài khóa, bao gồm: năng lực dự báo, phân tích rủi ro vĩ mô, năng lực phân tích rủi ro về nghĩa vụ nợ dự phòng, các rủi ro liên quan đến các dự án PPP...

Năm là, tăng cường kỷ luật tài khóa, thực hiện đẩy mạnh công khai và thúc đẩy trách nhiệm giải trình tài khóa..