Quản trị rủi ro trên cơ sở ứng dụng BASEL II tại các ngân hàng thương mại nhà nước

TS. Phan Thị Linh - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Từ khi Hiệp ước Basel II được áp dụng tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại nhà nước luôn là một trong đối tượng đi đầu về ứng dụng hiệp ước này trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, với những khó khăn về việc thay đổi phương thức và cơ chế quản lý hình thành từ lâu, các ngân hàng vẫn chưa thể hoàn thiện được việc áp dụng hiệp ước này trong công tác quản trị rủi ro tại ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tỷ lệ an toàn vốn

Trước khi Basel II công bố, tại Việt Nam đã tiếp cận những chuẩn mực quốc tế và ban hành khung pháp lý về đảm bảo an toàn vốn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 297/1999/QĐ-NHNN ngày 25/8/1999 quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) phải duy trì tối thiểu là 8%.

Sau khi Basel II công bố, NHNN ban hành Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/4/2005 thay thế Quyết định số 297/1999/QĐ-NHNN nhằm khắc phục hạn chế của Quyết định số 297/1999/QĐ-NHNN, khi quy định CAR là tỷ lệ một phần của vốn cấp 1 trên tổng tài sản “Có” điều chỉnh rủi ro (Bảng 1). Tuy vậy, về phương pháp tính theo hướng dẫn của Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN chỉ đạt đến mức tiếp cận phần lớn các yêu cầu theo Basel I.

Quản trị rủi ro trên cơ sở ứng dụng BASEL II  tại các ngân hàng thương mại nhà nước - Ảnh 1

Năm 2010, NHNN ban hành Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 thay thế Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN cùng với Nghị định 141/2006/NÐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ, yêu cầu vốn pháp định tối thiểu của ngân hàng thương mại (NHTM) phải đạt 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010 nhằm đảm bảo an toàn vốn và nâng cao tiềm lực tài chính của các NHTM.

Ngoài quy định việc xác định vốn tự có bao gồm, vốn cấp 1 và vốn cấp 2, NHNN đã hướng dẫn cách xác định CAR riêng lẻ, CAR hợp nhất và nâng CAR tối thiểu lên 9% nhằm phù hợp với xu hướng các NHTM hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, góp phần tăng cường quản lý thanh khoản của các TCTD và phương pháp tính toán CAR đã từng bước tiếp cận Basel II.

Ngày 20/11/2014, NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó vẫn quy định CAR bao gồm, mức riêng lẻ và hợp nhất, đều phải duy trì ở mức 9%, quy định vốn cấp 1 phải bị loại trừ cổ phiếu quỹ và các khoản cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần tại TCTD khác. Thông tư này khắc phục một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tế cũng như quá trình hội nhập quốc tế, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD gắn với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, tạo nên các chuẩn mực mới, quy định chặt chẽ và phù hợp hơn về quản trị ngân hàng, tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao khả năng chịu đựng rủi ro của các TCTD trước những cú sốc của thị trường, từng bước thực hiện các chuẩn mực của Basel II, tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế về quản trị và giám sát ngân hàng.

Bên cạnh đó, “Đề án phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” theo Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 của Chính phủ cũng đã định hướng “Từng bước tiến tới thực hiện các nguyên tắc, chuẩn mực cơ bản theo chuẩn mực vốn mới (Basel II) sau năm 2010”.

Ngoài ra, “Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” của Chính phủ cũng đã định hướng “Phát triển các hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel”; “Ban hành chuẩn mực an toàn vốn phù hợp với Basel II; đổi mới, hoàn thiện các quy định an toàn hoạt động của TCTD”.

Trong lộ trình thực hiện Basel II, NHNN cũng định hướng rõ ràng về việc triển khai Basel II thông qua việc ban hành Công văn 1601/NHNN-TTGSNH ngày 17/3/2014 về việc thực hiện Hiệp ước vốn Basel II; trong đó, 10 NHTM được lựa chọn thí điểm áp dụng Basel II theo lộ trình từ năm 2015-2018.

Đến cuối năm 2015, 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo chuẩn Basel II, gồm: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB Bank, Maritime Bank, Sacombank, VIB. Dự kiến đến năm 2018, cả 10 ngân hàng này sẽ hoàn thành việc thí điểm Basel II, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các NHTM khác trong cả nước.

Bên cạnh đó, định hướng tăng cường mức độ an toàn vốn và triển khai Basel II còn được triển khai qua Kế hoạch hành động của NHNN thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/03/2014, trong đó lựa chọn một số NHTM đi tiên phong trong việc triển khai Basel II. Hay như việc hình thành khung pháp lý cho ứng dụng Basel II cùng với định hướng cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD.

Theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 27/01/2015 của NHNN cho thấy, về mặt quản lý nhà nước đã tạo lập cơ chế, chính sách thúc đẩy các NHTM ứng dụng Basel II theo định hướng và lộ trình cụ thể đã đặt ra.

Thực tiễn cho thấy, mức độ an toàn vốn và việc tuân thủ CAR tối thiểu được nhiều NHTM Nhà nước quan tâm. Các NHTM thí điểm áp dụng Basel II theo lộ trình thực hiện từ năm 2015-2018, đã tiến hành bước chuẩn bị về nhân lực, công nghệ và kế hoạch triển khai. Mục tiêu nhằm hoàn thành việc thí điểm các yêu cầu về chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II.

Quản trị rủi ro trên cơ sở ứng dụng BASEL II  tại các ngân hàng thương mại nhà nước - Ảnh 2

Việc thực hiện yêu cầu về CAR trong thời gian qua, các NHTM đã đạt được những kết quả nhất định và diễn biến về CAR của các NHTM Nhà nước trong giai đoạn 2011-2015 có những biến động theo cùng với gia tăng mức độ rủi ro hàng năm. Trong giai đoạn 2011- 2015, hầu hết các NHTM Nhà nước đều đạt CAR yêu cầu về tỷ lệ tối thiểu 9%. Tình hình diễn biến về CAR của các NHTM qua các năm có những đặc điểm:

- CAR của các NHTM Nhà nước luôn đảm bảo quy định về tỷ lệ trong các năm gần đây: Từ năm 2011 đến 2015, CAR của NHTM Nhà nước được đảm bảo trên 9%, NHTM Nhà nước có CAR ở mức thấp nhất là 9,0% và NHTM Nhà nước có CAR ở cao nhất là 19,46%.

- CAR của các NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa có xu hướng cải thiện đến năm 2011 và tiếp tục giữ mức cao hơn 9% đến năm 2014: Các NHTM Nhà nước (Vietcombank, BIDV) sau khi cổ phần hóa, gia tăng nguồn vốn tự có, CAR có xu hướng cải thiện và tăng liên tục trong giai đoạn 2005-2011. Đến các năm 2012-2015, CAR có biến động, song vẫn luôn đảm bảo tỷ lệ trên 9%.

Mức dự phòng rủi ro

Hiện nay, các NHTM Nhà nước đang có mức trích dự phòng rủi ro lớn nhất. Chẳng hạn, chỉ riêng số trích dự phòng của BIDV, Vietcombank, Vietinbank trong quý II/2014 lên tới 4.085 tỷ đồng, bằng gần 2/3 tổng mức trích lập của 12 ngân hàng cộng lại. Trong đó, BIDV giữ vị trí quán quân với 2.183 tỷ đồng trích lập trong quý II và 2.880 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2014, lần lượt tăng 20% và 10% so với cùng kỳ một năm trước.

Với các NHTM cổ phần, do quy mô tín dụng thấp hơn các NHTM Nhà nước, nên mức trích lập thường thấp hơn khối NHTM Nhà nước. Các NHTM Nhà nước phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro được lý giải bởi 3 nguyên nhân chính:

- Thay đổi trong quy định phân loại nợ từ ngày 1/6/2014 theo tinh thần Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18/03/2014 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Khi áp dụng theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, cách tính nợ quá hạn sẽ bao gồm cả nợ nhóm 2.

Ngoài ra, tỷ lệ trích lập dự phòng theo quy định mới cũng có điều chỉnh tăng lên ở một số nhóm. Do vậy, cần phải tăng lượng tiền trích lập dự phòng để đảm bảo trích đủ, trích đúng. Khảo sát mới đây của Ernst & Young cũng cho thấy, hầu hết các NHTM Việt Nam thừa nhận trích lập dự phòng rủi ro đang là hạng mục tiêu tốn chi phí lớn, trong bối cảnh nợ xấu tăng khi các ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ sát hơn nhằm thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Ngoài các khoản nợ xấu phải gọi đúng tên, nhiều ngân hàng còn thêm phần nợ chờ xử lý, đơn cử tại Ocean Bank, khoản nợ này lên đến hơn 300 tỷ đồng.

- Việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro diễn ra trong bối cảnh nợ xấu của hệ thống vẫn đang ở mức lớn. Kết quả khảo sát của Ernst & Young đối với 11 NHTM Việt Nam cho thấy, 76% các NHTM Việt Nam đang nghĩ rằng, nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến ngành Ngân hàng.

- “Cây đũa thần Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) ”không phát huy nhiều tác dụng. Thời điểm mới thành lập (tháng 7/2013) đến cuối năm 2013, VAMC dồn dập mua lại nợ xấu của các TCTD khiến nhiều người tỏ ra khá phấn khởi và tin tưởng vào hiệu quả hoạt động của công ty này.

Tuy nhiên, suốt từ đầu năm 2014 đến nay, việc mua nợ xấu của VAMC gần như chững lại. Đến nay, số nợ xấu các ngân hàng bán cho VAMC khoảng 50.000 tỷ đồng, thực sự chưa thấm vào đâu so với tổng số nợ xấu của toàn nền kinh tế, đó là chưa kể bài toán bán ra đang là sự nan giải với tổ chức này. Vì vậy, hiện hầu hết các ngân hàng không còn mặn mà bán nợ xấu cho VAMC như trước, mà chọn cách tự xử lý và đó cũng là lý do khiến trích lập dự phòng rủi ro tăng cao.

Lợi nhuận ngân hàng

Từ vị thế là Ngành hấp dẫn với lợi nhuận sau thuế lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, các NHTM Nhà nước đang phải trải qua quãng thời gian khó khăn, khi mà nguồn vốn huy động hạn chế, tăng trưởng tín dụng liên tục giảm, nợ xấu ngày càng tăng… khiến cho chỉ tiêu về sinh lời giảm đáng kể trong thời gian gần đây.


Quản trị rủi ro trên cơ sở ứng dụng BASEL II  tại các ngân hàng thương mại nhà nước - Ảnh 3

Thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh lời hàng năm của hệ thống NHTM Nhà nước bắt đầu giảm mạnh, từ mức đỉnh cao vào năm 2009 đã giảm hơn 50% và xuống dưới mức an toàn theo như khuyến cáo của hệ thống CAMELS, lần lượt đối với ROA và ROE từ 1% trở lên và từ 15% trở lên. Như vậy, mặc dù các chỉ tiêu cơ bản phản ánh quy mô của ngân hàng đều gia tăng qua các năm như là tổng vốn chủ sở hữu, tổng tiền gửi của khách hàng, tổng dư nợ cho vay và tổng tài sản nhưng khả năng sinh lời của ngân hàng lại không ổn định và suy giảm.

Kết luận

Trong những năm qua, với những biến động lớn từ nền kinh tế trong nước và nước ngoài, các NHTM Nhà nước đã nỗ lực hết mình để nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập, thực hiện các hoạt động trên nguyên tắc chuẩn mực quốc tế, mà cụ thể là vận dụng Basel II trong quản trị các hoạt động của ngân hàng.

Tuy nhiên, sau khi triển khai và thực hiện ứng dụng Basel II, hoạt động của các NHTM Nhà nước đang gặp những khó khăn nhất định, như: Chi phí thực hiện triển khai và ứng dụng Basel II lớn, nợ xấu của ngân hàng đang có xu hướng tăng cao.

Trong khi đó, yêu cầu trích dự phòng rủi ro tăng cao, khi ngân hàng thực hiện bán các khoản nợ xấu cho VAMC nhưng chưa được giải quyết (vì phần lớn các khoản nợ xấu được bán trên giấy tờ chứ không phải bằng tiền). Tuy nhiên, việc thực hiện theo Basel II là bước đi cần thiết và không thể không làm nhằm bảo đảm sự ổn định cho hệ thống ngân hàng nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Hiệu (2011), Nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel III - lộ trình củng cố bức tường an ninh tài chính –ngân hàng. http://www.vnba.org.vn/?option=com_content&view=article&id=1534&catid=43&Itemid=90, ngày 25/06/2016;

2. NHNN (2015), Công văn số 1601/NHNN-TTGSNH của NHNN về việc triển khai thực hiện quy định an toàn vốn theo Basel II;

3. NHTM Việt Nam (2011, 2012, 2013, 2014, 2015), Báo cáo thường niên;

4. Gordy, M., Howells, B. 2004 “Procyclicality in Basel II: Can We Treat the Disease Without Killing the Patient?” Truy cập tại http://www.bis.org/bcbs/events/rtf04gordy_howells.pdf, ngày 25/06/2016.