Tài chính tiêu dùng - Vì sao lãi suất vẫn cao?

Theo daibieunhandan.vn

Trên thị trường tiền tệ nước ta xuất hiện những chuyển dịch tài chính đáng ghi nhận, khi hàng loạt ngân hàng thương mại gia tăng đầu tư cho hoạt động tài chính tiêu dùng, hoặc bằng cách mua lại các công ty tài chính, hoặc đổ thêm vốn vào các công ty đã có. Mặc dù vậy, lãi suất đầu ra của dịch vụ tài chính tiêu dùng vẫn khá cao. Tại sao vậy? Và làm thế nào để giảm bớt lãi suất cho vay của một loại hình dịch vụ rất tiện ích mà xã hội đang cần này?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo báo cáo về thị trường tài chính tiêu dùng năm 2016 do Công ty nghiên cứu thị trường tài chính độc lập - StoxPlus vừa công bố thì quy mô thị trường tài chính tiêu dùng nước ta đạt hơn 10 tỷ USD, trong đó Home Credit và FE Credit là hai doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.  Hai công ty tài chính này đều có tốc độ tăng trưởng cao, ngay cả trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Chính những bất cập của chính sách tín dụng doanh nghiệp chậm được điều chỉnh, cũng như cái van chặn “phải có tài sản thế chấp mới được vay” đã là cơ hội cho các công ty tài chính tiêu dùng lấn sân sang địa hạt màu mỡ này, và chuyển mạnh sang tín dụng tiêu dùng.

Trong mấy năm gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng nước ta đã tăng 28% về quy mô so với những năm trước, đưa dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tới hơn 12%  trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Đối tượng của họ chủ yếu là người có thu nhập thấp như sinh viên, nội trợ, người buôn bán nhỏ, công chức hành chính… Điểm nổi bật của dịch vụ tài chính tiêu dùng là các món vay được thực hiện khá dễ dàng, với hình thức tín chấp, khách hàng chỉ cần có chứng minh thư, xác nhận bảng lương, bản photo hộ khẩu... là đã có thể vay tiền.

Tuy vậy, một vấn đề đang nổi lên là lãi suất đầu ra của loại hình dịch vụ này còn khá cao, tùy nhu cầu vốn. Về nguyên tắc thị trường, lãi suất là giá của nhu cầu vốn, phụ thuộc vào độ cấp bách của nhu cầu, độ rủi ro của đồng vốn và phụ thuộc nguồn cung có dồi dào hay không.

Với đặc thù của dịch vụ tài chính tiêu dùng đa phần là cho vay nóng như mua xe máy, điện thoại, đồ dùng hoặc các nhu cầu cá nhân cấp bách khác như chữa bệnh, nhập học, du lịch… với khá nhiều rủi ro tiềm ẩn, món vay nhỏ nên chi phí cho món vay cũng tăng cao, thì lãi suất cũng khó lòng mà hạ thấp được.

Về phía các công ty cung cấp dịch vụ, những rủi ro pháp lý luôn rình rập họ, khả năng bị khách hàng “xù nợ” rất cao, vì “không có gì để nắm” ngoài giấy tờ tùy thân của khách hàng. Chính vì thế, họ buộc phải áp dụng một mức lãi suất khá cao để có thể bù đắp tổn thất khi bị xù nợ! Một nguyên nhân cơ bản nữa, khiến lãi suất đầu ra của tài chính tiêu dùng còn cao là các công ty tài chính chưa có cơ chế huy động vốn hữu hiệu.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì các tổ chức tín dụng phi ngân hàng không được phép huy động vốn từ tiền gửi của dân cư, trong khi đó công cụ huy động vốn từ tổ chức hoặc các nhà đầu tư tài chính lớn lại đang hạn chế tính hấp dẫn, do vậy các công ty tài chính tiêu dùng chủ yếu sử dụng vốn được cấp từ các ngân hàng mẹ, hoặc vay trên thị trường liên ngân hàng thông qua ngân hàng mẹ! Vì thế, lãi suất đầu vào của dòng vốn này luôn cao, dẫn đến đầu ra khó giảm.

Đây chính là những vấn đề gay cấn và cần tìm hướng tháo gỡ, để giảm thiểu rủi ro cho cả hai phía, và dịch vụ tài chính tiêu dùng thực sự phát huy tác dụng là công cụ cung cấp tài chính vi mô nhanh chóng, thuận tiện và hợp lý cho một nhu cầu chính đáng của xã hội.

Một lý do nữa, là hiện nay Ngân hàng Nhà nước vẫn khá dè dặt với các yêu cầu xin phép ra mắt công ty tài chính mới, cho nên số lượng công ty tài chính đang hoạt động trên thị trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh về lãi suất để góp phần kéo lãi suất đầu ra xuống.

Đặc biệt, hiện nay khu vực nông thôn đang bị bỏ ngỏ cho nạn “hụi họ, vay nặng lãi, đầu tư tài chính đen” hoạt động bất chính, khiến người có nhu cầu vay vốn không tiếp cận được với tín dụng ngân hàng dễ rơi vào trạng thái tâm lý “đâm lao” khi chấp nhận bất cứ mức lãi suất nào. Điều này cũng là một yếu tố khiến một số công ty tài chính nhỏ lợi dụng dâng lãi suất cho vay, làm cho mặt bằng chung cũng cao theo.

Theo các chuyên gia kinh tế tài chính ngân hàng, thì cần kiên định quan điểm “tạo điều kiện và môi trường cho dịch vụ tài chính tiêu dùng phát triển, để đáp ứng nhu cầu xã hội, chiếm lĩnh một mặt trận mà các ngân hàng đang bỏ ngỏ theo hướng quản lý bằng pháp luật và theo nguyên tắc thị trường, tốt hơn là buông lỏng để các dịch vụ cầm đồ cắt cổ mọc ra như nấm”! 

Để tạo được môi trường lành mạnh đó, cần nghiên cứu ban hành các chính sách cho phép các công ty tài chính được huy động vốn thông qua phát hành tín phiếu, trái phiếu hay các giấy tờ có giá trị khác, hoặc sớm hoàn thiện các quy định pháp lý về giao dịch tiền tệ qua mạng, để các công ty tài chính có thể gia tăng việc cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng qua mạng, nhằm giảm chi phí vốn vay, qua đó giảm lãi suất đầu ra cho loại hình dịch vụ cần thiết này.