Tái cơ cấu ngân hàng: Tình trạng sở hữu chéo còn phức tạp

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Giảm 5 tổ chức tín dụng, rút giấy phép 2 chi nhánh nước ngoài, xử lý được 95,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu..., những kết quả này được xem là cơ sở cho thấy tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang đi đúng lộ trình.

 Tái cơ cấu ngân hàng: Tình trạng sở hữu chéo còn phức tạp
Thị trường tiền tệ đã ổn định hơn. Nguồn: internet
Theo ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nếu như năm 2012 việc cơ cấu lại tập trung chủ yếu vào một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) yếu kém có nguy cơ đổ vỡ thì năm 2013, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) đã mang tính chủ động và tự nguyện từ phía các TCTD; xu hướng hợp nhất, sáp nhập diễn ra không chỉ ở TCTD yếu kém mà giữa các ngân hàng lành mạnh với nhau.

Tính chung năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, số lượng TCTD đã giảm được 5 tổ chức thông qua việc sáp nhập, hợp nhất, giải thể (gồm 3 ngân hàng thương mại cổ phần, một công ty tài chính trong nước, một công ty cho thuê tài chính nước ngoài). Bên cạnh đó NHNN đã rút giấy phép 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

NHNN chỉ đạo, từ nay đến cuối năm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục triển khai  tái cơ cấu để hoàn thành trong năm 2013 sẽ sáp nhập 1 NHTMCP; mua lại 2 công ty tài chính; đóng cửa 6 chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua chuyển giao tài sản, công nợ và thu hồi giấy phép; chuyển đổi 2 ngân hàng liên doanh sang ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài. 

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, với việc triển khai các giải pháp kiềm chế và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nợ xấu đã được kiềm chế.

Tốc độ tăng của nợ xấu trong 8 tháng đầu năm 2013 đã giảm đáng kể (chỉ bằng 1/3) so với 8 tháng đầu năm 2012 (tăng 59,2%). Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, các TCTD đã chủ động xử lý được 95,1 nghìn tỷ đồng bằng dự phòng rủi ro (trong đó năm 2012 là 69,2 nghìn tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2013 là 25,9 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, những kết quả trên không có nghĩa phần việc còn lại của nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng sẽ dễ dàng hơn. Quá trình tái cơ cấu vẫn đối mặt với nhiều trở ngại như tình trạng sở hữu chéo còn phức tạp, thị trường mua bán nợ kém phát triển…

Ông Thọ cũng cho biết, để tái cơ cấu ngân hàng thành công thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó xử lý nợ xấu vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian tới NHNN tiếp tục đôn đốc, giám sát chặt chẽ quá trình bán, xử lý nợ xấu giữa các TCTD và Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).

Đồng thời chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá nợ xấu và xác định, thống kê, tổng hợp các khoản nợ xấu đủ điều kiện bán cho VAMC và xử lý bằng giải pháp khác.

Về các giải pháp tái cơ cấu, NHNN xem xét chuyển đổi những ngân hàng liên doanh chưa đảm bảo vốn điều lệ bằng vốn pháp định thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Yêu cầu các tập đoàn kinh tế nhà nước thoái vốn khỏi các TCTD phi ngân hàng. Đối với các TCTD phi ngân hàng quá yếu kém thì có thể cho phá sản.

“Tái cơ cấu được xem là cơ hội giúp các TCTD khắc phục những khó khăn, yếu kém và hoạt động an toàn, phát triển bền vững hơn. Nếu TCTD không thực hiện tái cơ cấu một cách nghiêm túc và triệt để thì đã bỏ qua cơ hội tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào “sân chơi”  lớn trong thời gian tới”, ông Thọ nhấn mạnh.