Tăng cường hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng

Theo Nguyễn Hồng/baokiemtoannhanuoc.vn

Cho ý kiến về các báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017 của Chính phủ, tại phiên họp ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực song tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu, công tác xử lý, thu hồi sau thanh tra còn hạn chế...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, năm 2017, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN và đạt được kết quả trên nhiều mặt, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Thể chế về PCTN tiếp tục được hoàn thiện.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước được phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến một số cá nhân vi phạm, đã thi hành kỷ luật, xử lý nghiêm, được dư luận nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn chưa phát huy hiệu quả. Việc công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Còn nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý. “Nguyên nhân là do chưa có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội, thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến; đáng lưu ý là quy định của Luật PCTN về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, một số căn cứ không mang tính bắt buộc và có thể dẫn đến tùy nghi trong áp dụng; nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền quản lý, xác minh bản kê khai; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và xử lý tài sản không chứng minh, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ. 

Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, kiểm toán 

Đánh giá về công tác thanh tra, KTNN góp phần phát hiện và xử lý tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 tiếp tục được tăng cường và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Thanh tra, kiểm toán đã tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, nhất là kết luận các sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ…

Đồng thời, đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhiều dự án lãng phí, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm như thanh tra toàn diện dự án Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT trong giao thông... 

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị thu hồi cho NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng và hàng chục nghìn hécta đất. Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương và một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần khắc phục tình trạng vụ việc đã được thanh tra nhưng chậm công bố kết quả, thậm chí thanh tra xong rồi để đấy khiến dư luận hoài nghi. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả việc thu hồi tiền, tài sản, đất đai sau thanh tra, tránh tình trạng kiến nghị thì lớn nhưng kết quả thu hồi lại rất ít.

Đáng lưu ý, kết quả khảo sát của Uỷ ban Tư pháp cũng như kết quả công tác của các Đoàn kiểm tra, giám sát ở địa phương của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN thời gian qua cho thấy, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng.

Còn ở cấp tỉnh, việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng rất ít. “Đề nghị Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN, Thanh tra Chính phủ, KTNN khi xây dựng chương trình công tác hằng năm cần chú ý đến việc phát hiện, xử lý và phòng ngừa tham nhũng tại các khu vực này”- Báo cáo nêu rõ.

Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 về nội dung: “Tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các DNNN, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực”.