Tăng lương phải nhìn cả tác động đến doanh nghiệp

Theo thoibaonganhang.vn

TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: quan điểm của Quốc hội là tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) với mục tiêu tăng năng suất lao động cũng là cơ sở để đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu, nhưng phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động với duy trì sản xuất của DN trên cơ sở bảo đảm giá thành sản phẩm và chi phí kinh doanh.

Tăng lương phải nhìn cả tác động đến doanh nghiệp
Điều chỉnh tăng lương tối thiểu phải hài hòa lợi ích của người lao động với duy trì sản xuất kinh doanh của DN. Nguồn: thoibaonganhang.vn

PV: Lương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 62- 69% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nếu tăng lương theo lộ trình để đến năm 2015 đảm bảo đủ mức sống tối thiểu thì không ít các DN và đơn vị sự nghiệp sẽ rất khó khăn. Làm thế nào để cân đối vấn đề này?

TS. Bùi Sỹ Lợi: Từ năm 2006 trở lại đây, Chính phủ chủ trương hàng năm điều chỉnh tăng dần lương tối thiểu. Tính đến năm 2012, lương tối thiểu đối với DN trong nước đã được điều chỉnh tăng 3,2 lần, DN có vốn đầu tư nước ngoài đã điều chỉnh tăng 2,18 lần so với năm 2006. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lương tối thiểu trong thời gian qua chủ yếu bù đắp phần trượt giá và một phần thiếu hụt so với mức sống tối thiểu mà chưa đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Năm 2012, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu trong khu vực DN (tính theo vùng) mới chỉ đáp ứng được từ 57,6% - 62,9%. Theo lộ trình đến năm 2015 với dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân 7- 8%/năm, chỉ số giá sinh hoạt tăng bình quân 8%/năm thì mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Như vậy mỗi năm sẽ phải điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng từ 27-30 %/năm.

Tuy nhiên, năm 2012 tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,03%, chỉ số giá sinh hoạt tăng 6,81%/năm và dự báo các năm 2013-2015 cũng chỉ duy trì mức tăng trưởng kinh tế 5,5-6% và chỉ số giá sinh hoạt tăng 7-8%/năm. Trong khi đó, DN trong nước gặp nhiều khó khăn, năng lực cạnh tranh thấp, lại có tới 98% DN có quy mô nhỏ và vừa thì việc thực hiện tăng lương tối thiểu theo lộ trình là một thách thức.

Vì vậy, quan điểm của Quốc hội là tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN với mục tiêu tăng năng suất lao động cũng là cơ sở để đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu, nhưng phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động với duy trì sản xuất của DN trên cơ sở bảo đảm giá thành sản phẩm và chi phí kinh doanh.

Năm ngoái mức lương tối thiểu chỉ tăng 17,5%. Điều này có nghĩa sức ép cho các năm sau là rất lớn. Trong bối cảnh DN khó khăn hiện nay, liệu có khả năng giãn lộ trình tăng lương tối thiểu hoặc tăng ít đi so với kế hoạch, thưa ông?

Tiền lương có thể coi là giá cả sức lao động, phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN và gắn liền với tăng trưởng kinh tế. Năm 2012, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,03% và chỉ số giá sinh hoạt tăng 6,81%/năm, mức lương tối thiểu áp dụng cho DN điều chỉnh tăng 17,5% trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, tôi cho là hợp lý.

Việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu áp dụng đối với các DN trong những năm còn lại cũng phải tuỳ thuộc vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và mức tăng chỉ số giá sinh hoạt. Nếu mức tăng trưởng nền kinh tế của các năm còn lại không có sự đột biến mà chỉ ở mức tăng 5-6% mỗi năm thì việc giãn lộ trình tăng lương tối thiểu là cần thiết.

Tình trạng DN nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các chế tài đã có nhưng trong bối cảnh DN khó khăn như hiện nay để thực thi không đơn giản. Ủy ban có đề xuất nào cho vấn đề này?

Nợ đọng, chậm đóng BHXH hiện nay của các DN có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do một số DN lợi dụng việc trả lãi đối với các khoản nợ BHXH chỉ bằng lãi suất đầu tư của Quỹ BHXH, thời gian qua khoảng 9-10%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng. Trong bối cảnh nhiều DN khó khăn về nguồn vốn nên họ chấp nhận nợ BHXH kéo dài. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân do một số DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, không có nguồn tài chính để đóng BHXH theo quy định.

Ủy ban cho rằng, cần phải phân loại các DN thành 2 nhóm. Đối với nhóm hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhưng cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH thì cần phải xử lý nghiêm minh. Còn đối với nhóm hoạt động có khó khăn thật sự thì cần có biện pháp xử lý phù hợp để tạo điều kiện cho DN khắc phục khó khăn, tồn tại và vươn lên...

Có ý kiến cho rằng, việc DN phải đóng phí công đoàn là không hợp lý, mức phí cao, trong khi hoạt động công đoàn ở nhiều nơi không thiết thực. Quan điểm của Ủy ban như thế nào?

Việc trích kinh phí công đoàn của các DN đã được Luật Công đoàn năm 2012 quy định. Mức trích này đã được các DNNN thực hiện từ nhiều năm trước đây. Theo tôi, việc tạo nguồn kinh phí cho công đoàn hoạt động là cần thiết, trong đó có trách nhiệm của cả Nhà nước, của DN và của đoàn viên công đoàn. Phần lớn kinh phí công đoàn do DN trích được để lại cho công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoạt động. Công đoàn cơ sở hoạt động hiệu quả sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Trong thực tế, cũng còn nhiều DN chưa thành lập công đoàn cơ sở hoặc có công đoàn cơ sở nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Để khắc phục tình trạng trên, Luật Công đoàn năm 2012 tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, quy định địa vị pháp lý, vai trò trách nhiệm và tổ chức hoạt động của hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam nhằm đề cao vai trò trách nhiệm và tạo hành lang pháp lý cho công đoàn hoạt động có hiệu quả, đáp ứng với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình để nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở để tổ chức này thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình tại DN.