Tăng trưởng tín dụng cài số lùi?

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Hẳn Ngân hàng Nhà nước đang rất bồn chồn trước một thực tế không mấy vui vẻ. So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hết tháng 6/2014, mới chỉ đạt hơn 1/4 mục tiêu, trong khi thời gian còn lại của năm chỉ còn 5 tháng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đã hết tuần đầu của tháng 8, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng tháng 7/2014 so với đầu năm, khiến giới phân tích sốt ruột "bốc quẻ" con số này ở mức 3,5% - 3,7%.

Trước hối thúc không được dồn tín dụng vào cuối năm của Chính phủ, hẳn Ngân hàng Nhà nước đang rất bồn chồn trước một thực tế không mấy vui vẻ.

"No dồn đói góp"

Trong thông điệp phát đi ngày 4/8 về nội dung phiên họp thường kỳ tháng 7/2014, Chính phủ yêu cầu: "Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu đề ra, không để dồn vào thời điểm cuối năm".

Có mấy lý do để Chính phủ hối thúc như vậy mà đầu tiên là không muốn tình trạng "no dồn đói góp", nhất là từ nay đến hết năm, các khoản chi từ ngân sách được gia tăng, nếu được cộng hưởng thêm với sự "dồn toa" của tín dụng, sẽ tác động rất xấu lên lạm phát.

Hai là, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hết tháng 6/2014, mới chỉ đạt hơn 1/4 mục tiêu, trong khi thời gian còn lại của năm chỉ còn 5 tháng.

Ba là, tín dụng ngân hàng đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), tín dụng tăng thấp, phản ánh đầu tư doanh nghiệp tư nhân nội địa thấp trong khi đóng góp của khu vực này cho GDP lên tới 60%.

"Hiện nay, đầu tư nước ngoài, đầu tư công đang rất tốt, đóng góp 40% cho GDP nhưng đầu tư tư nhân không tốt. Tình hình này rất gay go vì đầu tư tư nhân sụt giảm, đã phản ánh lòng tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp tư nhân và cả ngân hàng giảm theo, dù triển vọng phục hồi đã nhìn thấy tương đối rõ. Lý do ở đây là nợ xấu và rủi ro thị trường quá lớn", ông Nghĩa nói.

Trở lại với con số tăng trưởng tín dụng tháng 7/2014, trong bản tin tháng 7/2014 của nhóm nghiên cứu BIDV đã... "ước" con số này là 3,5% - 3,7%, bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn, tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ/vốn huy động) với VND là 85%.

Giả định rằng, tăng trưởng tín dụng là 3,5% thì thực sự đáng ngại vì có vẻ như chúng đang... cài số lùi 0,02% khi mà tháng trước, tỷ lệ này đã là 3,52%. Nhưng điều đáng ngại hơn còn ở chỗ lý do của câu chuyện "lùi".

Nhớ lại, ngày 25/6, một lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tại một hội thảo về giá rằng, tín dụng tăng trưởng ở mức 2,3% nhưng khoảng một tuần sau (30/6), Ngân hàng Nhà nước chính thức cho biết con số này là 3,52%.

Lâu nay, câu chuyện "làm xiếc" số liệu không mới và như ông Lê Xuân Nghĩa từng chia sẻ một trong những "kỹ năng" ấy như sau: ngân hàng A có công ty A', ngân hàng B có công ty B'. Ngân hàng A cho B' vay tiền, B' mang tiền gửi vào B. Ngược lại, B cho A' vay và A' gửi vào A.

Như vậy, cả A và B đều được cả tăng trưởng huy động lẫn dư nợ. Hết mùa báo cáo, tiền nhà nào thu về nhà đó. Thế nên mới có chuyện sụt giảm như nói trên.

Còn nếu, tín dụng tăng 3,7% thì mức tăng so với tháng trước chỉ 0,2%, được cho là khá thấp.

Tiếp tục hạ lãi suất?

Như nói trên, do tỷ lệ LDR đối với VND ở mức thấp như ước đoán của nhóm phân tích BIDV là 85% đã cho thấy, thanh khoản hệ thống tiếp tục dồi dào. Và, trong bối cảnh như trên, dòng vốn ngân hàng sẽ phải tìm đến trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, tín phiếu Kho bạc như là một địa chỉ ưa thích.

Một thống kê của nhóm cho thấy, trong tháng 7/2014, nhu cầu đầu tư thứ hàng hóa này khá cao, trong khi nguồn cung có phần giảm nhẹ. Ở thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước huy động thành công thêm 22,95 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ trúng thầu gần tuyệt đối ở mức 99,8%.

Điểm đáng chú ý là kỳ hạn 5 năm vươn lên dẫn đầu với tỷ trọng 47,93%, tiếp đó, kỳ hạn 3 năm: 34,6%, phần còn lại cho các kỳ hạn 2 năm và 10 năm. Kỳ hạn 5 năm chiếm tỷ trọng cao, cho thấy nhận định của các ngân hàng trong trung và dài hạn, tình hình đầu tư tín dụng chưa mấy khả quan.

Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước còn huy động thêm 3 nghìn tỷ đồng tín phiếu, nâng tổng khối lượng phát hành trong tháng 7 lên 25,95 nghìn tỷ đồng, cán đích 51,9% kế hoạch của quý 3/2014, đưa lũy kế từ đầu năm hoàn thành 78,2% kế hoạch cả năm 2014.

Một điểm nữa, lãi suất trúng thầu trái phiếu giảm rất nhanh trên tất cả các kỳ hạn từ 22 - 47 điểm phần trăm, lần lượt ở mức 5,25% - 5,68% - 6,68% và 8,48% cho các kỳ hạn 2 - 3 - 5 và 10 năm.

Liên quan đến một diễn biến khác, theo cập nhật từ báo cáo tháng 7 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, mặc dù lãi suất tiền vay bình quân hiện nay đã giảm thêm 0,25 điểm phần trăm so với tháng 12/2013 nhưng vẫn ở mức 10,08%/năm, được cho là tương đối cao.

"Tín dụng tăng thấp là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm và chi phí vốn còn cao", báo cáo viết. Cũng theo báo cáo trên, số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động trong 7 tháng đầu năm tăng 9,8% so với cùng kỳ 2013; thêm vào đó, đầu tư tư nhân trong 6 tháng đầu năm 2014, chỉ ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kỳ 2013.

Thực tế trên cho thấy, khu vực đầu tư tư nhân đang bị chèn ép và sụt giảm một cách đáng báo động.

Khi được hỏi "phải làm gì để thoát khỏi tình trạng ách tắc tín dụng hiện nay", ông Lê Xuân Nghĩa nói: "Chính phủ đã tiến hành một số biện pháp kích thích như miễn giảm thuế, rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan; đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước gia tăng cho vay tam nông và ngành xây dựng cơ bản. Tôi cho rằng, sắp tới, Ngân hàng Nhà nước có thể tính tới bài toán điều hành giảm lãi suất, nhưng mức độ không lớn để góp phần kích thích tăng trưởng tín dụng".

Một số ý kiến trong giới phân tích nhận định rằng, trong tháng 8 này, do CPI dừng lại ở mức 1,62% và khó tăng trong thời gian tới; cộng thêm khả năng kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 5% đã quá rõ ràng; và để thoát khỏi tình trạng ảm đạm của tăng trưởng tín dụng cũng như khó khăn của doanh nghiệp, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ thêm các mức lãi suất điều hành thêm 0,5%. Tuy nhiên, đó chưa phải là liều thuốc cơ bản để chữa các căn bệnh nan y của nền kinh tế vào thời điểm này.