Tạo bước đột phá quan trọng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

ThS. Ngô Thị Hồng Hạnh - UBND quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội)

Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 là nhằm đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá quan trọng trong chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chống lãng phí trong chi tiêu công, góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) được Đảng, Nhà nước quan tâm, thể hiện rõ trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng, Luật THTKCLP và quy định của pháp luật trong các lĩnh vực.

Năm 2017, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ xác định chủ đề trọng tâm hành động của năm 2017 là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”; Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp THTKCLP theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Luật THTKCLP năm 2013, Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTKCLP năm 2017, với mục tiêu đẩy mạnh THTKCLP trong mọi lĩnh vực đời sống KT-XH, tạo chuyển biến rõ rệt công tác THTKCLP với những kết quả cụ thể, phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngày 31/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 398/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTKCLP năm 2017. Theo đó, THTKCLP được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTKCLP.

Cụ thể, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp cho người lao động theo quy định) để tạo nguồn cải cách tiền lương. Hạn chế các cuộc họp không cần thiết, thực hiện lồng ghép các nội dung, công việc cần xử lý; Giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội sử dụng NSNN, nhất là những lễ hội có quy mô lớn.

Phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; Tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia...

Trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công, Thủ tướng yêu cầu hạn chế mua sắm xe ôtô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; việc mua sắm mới xe ô tô (bao gồm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng) của cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định…

Ðất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm tiết kiệm; Nâng cao hiệu suất sử dụng nhà công vụ; Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định.

Yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ cơ sở

Thực tiễn cho thấy, mục tiêu của THTKCLP trong giai đoạn hiện nay nhằm hướng đến mục tiêu nhằm đẩy mạnh công tác THTKCLP trong mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH, tạo bước đột phá quan trọng trong chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chống lãng phí trong chi tiêu công, góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH ở các địa phương và cả nước.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật THTKCLP nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về THTKCLP; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí trong các lĩnh vực của đời sống KT-XH.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, thời gian qua  triển khai công tác THTKCLP vẫn còn có những hạn chế, đáng chú ý là công tác lãnh đạo, chỉ đạo THTKCLP và việc triển khai thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị chưa kiên quyết; Kế hoạch triển khai còn thiếu cụ thể, chưa xác định được các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung, chưa có cơ chế thưởng, phạt vật chất rõ ràng. THTKCLP có nơi, có lúc chưa gắn chặt chẽ với trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, chưa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực.

Việc quản lý, sử dụng NSNN tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước vẫn còn lãng phí…

Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị còn hạn chế: Sử dụng sai nguồn kinh phí; Sử dụng nguồn dự phòng, nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu để bổ sung chi thường xuyên sai quy định; Chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

Việc mua sắm, sử dụng tài sản nhà nước vẫn còn tình trạng chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, xe ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm; Việc xử lý, thanh lý tài sản còn xảy ra thất thoát, lãng phí, nhất là đối với xe ô tô công và gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời đẩy mạnh việc THTKCLP trong giai đoạn 2016 - 2020, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH đã đề ra, việc triển khai chương trình hành động về THTKCLP của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục chú trọng, tăng cường các yêu cầu sau:

- Phải xác định THTKCLP là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực để tạo chuyển biến tích cực trong chống lãng phí và thực hành tiết kiệm. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nơi để xảy ra lãng phí; trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm Luật THTKCLP.

- Nâng cao hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền quyết định và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc quản lý, điều hành và sử dụng NSNN. Các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN... tiếp tục phát huy tính chủ động của người đứng đầu trong thực thi công vụ, coi THTKCLP là trách nhiệm trong thi hành công vụ thông qua các quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan; Phát huy cơ chế giám sát, phản ánh của nhân dân đối với cán bộ, công chức về thái độ trong phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, để chấn chỉnh kịp thời, tạo lòng tin trong nhân dân.

- Triển khai công tác THTKCLP phải bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, của từng ngành, lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị. THTKCLP phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi; tổ chức học tập quán triệt đầy đủ, kịp thời Luật THTKCLP; thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp và chế độ báo cáo theo yêu cầu.

- Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng tài sản công; công khai các hoạt động quản lý, sử dụng NSNN, lao động, thời gian lao động và tài nguyên, khoáng sản để đảm bảo thực hành tiết kiệm, ngăn chặn và phòng ngừa lãng phí…. Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực chi đầu tư xây dựng cơ bản; Chống lãng phí trong mua sắm tài sản nhà nước thông qua việc đẩy mạnh mua sắm theo phương thức tập trung.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Luật THTKCLP nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác THTKCLP.   

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015), Luật NSNN (Luật số 83/2015/QH13 ngày 25/06/2015);

2. Bộ Tài chính (2017), Quyết định số 1284/QĐ-BTC ngày 11/7/2017 về việc ban hành Chương trình THTKCLP năm 2017 và giai đoạn đến năm 2020;

3. Một số website như: mof.gov.vn, hanoi.gov.vn, sotaichinh.hanoi.gov.vn, thuvienphapluat.vn…