Tạo động lực cho phát triển khoa học và công nghệ

PV.

Trong những năm qua, khoa học và công nghệ đang từng bước thể hiện vai trò là động lực và nền tảng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở nước ta. Bối cảnh mới hiện nay đặt ra, Việt Nam cần tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính nhằm khai thác tiềm năng của khoa học và công nghệ.

Hội thảo “Khoa học và công nghệ tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 12/5/2017
Hội thảo “Khoa học và công nghệ tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 12/5/2017

Vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế

Trong kết quả nghiên cứu định lượng gửi tới Hội thảo: “Khoa học và công nghệ tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 12/5/2017 tại TP. Ninh Bình, TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia cho biết,  sau 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011-2020, với những đóng góp thiết thực của KHCN, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực.

Theo Bộ KHCN (2016), giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào GDP giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp tăng dần từ mức 11,7% năm 2011 lên mức 28,7% năm 2013. Xét theo tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị thì trong giai đoạn 2011-2014, Việt Nam có tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%.

TS. Lương Văn Khôi cho rằng, ở tầm vĩ mô, những đóng góp của KHCN vào tăng trưởng kinh tế được thể hiện qua sự đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Trong giai đoạn 2010-2015, TFP đã đóng góp gần 29% cho tăng trưởng GDP, trong khi đóng góp của TFP trong giai đoạn 2006-2010 là âm. Điều này cho thấy dưới tác động của tổng hợp các nhân tố, trong đó có KHCN, các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất (vốn và lao động) đã được sử dụng hiệu quả hơn trong những năm gần đây.

Xét ở khía cạnh doanh nghiệp và ngành, việc cải thiện trình độ công nghệ, máy móc thiết bị, trình độ lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam và môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ tạo sung lực vô cùng lớn cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh.

Đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa đạt mức kỳ vọng

Dù đã có những cải thiện nhất định về tiềm lực KHCN, song đến nay hoạt động KHCN nước ta còn rất nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong KHCN hiện nay là do đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Hoạt động KHCN nước ta hiện nay chủ yếu được đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) với mức kinh phí khoảng 1,4-1,85% tổng chi NSNN hàng năm.

Năm 2015, đầu tư cho KHCN từ NSNN đạt khoảng 17.390 tỷ đồng, bằng 1,52% tổng chi NSNN, tăng mạnh so với năm mức 1,36% trong năm 2014, song giảm mạnh so với mức 1,85% năm 2006. Tính theo tỷ trọng đầu tư cho KHCN/GDP từ NSNN giai đoạn 2006-2015 thì cũng giảm từ mức 0,51% xuống mức 0,41%.

Theo PGS., TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, ngân sách đầu tư cho KHCN vẫn còn khiêm tốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Kinh phí NSNN cấp để thực hiện nhiệm vụ KHCN có nhiều bất cập, cơ cấu chi chưa thực sự phù hợp (ước tính có khoảng 20% tiền dành cho KHCN thực chất đầu tư cho hoạt động sáng tạo của các nhà nghiên cứu, còn 80% nằm ở khâu đầu tư gián tiếp).

Tỷ lệ chi NSNN cho KHCN từ năm 2006-2014 có xu hướng giảm tương đối, từ 1,85% năm 2006, xuống 1,36% năm 2014. Hơn nữa, mức đầu tư của xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước cho KHCN còn rất thấp, khoảng 0,3-0,4% GDP. Như vậy, tổng đầu tư của Việt Nam cho KHCN hàng năm vẫn dưới 1% GDP.

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” về tài chính, đầu tư

Để tạo động lực cho phát triển KHCN, theo các chuyên gia, một trong những giải pháp cần chú trọng ưu tiên thực hiện là xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho KHCN, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, coi đây là nguồn lực chính. Nhà nước phải coi đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là từ các doanh nghiệp cho KHCN là chính, tiến tới đầu tư cho KHCN chủ yếu từ doanh nghiệp như các nước tiên tiến đã làm.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận các tổ chức tài chính trong đổi mới, đầu tư công nghệ. Khó khăn về tài chính là vấn đề rất phổ biến đối với các doanh nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi và nó thường rơi vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ngân hàng thế giới 2013). Vì vậy, chính sách công nghiệp trong nước cần có các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp ví dụ như mở rộng các phương thức cho vay, đặc biệt đối với hoạt động đầu tư cho cộng nghệ mới và cải tiến kỹ thuật.

Liên quan đến cơ chế, chính sách tài chính đối với KHCN, TS. Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, hoàn thiện, bổ sung và phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm đồng bộ hóa thể chế tài chính đối với KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

“Cơ chế tài chính đối với KHCN đã có sự đổi mới mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, nhất là tính tới hội nhập KHCN và đặc biệt là cuộc cách mạng KHCN lần thứ tư thì cần đổi mới một cách căn bản thể chế tài chính đối với KHCN, để nó không chỉ tháo gỡ được các rào cản hiện có mà trở thành hành lang thông thoáng, minh bạch, là “giá đỡ” cho KHCN nước nhà tiến lên những nấc thang mới, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lê Hải Mơ nhận định.