Thách thức từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Tác động hai chiều đến Việt Nam

Theo Khải Minh/daibieunhandan.vn

Nhiều chuyên gia dự báo, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách bảo hộ thương mại cũng như những căng thẳng liên tục leo thang, bất ổn của thương mại Mỹ - Trung. Từ đó, có thể tác động hai chiều cả tích cực lẫn tiêu cực đến Việt Nam. Do đó, để giữ được đà tăng trưởng, Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, tăng cường năng lực công nghệ để thu hút doanh nghiệp FDI, nhất là chú trọng công nghệ cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều thách thức hơn trong nửa cuối năm 2018

Tại tọa đàm Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tổ chức sáng 8/8, tại Hà Nội, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) cho biết, trong quý I/2018, kinh tế đã đạt mức tăng trưởng cao ấn tượng của 10 năm trở lại đây, với mức 7,45% với sự đóng góp lớn của Samsung và Formosa.

Tuy nhiên, sang đến quý II, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, chỉ đạt 6,79%. Kinh tế cũng đối diện với nhiều thách thức hơn trong nửa cuối của 2018.

Những thách thức này đến từ sức ép của đồng USD tăng giá do FED tăng lãi suất cũng như triển vọng kinh tế Mỹ khả quan trong năm nay. Ngoài ra, thị trường trong nước cũng bị tác động bởi biến động giá cả hàng hóa trên thế giới mà trong đó, giá dầu là một ẩn số khá lớn. Sức ép ổn định kinh tế vĩ mô năm nay sẽ lớn hơn năm ngoái do các yếu tố bên ngoài không thuận lợi.

Điều này thể hiện khá rõ qua tỷ giá, lạm phát có xu hướng tăng. Chính phủ cũng đã có những biện pháp kìm chế lạm phát, điều hành tỷ giá song áp lực vẫn lớn. Trong năm 2018, lạm phát bình quân được dự báo quanh mức từ 4- 4,2%.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm đang giảm dần, đặc biệt khi đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài bắt đầu giảm sút từ quý II. Mặt khác, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế chưa tác động rõ nét lên tăng trưởng.

Thực tế, Việt nam chưa có một đánh giá nào lượng hóa tác động cải thiện của chính sách này.  Nền kinh tế Việt Nam đến nay vẫn dựa chủ yếu vào vốn, trong khi năng suất lao động, sáng tạo, dù có cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu mất đà do thiếu động lực hỗ trợ, không chỉ là vấn đề cho 6 tháng cuối năm mà còn cho cả giai đoạn 2019 - 2020.

Bên cạnh đó, dự báo tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách bảo hộ thương mại cũng như những căng thẳng liên tục leo thang, bất ổn của thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, từ 6/7, Mỹ và Trung Quốc sẽ chính thức áp đặt mức thuế cao lên hàng hóa của nhau.

Chính căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này khiến Việt Nam phải cảnh giác khi đây cũng là các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rủi ro địa chính trị, chiến tranh thương mại, chính sách cải cách thuế tại Mỹ ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư của công ty đa quốc gia nước này trên toàn cầu.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) phân tích, cuối năm 2017, Mỹ đã thông qua luật cải cách thuế lớn nhất 30 năm trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21%. Điều này khiến các công ty Mỹ tại các nước trong đó có Việt Nam xem xét lại chiến lược đầu tư.

Họ có thể chuyển hướng đầu tư về chính quốc gia của mình để hưởng thuế suất ưu đãi. “Xu hướng giảm thuế của Mỹ có thể gây ra làn sóng giảm thuế ở một số nước khác hoặc ưu đãi nhằm giữ doanh nghiệp Mỹ ở lại, từ đó làm sức cạnh tranh môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm tương đối” - TS. Trần Toàn Thắng nhận định.

Hướng đi nào cho kinh tế 6 tháng cuối năm?

Để giữ được đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, tăng cường thu hút FDI từ Mỹ; tiếp tục tăng cường năng lực công nghệ để thu hút doanh nghiệp FDI, nhất là chú trọng công nghệ cao.

Đồng thời, áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm đề phòng hiện tượng thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài; ứng phó với các biện pháp tăng cường bảo hộ thương mại từ Mỹ cũng như những tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; chủ động đối phó với biến động về tỷ giá.  TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu Tư đưa ra bốn giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, tái cơ cấu nền nông nghiệp bằng cách áp dụng công nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo bằng cách nhanh chóng triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết 23 của Trung ương (ban hành ngày 22/3/2018) về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Bộ Công thương cần đặt ra ưu tiên phát triển công nghiệp vào những ngành mà chúng ta có lợi thế, có khả năng, có thị trường và phù hợp với đà tiến chung của thế giới và nhất là tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự đổi mới sáng tạo sẽ là cốt lõi của quá trình tái cơ cấu công nghiệp và các chính sách công nghiệp.

Thứ ba, TS. Lưu Bích Hồ khẳng định, ngành du lịch cần “làm tới”, khẳng định vị trí trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn vậy, ngành du lịch cần cải thiện cách thức tổ chức, môi trường du lịch, từ đó đẩy mạnh thu hút ngoại tệ. Cuối cùng, đẩy mạnh xuất khẩu, tập trung tháo gỡ các điều kiện kinh doanh kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Thực tế, vừa qua, Chính phủ cũng đã có chính sách cắt giảm các điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, theo đó, có hơn 600 điểm cần cắt giảm nhưng đến nay, vẫn chưa thực sự đi vào thực tiễn, do đó, chuyên gia này kỳ vọng, 15/8 tới đây, các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp sẽ thực sự cắt giảm, đáp ứng sự tha thiết, mong mỏi lâu nay của các doanh nghiệp.

Liên quan đến tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, TS Lưu Bích Hồ cũng đưa ra cảnh báo, Việt Nam cần cảnh giác, tuy chưa phải trực tiếp nhưng cần hết sức cẩn trọng với tác động dây chuyền theo kiểu “domino”. Do đó, không nên để Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa đến Mỹ thông qua thị trường Việt Nam, tránh việc Việt Nam cũng sẽ phải chịu mức áp thuế cao.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định, căng thẳng giữa 2 nền kinh tế Mỹ - Trung có thể tác động hai chiều đến Việt Nam, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, biểu hiện tiêu cực hay tích cực phụ thuộc vào sự phản ứng của doanh nghiệp trong nước linh hoạt đến đâu, nắm bắt thời cơ như thế nào “Điều tích cực là khi Mỹ và Trung Quốc không nhập được hàng hóa của nhau thì họ sẽ tìm cách nhập từ thị trường khác.

Khi ấy, Việt Nam có thể có cơ hội tăng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc, nhưng phải biết tận dụng, nắm bắt được” - TS. Trần Toàn Thắng nói.