Thận trọng khi ngân hàng đầu tư ra nước ngoài

Theo baohaiquan.vn

Nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, mở rộng thị trường, khách hàng, nhiều ngân hàng Việt đã bước chân ra nước ngoài. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập, tuy nhiên, những bước đi này nếu không vững chắc khó thu về quả ngọt.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Xu hướng

Bắt đầu từ năm 2008, làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các ngân hàng Việt Nam được khởi động. Tuy có muộn hơn so với thế giới, nhưng việc mở rộng này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn với nhiều mô hình như lập văn phòng đại diện, chi nhánh hay ngân hàng con...

Đến nay, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có văn phòng đại diện tại Singapore và công ty con tại Hồng Kông; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Campuchia; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mở chi nhánh ở Lào, Campuchia… Thậm chí, Sacombank đã chuyển đổi chi nhánh tại Campuchia thành ngân hàng con với 100% vốn và có 7 chi nhánh tại Thủ đô Phnôm Pênh và các tỉnh trọng điểm.

Ngoài hai thị trường truyền thống là Lào, Campuchia, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã mở chi nhánh tại 2 thành phố Berlin và Frankfurt (Đức). Hiện VietinBank đã vươn rộng cánh tay sang Lào, Singapore, Pháp…

Mới đây, vào giữa tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ khai trương hoạt động Văn phòng đại diện của BIDV tại Trung tâm thương mại Hà Nội – Moscow (Liên bang Nga). Qua đó, BIDV là ngân hàng đầu tiên có mặt tại Nga và BIDV xác định đây là thị trường chiến lược, cần tập trung phát triển.

Nhìn chung, các ngân hàng hoạt động tại nước ngoài đã thu về khá nhiều thành công.

Ông Phạm Xuân Sơn, Giám đốc SHB Chi nhánh Campuchia cho biết, sau 4 năm chính thức đi vào hoạt động, SHB Chi nhánh Campuchia tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển ổn định, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Campuchia.Nhờ chiến lược kinh doanh hợp lý, tính đến cuối năm 2015 tổng tài sản SHB Campuchia đạt gần 240 triệu USD; huy động vốn đạt gần 21 triệu USD; dư nợ cho vay khách hàng năm 2015 đạt gần 205 triệu USD; lợi nhuận đạt trên 2 triệu USD; tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp chỉ 0,05%.

Có thể thấy, các ngân hàng “nhắm” tới nhiều nhất vào thị trường các nước khu vực ASEAN bởi đây là những nền kinh tế được đánh giá là mới nổi, nhiều tiềm năng. Hơn nữa, theo các chuyên gia, các thị trường tại ASEAN có đường biên giới gần với Việt Nam, có sự tương đồng về truyền thống văn hóa và thương mại, lượng hàng hóa giao thương của doanh nghiệp Việt Nam khá lớn.

Vì thế, sự hiện diện của các ngân hàng Việt Nam tại hai thị trường này có thể phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam liên quan tới vốn, phương tiện thanh toán, kinh doanh ngoại tệ…

Rủi ro thường trực

Lợi ích của việc ngân hàng mở rộng thị trường ra nước ngoài là có thêm thị trường, thêm khách hàng và là cơ hội để ngân hàng quảng bá thương hiệu, tăng thêm sức cạnh tranh.

Theo chuyên gia tài chính TS. Bùi Kiến Thành, ngân hàng mở rộng sang thị trường nước ngoài còn giúp phân tán rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động, từ đó, có thể vươn lên thành những tập đoàn tài chính mang tầm quốc tế. Hơn nữa, xét về góc độ kinh tế nói chung, việc mở rộng sẽ giúp hoạt động giao thương của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài được thuận lợi hơn, thúc đẩy cho đôi bên cùng phát triển.

Tuy nhiên, cũng như việc đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác, sự đầu tư của các ngân hàng nước ngoài cũng có nhiều rủi ro, thậm chí rủi ro còn lớn hơn khi liên quan đến vấn đề tài chính. Không những thế, các ngân hàng còn phải đối mặt với những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, pháp lý và chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các ngân hàng bản địa.

Vì thế, có thể thấy, đa phần quốc gia mà ngân hàng Việt Nam hướng tới có nền kinh tế kém phát triển hơn hoặc ở những nơi có đông cộng đồng dân doanh người Việt.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Theo đó, tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu của Chính phủ và của các tổ chức phát hành được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

NHNN quy định, tỷ lệ đầu tư an toàn của tổ chức tự doanh là ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp là 7% vốn tự có, không bao gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh của chi nhánh ở nước ngoài của chính tổ chức tự doanh đó. Đồng thời, các ngân hàng phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp.

Như vậy, NHNN đã lường trước được việc đầu tư ồ ạt của các ngân hàng thương mại. Do đó, theo TS.Bùi Kiến Thành, các ngân hàng phải tăng cường khả năng giám định rủi ro, xác định quốc gia sắp đầu tư sẽ có những biến động như thế nào.

Bên cạnh đó, cùng với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các ngân hàng phải đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong nước, nâng cao tính thanh khoản để củng cố bệ đỡ, tăng cường khả năng ứng phó với bất kỳ rủi ro có thể xảy ra. Thậm chí, các ngân hàng không nên quá tập trung vào thị trường nước ngoài mà bỏ ngỏ thị trường trong nước, khi mà nhiều ngân hàng quốc tế lớn mạnh hơn đã đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, chuyên gia tài chính TS. Bùi Kiến Thành còn lưu ý về hoạt động đầu tư “sân sau” của các ngân hàng khi sở hữu chéo, cho vay chéo vẫn chưa thực sự được kiểm soát triệt để.

Do vậy, bên cạnh sự tự lực của các ngân hàng thương mại, NHNN và cơ quan quản lý cũng phải có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ và quản lý việc ngân hàng đầu tư ra nước ngoài, kiểm soát và quy định chặt chẽ tỷ lệ dòng vốn được phép đầu tư. Bởi chỉ cần một rủi ro cũng có thể ảnh hưởng đến cả nền tài chính trong nước.