Thất thu hàng trăm tỷ đồng vì tình trạng ”cảng chờ đường”

Theo hanoimoi.com.vn

Tình trạng có cảng nhưng chưa có đường kết nối, hạ tầng cơ sở không đồng bộ… khiến hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam bộ đang thất thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Câu chuyện trên nóng đến nỗi Bộ GTVT vừa phải có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng biển Nhóm 5 (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Vũng Tàu) và các bến cảng Cái Mép - Thị Vải nhằm khắc phục tình trạng trên.

Thất thu hàng trăm tỷ đồng vì tình trạng ”cảng chờ đường”
Tuyến đường D3 kết nối Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước không khác gì “đường rừng”. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Khi huyết mạch bị nghẽn

Báo Hà Nội mới cũng đã phản ánh về tình trạng "cảng chờ đường" tại TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên đến nay tình cảnh trên còn bi đát hơn. Ghi nhận của phóng viên, tại đoạn đầu tuyến đường D3 kết nối trực tiếp Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (SG - HP), cỏ dại vẫn mọc um tùm, đến nỗi khó bước sâu vào trong nếu không được sự hướng dẫn của đại diện cảng. Phía bên kia rạch Mương Lớn (huyện Nhà Bè) còn tệ hơn khi cỏ cây mọc cao quá đầu người, không thể nhìn ra đây là tuyến đường sẽ trở thành huyết mạch của cảng.

Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn cho biết, tuyến đường D3 dài 2,2km, có tổng kinh phí ban đầu 259 tỷ đồng do UBND thành phố duyệt năm 2011. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể thi công do kinh phí vẫn bị vướng. Trước những khó khăn trên, UBND thành phố đã phải thỏa thuận với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trực tiếp ứng vốn cho chủ đầu tư để làm tuyến đường và thành phố sẽ cấn trừ vào tiền sử dụng đất của BIDV. Dự kiến tháng 9 tới, dự án sẽ chính thức khởi công. Tuy nhiên, hiện nguồn kinh phí xây dựng tuyến đường được duyệt cách đây hai năm nên Cảng SG - HP vừa trình lên Sở GTVT kiến nghị điều chỉnh thêm 300 triệu đồng do trượt giá. Như vậy thì câu hỏi có thi công đúng kế hoạch hay không vẫn còn chưa có câu trả lời...

Chưa dừng lại ở đó, hiện chủ đầu tư Cảng SG - HP là Công ty CP Cảng SG - HP đang nợ nhà thầu trên 150 tỷ đồng, thế nên toàn bộ dự án xây dựng Cảng SG - HP khởi công từ tháng 5-2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2014 cũng phải tạm dừng thi công từ tháng 5-2013, khi mới hoàn thành chưa đầy 30% khối lượng công việc. 

Cùng chung số phận, Cảng quốc tế Phú Hữu (quận 9) dù được đưa vào khai thác từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn không hoạt động hiệu quả do thiếu đường vào. Bi đát hơn, tuyến đường bê tông của cảng dài khoảng 1km vừa mới hoàn thành chưa thể vận hành bởi đường kết nối chưa được duyệt. Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2), đơn vị này đã kiến nghị với Sở GTVT về việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường Nguyễn Duy Trinh nhằm đồng bộ cơ sở hạ tầng với tuyến đường bê tông trên. Hiện tuyến đường này chỉ là đường liên quận cấp thấp. Nếu được đầu tư sẽ phân kỳ theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1, mở rộng thành 12m với 4 làn xe, tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện mở rộng lên 30m với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng. Khi hoàn thành tuyến đường sẽ bảo đảm cho các xe tải lưu thông vào cảng, đồng thời, kết nối trực tiếp với đường vành đai phía Đông đi về các tỉnh miền Tây; Xa lộ Hà Nội về các tỉnh phía Bắc; kết nối với cảng Cát Lái (quận 2) và trong tương lai nối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Trong buổi đi khảo sát thực tế tại Nhóm cảng biển số 5, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, hiện nước ta mất khoảng 1,5 đến 2 tỷ USD mỗi năm vì không có cảng trung chuyển container quốc tế. Thế nên, Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) được xác định sẽ giảm thiệt hại về mặt kinh tế vận tải biển, với quy hoạch có thể tiếp nhận tàu container có trọng tải lên đến 80 nghìn DWT (tương đương 80 nghìn tấn). Như vậy, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đi các cảng ở Châu Âu, Bắc Mỹ sẽ không phải qua các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực. 

Cũng theo tính toán của ông Nhật, nước ta có đường bờ biển dài, khi phát huy tốt vận tải đường thủy sẽ mang lại lợi ích kinh tế vô cùng lớn. Đơn cử, nếu vận chuyển 1 tấn xi măng từ Nhà máy Nghi Sơn (Thanh Hóa) vào TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ, chi phí vận chuyển khoảng 350 đến 400 nghìn đồng/tấn, còn đường thủy chỉ có 120 nghìn đồng/tấn…

Nói về chuyện thất thu khi cảng chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng, ông Huỳnh Văn Cường thẳng thắn, từ đầu năm 2013 đến nay, do khai thác tạm nên Cảng SG - HP chỉ đạt sản lượng khai thác hơn 90 nghìn tấn, doanh thu gần 2,5 tỷ đồng. Theo quy hoạch, cảng sẽ khai thác được khoảng 8,5 triệu tấn/năm, nếu đem ra so sánh với con số trên thiệt hại hằng năm không dưới 200 tỷ đồng. Đáng buồn hơn là tình cảnh của Cảng Phú Hữu, dù hoàn thành cách đây 4 năm, nhưng đang "sống dở chết dở", hoạt động cầm chừng vì đường vẫn chưa thông. Theo phản ánh của đại diện Cảng Phú Hữu, trung bình một tháng chỉ có vài chuyến tàu ghé vào tiếp nhận hàng trung chuyển. Mới đây, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Phú Hữu thừa nhận, sự không đồng bộ về hạ tầng khiến doanh thu trong năm 2012 chỉ đạt gần 3 tỷ đồng, nếu chiếu theo kế hoạch đề ra cảng lỗ hơn 2 tỷ đồng.