Thực trạng thâm hụt ngân sách ở California

Mức thâm hụt ngân sách nhà nước của tiểu bang California có xu hướng tăng cao tới 38,2 tỷ USD trong giai đoạn 2003 - 2004, vượt 48% so với tổng dự toán chi Ngân sách Nhà nước được duyệt. Bước sang giai đoạn 2007 - 2008, “bong bóng” bất động sản của Mỹ bị vỡ, khiến tiểu bang bị thâm hụt trên 50% tổng dự toán chi được duyệt (sử dụng chi khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng). Không dừng lại ở đó, thâm hụt ngân sách nhà nước của tiểu bang còn tăng lên tới 52,8% trong giai đoạn 2010 – 2011.

Khủng hoảng ngân sách của tiểu bang California do những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nguồn thu từ các khoản thuế giảm trong khi chi ngân sách để khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế tăng cao. Nguồn thu chủ yếu của tiểu bang là thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chiếm khoảng 50%, thuế bán hàng hóa chiếm 35%, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chiếm khoảng 11% và các loại thuế, phí khác chiếm 4%. Điều dễ nhận thấy, sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, thu nhập của người dân giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến nguồn thu thuế TNCN của tiểu bang trong khi mức chi khó giảm, dẫn đến bội chi ngân sách tăng vọt.

Cuối năm 2001, khi “bong bóng” ngành công nghệ thông tin vỡ, thu nhập của người dân giảm 50%, làm suy giảm tổng cầu của nền kinh tế, kéo theo thu ngân sách giảm đột ngột, cán cân ngân sách California đột ngột chuyển từ dương sang âm. Tương tự, vào cuối năm 2007 đầu năm 2008, bong bóng bất động sản ở Mỹ bị vỡ, khiến 2 ngân hàng (Fannie Mae và Freddie Mac) chuyên cầm cố, cho vay bất động sản sụp đổ…

Sau khi đối mặt với những cuộc khủng hoảng này, thâm hụt Ngân sách Nhà nước của tiểu bang tăng đột biến lên tới 50% tổng chi ngân sách bình quân giai đoạn 2008 – 2010, gấp 2,5 lần mức thâm hụt bình quân chung của toàn bộ các tiểu bang ở nước Mỹ.

Thứ hai, hệ thống thuế của tiểu bang California đã bộc lộ nhiều yếu điểm, kém tính cạnh tranh so với các tiểu bang khác. Trong khi đó, do thuế suất cận biên cao (trên 10%), gánh nặng thuế không chỉ xếp thứ 4 trong tổng số 50 tiểu bang mà còn có một hệ thống thể chế cứng nhắc. Hệ thống thuế của tiểu bang cũng đã lỗi thời, thiếu các sắc thuế đánh vào các giao dịch thương mại điện tử. Trong khi đó, theo Lifsher (2011), chỉ cần áp dụng mức thuế suất rất nhỏ (dưới 1%) vào các giao dịch thương mại điện tử là đã có thể mang lại hàng tỷ USD cho ngân sách tiểu bang.

Thứ ba, sự khắt khe của thể chế tiểu bang đã làm cho chính sách tài khoá trở nên vô hiệu hoá. Các Đề luật cũ (Đề luật 13, Đề luật 98) đã giới hạn mức tăng thu thuế. Hơn nữa, thể chế của tiểu bang còn cho phép cư dân tự ý vận động tạo ra những Đề luật mới, để đạt được các vấn đề về dịch vụ công ích cho mình - một hình thức dân chủ trực tiếp.

Thấy gì từ khủng hoảng tài khóa ở bang California (Mỹ)? - Ảnh 1


Ngoài ra, quy tắc đa số phiếu tuyệt đối được cho là nguyên nhân nữa hạn chế bớt quyền quyết định tài khoá mỗi khi chính quyền đề xuất cải cách thuế. Những khiếm khuyết này đã khiến việc thu Ngân sách Nhà nước của tiểu bang gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới bội chi ngân sách trong nhiều năm liền. Không ít các giải pháp tài khóa đã được trình lên Hội đồng Tiểu bang nhưng rốt cuộc chỉ là những giải pháp “thắt lưng buộc bụng”, đi kèm với sự thiếu hụt về chất lượng dịch vụ công (Senik 2009).

Giải pháp tăng thu ngân sách

Để khắc phục thâm hụt Ngân sách Nhà nước kéo dài trong nhiều năm liền, thiết nghĩ tiểu bang này nên thực hiện theo các giải pháp sau:

Thứ nhất, nới lỏng quy tác đa số phiếu trong mỗi quyết định cải cách thuế, gỡ nút thắt thể chế đối với các cải cách thuế bằng cách nới lỏng quy định hiện hành về đa số phiếu tối đa thành quy tắc đa số phiếu thường (trên 50%) thay vì 2/3. Theo nhà nghiên cứu Senik, các cải cách lập pháp gần đây đều có chung đề xuất là tiểu bang nên bỏ quy tắc đa số phiếu tối đa và quay trở lại thông lệ đa số phiếu thường (đa số phiếu giản đơn) mỗi khi thông qua ngân sách và cải cách thuế.

Minh chứng cho thấy, gần đây, cải cách thể chế của tiểu bang California đã đạt được kết quả thành công bước đầu của việc nới lỏng quy tắc đa số phiếu tối đa. Đề luật 25 được ban hành năm 2010 là một ví dụ điển hình. Đề luật này đã thực hiện thông qua ngân sách và cắt giảm chi tiêu mà không cần đủ 2/3 số phiếu đồng thuận.

Nới lỏng quy tắc đa số phiếu tối đa sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho tài khoá tiểu bang California như: (i) Giảm bớt quyền phủ quyết trong quy tắc đa số phiếu giản đơn sẽ làm giảm bớt tập trung thẩm quyền quyết định của cơ qua lập pháp, hiển nhiên sẽ mang lại tính khả thi cao khi thông quan mỗi dự luật ngân sách hay cải cách thuế; (ii) Nguyên tắc đa số phiếu giản đơn tạo ra một chính sách tài khóa hiệu quả về mặt chi phí; (iii) Quy tắc đa số phiếu giản đơn sẽ giải quyết được tận gốc mọi thất bại của chính sách tài khoá, tăng thêm nhiều cơ hội để duyệt ngân sách đúng hạn và giảm thiểu bội chi ngân sách cơ cấu.

Thứ hai, giảm bớt ảnh hưởng quy trình sáng kiến trong thẩm quyền quyết định ngân sách. Quy trình sáng kiến là một dạng “hành lang nhỏ” bên cạnh hình thức sử dụng cơ quan lập pháp. Thông qua quy trình này, các nhóm lợi ích có thể tham gia và gây ảnh hưởng đến việc ra quyết sách lập pháp, vì vậy tạo ra một sự đối ứng với cơ quan lập pháp. Hai nhà nghiên cứu Christensen và Legreid qua nghiên cứu về mối quan hệ tích cực giữa sự hài lòng của nhân dân và niềm tin của công chúng đã kết luận rằng, chính niềm tin của công chúng đã làm tăng hiệu quả điều hành của chính phủ.

Để lựa chọn chính sách phù hợp, một số tiêu chí có thể sử dụng để đánh giá phải kể đến như tính khả thi, giới hạn thời gian và hiệu quả chi phí lợi ích của chính sách. Về tính khả thi, lựa chọn chính sách 1 là phù hợp. Vì khuynh hướng hiện tại thì đa số các tiểu bang ở nước Mỹ đều thực hiện quy tắc đa số phiếu giản đơn khi thông qua ngân sách và cải cách thuế, ngoại trừ các tiểu bang Arkansas, California và Rhode Island, trong khi đó lựa chọn chính sách 2 là không phù hợp vì nó hiện quy trình sáng kiến được hầu hết các bang áp dụng. Về giới hạn thời gian, lựa chọn chính sách 1 cũng được thừa nhận. Nhu cầu cấp bách của chính quyền tiểu bang, cơ quan lập pháp bang và các cư dân là phải thông qua ngân sách đúng hạn và cải cách hệ thống thuế để sớm giúp tiểu bang thoát khỏi tình trạng thâm hụt dai dẳng và nợ đọng. Trong khi đó, việc nới lỏng quy trình sáng kiến cần nhiều thời gian để khôi phục lòng tin của công chúng đối với chính phủ và quốc hội.

Về hiệu quả chi phí lợi ích của mỗi lựa chọn chính sách, lựa chọn chính sách 1 là ưu tiên số 1. Vì thực hiện nới lỏng quy tắc đa số phiếu tối đa sẽ ít chi phí hơn do quy trình làm luật ở một góc độ nào đó sẽ được thu hẹp và giảm chi phí, trong khi lựa chọn chính sách 2 lại rất đắt đỏ do quy trình tập trung dân chủ thông qua các cuộc trưng cầu ý dân thường rất tốn kém. Nhìn chung, dựa trên các tiêu chí trên, lựa chọn chính sách thứ nhất sẽ khả thi hơn cả để có thể thay đổi tình trạng bế tắc ngân sách của tiểu bang.

Tài liệu tham khảo:

1. Bali, DA và Davis, BC 2007, “Thêm một vấn đề nan giải: quy trình sáng kiến và cơ hội tái cử của nhà lập pháp”, Tạp chí Nghiên cứu chính trị, số 60, trang 2;

2. Boskin, MJ và Cogan, JF 2009, ‘Làm thể nào để California trở lại vị thế’, Tạp chí Wall Street (bản online), xem ngày 20/9/2013;

3. Cain, BE và Noll, RG2010,“Nguyên nhân thể chế của vấn đề ngân sách California”, Tạp chí Chính sách và Chính trị California, số 2&3;

4. Uỷ ban ngân sách nhân dân California 1998, “Quy trình ngân sách nào cho tiểu bang California thế kỷ 21”, Trung tâm xuất bản nghiên cứu chính quyền tiểu bang California;

5. Cain, BE và Mackenzie, GA2008, “Yếu tố nào hạn chế chính sách tài khoá California thể chế hay chính trị?”, Viện nghiên cứu chính sách công California, San Francisco.

Thấy gì từ khủng hoảng tài khóa ở bang California (Mỹ)?

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 12 - 2013

(Tài chính) Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính “kép” đã để lại hậu quả vô cùng lớn với tiểu bang California (Mỹ) khi mức thâm hụt ngân sách nhà nước của tiểu bang này tăng lên đến mức báo động, từ 48% giai đoạn 2003 – 2004 lên 52,8% giai đoạn 2010 – 2011. Bài viết đánh giá thực trạng khủng hoảng tài khóa ở tiểu bang California, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách của tiểu bang này.

Xem thêm

Video nổi bật