Thấy gì từ việc các ngân hàng thoái vốn?

Theo Phạm Mùi/baokiemtoannhanuoc.vn

Trong tháng 11 này, thị trường đã chứng kiến những thương vụ thoái vốn thành công của một số ngân hàng. Trước đó, không ít ngân hàng cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch thoái vốn.

Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD khẩn trương chuyển nhượng, thoái vốn và giám sát việc đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần. Nguồn: internet
Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD khẩn trương chuyển nhượng, thoái vốn và giám sát việc đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần. Nguồn: internet
Ngân hàng liên tiếp thoái vốn

Một trong những ngân hàng đã thực hiện thoái vốn thành công là Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Cụ thể, ngày 20/11, thông qua phiên đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Vietcombank đã bán 13,2 triệu cổ phiếu đã nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) với giá 20.100 đồng/cổ phiếu, gấp 1,6 lần mức giá khởi điểm là 12.550 đồng/cổ phiếu.

Với mức giá này, Vietcombank thu về 266 tỷ đồng, lãi 143 tỷ đồng so với giá trị sổ sách. Cùng với đó, Vietcombank cũng đã thu về 76,2 tỷ đồng, lãi 5,3 tỷ đồng từ việc bán toàn bộ 6,6 triệu cổ phiếu tại Công ty Tài chính xi măng (CFC) với giá 11.554 đồng/cổ phiếu. Như vậy, qua 2 phiên đấu giá, Vietcombank thu về trên 342 tỷ đồng và ước lãi hơn 148 tỷ đồng, thoái vốn khỏi 2 trong 5 tổ chức tín dụng (TCTD) mà Ngân hàng này nắm giữ cổ phần. 

Ngay sau đó 1 ngày, cũng bằng phương thức đấu giá tại HNX, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương đã bán thành công 4,2 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam, với mức giá 10.640 đồng/cổ phiếu, thu về 42,5 tỷ đồng.

Nối gót những thương vụ thành công trên, từ nay đến cuối năm, dự kiến, Vietcombank sẽ thoái thêm vốn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) và đầu năm 2018 sẽ tiếp tục bán hết vốn tại Ngân hàng TMCP Xuất - nhập khẩu (Eximbank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), với kỳ vọng thu về 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng đã và đang tiếp tục thực hiện thoái vốn khỏi DN ngoài ngành. Minh chứng là, cuối quý III vừa qua, BIDV đã ký thoả thuận chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn sở hữu tại Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV - Vietnam Partners cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xuân Cầu.

Hay mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thông báo về việc sẽ bán đấu giá hơn 12,6 triệu cổ phần tại Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC) với giá khởi điểm 13.900 đồng/cổ phiếu và 5,3 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam với giá khởi điểm 18.990 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, Agribank cũng thông báo về việc bán Công ty Cho thuê tài chính I Agribank (ALCI) do Agribank sở hữu 100% vốn điều lệ. Việc làm này nhằm thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phương án xử lý pháp nhân ALCI và Nghị quyết Kỳ họp Hội đồng thành viên Agribank lần thứ 4 năm 2017. 

Cần thiết phải thoái vốn

Theo phân tích của các chuyên gia, việc thoái vốn là cần thiết bởi thực tế những năm qua cho thấy, nhiều khoản đầu tư chéo, đầu tư ngoài ngành của các ngân hàng chưa có hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, nền kinh tế đang khởi sắc cũng là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thoái vốn. Đặc biệt, sau giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, tình hình hoạt động của các TCTD đã được cải thiện rõ nét và các TCTD trở nên giá trị hơn trong mắt nhà đầu tư. 

Mặt khác, Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định: Một ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác (trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó), đồng thời lượng cổ phần được nắm giữ tối đa này phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó.

Nếu theo quy định này thì một số ngân hàng đã từng nắm giữ cổ phần tại các TCTD, các DN khác vượt mức cho phép. Đơn cử, tính đến giữa tháng 7/2017, Vietcombank vẫn nắm giữ cổ phần tại 5 TCTD với tỷ lệ sở hữu như sau:
Saigonbank (4,3%), OCB (trên 5%), MB (7,2%), Eximbank (8,2%) và CFC (10,9%). Bởi vậy, việc thoái vốn của Vietcombank và các ngân hàng khác là nhằm mục đích giảm tỷ lệ sở hữu, cổ phần về đúng quy định của NHNN. 

Kết quả thoái vốn thành công thời gian qua và những kế hoạch thoái vốn tiếp theo còn minh chứng cho những nỗ lực của các TCTD trong việc triển khai Đề án Tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020  và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Tại buổi làm việc với NHNN vào tháng 7/2017, đại diện Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh 6 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu NHNN giải trình và đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhất, trong đó có việc kiểm soát sở hữu chéo. Bên cạnh đó, thời gian qua, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD khẩn trương chuyển nhượng, thoái vốn và giám sát việc đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần.  

Qua kiểm toán việc thực hiện Đề án: “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD” giai đoạn 2011-2015 và trong năm 2015, KTNN cũng đã kiến nghị: NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần lẫn nhau, sở hữu giữa các TCTD và các DN cũng như sở hữu của các cá nhân, người có liên quan tại các TCTD theo đúng quy định của pháp luật nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và giảm sự phụ thuộc của TCTD vào nhóm cổ đông.

Đồng thời, NHNN nhanh chóng tăng cường kiểm soát sở hữu tại các ngân hàng TMCP, danh mục đầu tư của các ngân hàng thương mại để xử lý tình trạng vi phạm các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu. Bởi vậy, kết quả và những kế hoạch thoái vốn gần đây đã phần nào cho thấy các ngân hàng đã nỗ lực hơn trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.