Thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng:

Thí điểm xử lý các khoản nợ xấu

Theo Đình Khoa/daibieunhandan.vn

Ngày 21/6/2017 tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó có một số nội dụng khác biệt với quy định của một số văn bản pháp luật như Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của văn bản này thì cần sớm sửa đổi, bổ sung một loạt các văn bản liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự.

Theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017, ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Nguồn: Internet
Theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017, ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Nguồn: Internet

Hơn 18 nghìn việc chưa thi hành xong 

Theo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp, đến nay các cơ quan THADS đang tiến hành tổ chức thi hành án (THA) cho 42 tổ chức tín dụng trong nước; 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, 6 ngân hàng liên doanh tại Việt Nam. Từ ngày 1/10/2016 - 30/9/2017, các cơ quan THADS phải thi hành 22.473 việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, với số tiền hơn 99 nghìn tỷ đồng.

Đến nay đã thi hành xong 4.440 việc với 27 nghìn tỷ đồng. Như vậy, còn hơn 18 nghìn việc chưa thi hành xong. Điều đáng nói, số việc phải thi hành liên quan đến tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng rất nhỏ, nhưng số tiền phải thi hành chiếm tỷ lệ cao (năm 2017 chiếm 60,74%). Một số địa phương có số việc và tiền phải thanh toán lớn như Hà Nội có số việc phải thi hành 3.290 việc; TP. Hồ Chí Minh phải thi hành 2.911 việc (chiếm 44% tổng số tiền phải thi hành trên toàn quốc)…

Mặc dù, khi thực hiện hợp đồng cho vay, các tổ chức tín dụng đều yêu cầu bên vay ký kết hợp đồng giao dịch bảo đảm khoản tiền vay và chỉ thực hiện cho vay tương ứng với 70% giá trị tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, khi cơ quan THADS xử lý tài sản bảo đảm, rất nhiều trường hợp không thu đủ số tiền phải THA.

Đó là chưa kể đến khó khăn trong xác minh hiện trạng tài sản bảo đảm là bất động sản (quyền sử dụng đất không đúng với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đã cấp, đã đăng ký thế chấp…); truy tìm tài sản là động sản (tàu, xà lan, ô tô, máy móc đã bị bên bảo đảm di chuyển không xác định được…). Điều này tạo thêm áp lực lớn cho các cơ quan THADS, nhất là ở những địa phương có số lượng việc và tiền phải thi hành cho các tổ chức tín dụng lớn như Long An, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Phòng...

Hoàn thiện thể chế

Theo đánh giá của Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp thời gian qua hệ thống các quy định của pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định mới ban hành khi được áp dụng trên thực tế đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Vướng mắc này tương đối đa dạng từ việc pháp luật chưa có quy định cụ thể trong việc xác định tư cách của bên thứ 3 thế chấp tài sản để bảo lãnh nghĩa vụ của người THA; đến những vấn đề dù đã được pháp luật quy định nhưng không nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ của các cơ quan chức năng như cưỡng chế giao nhà trong trường hợp trúng đấu giá tài sản THA.

Bên cạnh những vướng mắc trên, thì còn có những vướng mắc thuộc về phía cơ quan THADS, cũng như các tổ chức tín dụng. Trong đó phải kể đến hiệu quả hoạt động của Tổ xử lý nợ xấu tại các cơ quan THADS hoạt động không hiệu quả, nặng hình thức, chưa chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc về Tổng cục.

Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, phổ biến nhất vẫn là chưa có sự phối hợp với các cơ quan THADS trong việc tổ chức THA mặc dù đã có Quy chế phối hợp liên ngành; không ít tổ chức tín dụng yêu cầu cơ quan THADS phải lấy giá trị của nghĩa vụ bảo đảm khi cho vay để làm giá khởi điểm bán đấu giá tài sản bảo đảm; không giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi cơ quan THADS thực hiện việc kê biên…

Ngày 21/6/2017 tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó có một số nội dụng khác biệt với quy định của một số văn bản pháp luật như Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, Nghị quyết đã trao cho các tổ chức tín dụng một số quyền - được xem là “đặc quyền” như quyền thu giữ tài sản bảo đảm thu hồi nợ; quyền được tòa án áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án dân sự liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm đã đăng ký giao dịch bảo đảm; đặc biệt là quyền không bị kê biên các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Có thể thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề xử lý các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, thời gian thí điểm áp dụng Nghị quyết này là 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017. Chính vì thế, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Tư pháp sớm tham mưu trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh Quốc hội năm 2019; đồng thời hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến THADS để thống nhất với Nghị quyết 42/2017. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Luật Đăng ký tài sản, Nghị định về giao dịch bảo đảm; cũng như sửa đổi, hoàn thiện các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Giá…