Thị trường du lịch trực tuyến: Tiềm năng bị bỏ ngỏ

Thanh Tâm/baocongthuong.vn

53% dân số Việt Nam tìm kiếm thông tin trên internet về khách sạn, tour du lịch… Con số này cao hơn mức bình quân của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46,64%). Thế nhưng, số doanh nghiệp (DN) du lịch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để khai thác tối ưu các lợi thế của công nghệ lại rất hạn chế.

Doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác tối ưu các lợi thế của công nghệ lại rất hạn chế. Nguồn: Internet
Doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác tối ưu các lợi thế của công nghệ lại rất hạn chế. Nguồn: Internet

Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử, các OTAs (đại lý du lịch trực tuyến) thương hiệu toàn cầu như: Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com đang độc chiếm thị trường Việt Nam với 80% thị phần.

Trong khi đó, chỉ hơn 10 công ty Việt Nam có tham gia kinh doanh du lịch trực tuyến, như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, mytour.vn, gotadi.com, vntrip.vn… Tuy nhiên, các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước với lượng giao dịch khá thấp.

Khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho thấy, hầu hết các trang website của công ty lữ hành Việt chỉ đơn thuần ở dạng giới thiệu sản phẩm và đề nghị khách hàng đăng ký, công ty sẽ liên hệ, thông báo chi tiết lại.

Không chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong hoạt động kinh doanh, tỷ lệ thanh toán trực tuyến của các loại hình vận chuyển du lịch cũng rất thấp. Giai đoạn (2012 - 2016), tỷ lệ này chỉ đạt mức 2 - 3% và có thể tăng lên 5% trong giai đoạn (2017 - 2022).

Đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT của các DN trong hoạt động kinh doanh du lịch, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - khẳng định: 100% DN du lịch quan tâm sử dụng internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT trong DN du lịch mới dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế và 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD và tạo ra khoảng 4 triệu việc làm.

Để đạt mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho hay, ngành du lịch xác định ứng dụng CNTT là một trong những đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì lẽ đó, ứng dụng CNTT sẽ được chú trọng theo hướng tiếp cận cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó định hướng quan trọng nhất là đẩy mạnh số hóa công tác quản lý; Phát triển chính quyền điện tử hướng tới du lịch bền vững, lấy nhu cầu của khách du lịch, người dân và DN làm trung tâm.

Phân tích của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu bán hàng du lịch trực tuyến tại Việt Nam sẽ duy trì mức độ tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2015 - 2020.