Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng doanh nghiệp “chạy” vốn làm dự án

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Vấn đề lãng phí đầu tư công trong xây dựng cơ sở hạ tầng một lần nữa đã làm “nóng” hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 24/12, khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nêu ví dụ một tuyến đường ven biển tại Quảng Nam “xây rộng đến 6 làn xe mà chả ai đi”. Sự hoang phí tiền đầu tư trong bối cảnh đất nước còn nghèo khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải khắc phục tình trạng địa phương cứ duyệt dự án rồi xin trung ương chi tiền. Thủ tướng cũng yêu cầu phải chấm dứt tình trạng doanh nghiệp “chạy” vốn làm dự án.

 Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng doanh nghiệp “chạy” vốn làm dự án
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải khắc phục tình trạng địa phương cứ duyệt dự án rồi xin trung ương chi tiền. Nguồn: internet
“Không thể có chuyện doanh nghiệp thúc “địa phương cứ đồng ý đi, rồi tôi chạy trung ương. Các công trình giờ phải dứt khoát theo quy hoạch. Phải siết chặt để đảm bảo đầu tư có hiệu quả” - người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.

“Vay nóng” khiến chi phí đầu tư đội gấp đôi

Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ sự thông cảm với việc địa phương nào cũng đề nghị Chính phủ cấp thêm vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Song, ông cũng mong các địa phương chia sẻ, vì “có đề nghị nữa thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chịu bó tay, khi tất cả các dự án đều phải theo danh mục đã được Quốc hội phê chuẩn”.

Bộ trưởng Thăng kêu gọi các địa phương và người dân phối hợp vào cuộc để giám sát việc thực hiện dự án quốc lộ 1 và một số dự án trọng điểm lớn, đảm bảo cả về công tác mặt bằng lẫn tiến độ. Ông cũng lên tiếng chê trách tình trạng thiết kế các dự án vô cùng lãng phí; đồng thời cho biết đã phải rà soát lại các dự án về phân kỳ đầu tư và giảm quy mô thiết kế, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu, để tiết kiệm được... 35.000 tỉ.

Bức xúc trước tình trạng đất nước còn nghèo nhưng vẫn có nhiều dự án lãng phí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải cùng địa phương thống nhất thẩm định phê duyệt các dự án giao thông do ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương, để có quy mô cho phù hợp với nguồn vốn hỗ trợ. “Phải khắc phục tình trạng địa phương phê duyệt dự án, trung ương thì chi. Địa phương muốn làm dự án to, muốn làm nhanh nhưng trung ương chi không nổi vì không có tiền, dẫn đến nợ” – Thủ tướng chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cân nhắc về hình thức dự án BT (xây dựng – chuyển giao). Ông cho rằng, chính hình thức này đã dẫn đến việc có những doanh nghiệp “cứ ung dung vay nóng ngân hàng với lãi suất tới 17% vào thời điểm 2011 để đầu tư làm đường, rồi tính tất cả vào giá thành dự án khiến số tiền chỉ làm được một con đường giờ đã thành 2 con đường”. Ông yêu cầu phải hết sức hạn chế dự án BT bằng tiền, thậm chí loại bỏ hẳn hình thức này.

Tăng trưởng tín dụng: No dồn, đói góp

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định, năm 2013, Chính phủ đã có nhiều chính sách hiệu quả giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Đến nay, tăng trưởng tín dụng là 9,5% và đến cuối năm sẽ được trên 10%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong 2 năm liên tiếp, tăng trưởng tín dụng rất sát với tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, tăng trưởng tín dụng 9,5%, nhưng chỉ dồn vào tháng cuối năm, nên không có mấy tác dụng. Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh chính sách tài chính, tiền tệ, tài khóa phải phối hợp chặt chẽ, làm sao để dòng tiền phải được rải đều vào các khóa, các quý trong năm mới đảm bảo hiệu quả tiến độ giải ngân và cả công việc.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm 2013, Việt Nam đã chủ động điều chỉnh tỉ giá ở biên độ 1%, và cho phép thị trường tự điều chỉnh thêm khoảng 1% nữa. Song điều đáng mừng là thị trường, ngay cả những lúc khó khăn nhất, khi có những tin đồn thất thiệt, thì tỉ giá cũng không điều chỉnh hết phạm vi cho phép là 1%, mà chỉ tối đa khoảng 0,6%.

 Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, trong năm 2014, sẽ xem xét điều chỉnh tỉ giá một cách hết sức linh hoạt, nhưng theo hướng ổn định trong biên độ không quá 2%, nhằm hỗ trợ được cho xuất khẩu nhưng vừa đảm bảo được mặt bằng chung, và không gây lạm phát.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, theo Bộ trưởng Thăng, mấu chốt nhất phải tập trung vào cổ phần hóa, bởi bản chất của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chính là cổ phần hóa. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, cũng cần xem việc các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả phải phá sản là bình thường.

“Chúng ta không thể câu nệ vào con số hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản để minh chứng cho kinh tế khó khăn. Đây là lúc tái cơ cấu, loại bỏ những doanh nghiệp cũ, làm ăn kém. Phải biết chấp nhận hy sinh những doanh nghiệp không hiệu quả, đồng thời phải ra được Luật Phá sản sửa đổi thì mới cho doanh nghiệp “chết” được” – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận định.