Tiền điện tử: Xu hướng thời đại, rủi ro chồng chất

Theo Duy Khanh/tapchithue.com.vn

Mặc dù tiền điện tử đang phát triển mạnh mẽ và được chấp nhận thanh toán ở một số quốc gia trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, hiện bitcoin vẫn chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Xu hướng thời đại công nghệ số
Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới, được giới thiệu lần đầu vào 31/1/2008 bởi một cá nhân hoặc một tổ chức ẩn danh được biết với tên gọi Satoshi Nakamoto. Bitcoin là loại tiền mã hóa điển hình nhất, ra đời đầu tiên và được sử dụng rộng rãi nhất trong thương mại điện tử. Các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng muốn thanh toán bằng bitcoin để giảm thiểu chi phí. Đến tháng 11/2017, lượng tiền cơ sở của bitcoin được định giá hơn 160 tỷ USD - là loại tiền mã hóa có giá trị thị trường lớn nhất. 
Đối với nhiều nhà đầu tư (NĐT), bitcoin được xem như vàng của thế giới internet, vì nó có tính khan hiếm, trữ lượng giới hạn chỉ có 21 triệu bitcoin. Do đó, nó không thể bị lạm phát như tiền mặt. Ngoài ra, mỗi bitcoin được khai thác dựa trên nguồn tài nguyên của internet và được dùng thuật toán để tạo ra, khiến độ khó của việc tạo ra một bitcoin ngày càng tăng, giống hệt như việc đào vàng trong thế giới thực. Vì những tính chất đó, bitcoin không chỉ có thể là một phương tiện thanh toán ở một số quốc gia mà còn được sử dụng để giao dịch như một loại hàng hóa trên thị trường các đồng tiền điện tử trên thế giới.
Thời điểm ngày 23/11/2017, giá 1 bitcoin là 8.238,72 USD, tăng hơn 700% so với đầu năm. Đến ngày ngày 26/11, tại New York, đồng bitcoin đã lập kỷ lục mới về giá trị đạt 9.518 USD. Giá bitcoin ngày 28/11 tiếp tục duy trì ở mức cao sau khi vượt mốc 9.600 USD. Hãng tin Bloomberg cho rằng, giá trị của đồng tiền ảo lớn nhất này liên tục tăng, vì nó tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều “ông trùm” kinh tế lớn, bất chấp các cảnh báo về tính "ảo" của loại hình tài sản này.
Mặc dù vẫn còn nhiều người nghi ngại về độ ổn định giá trị của đồng bitcoin, nhưng thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Phố Wall cũng như không ít nhà đầu tư mạo hiểm thời gian qua đã dành nhiều quan tâm cho đồng tiền này. Trong lịch sử, chưa có một loại tài sản nào có khả năng tăng trưởng về giá trị như vậy. 
Những chiêu trò lừa đảo trên đồng tiền điện tử
Những biến động lớn về giá của bitcoin trong thời gian qua, đã tạo nên những lời chỉ trích về tính phù hợp như là một loại tiền tệ trong nền kinh tế thế giới. Cụ thể là trong tháng 11/2017, có lúc giá bitcoin rớt xuống còn 5000 USD, nhưng sau đó lại vượt ngưỡng 8000 USD/bitcoin, rồi đến tiếp cận ngưỡng 10.000 USD. Đó là chưa nói đến những sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới bị hacker đánh sập, hoặc ông chủ bị bắt vì có những chuyện làm ăn phi pháp. Cụ thể, năm 2015, chủ sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới Mt.Gox đã bị bắt.
Trước đó, tháng 2/2014, sàn giao dịch này tuyên bố đóng cửa và hơn 750.000 bitcoin của khách hàng cùng 100.000 bitcoin của công ty - tương đương với 500 triệu USD đã bị “xóa sổ”. Tháng 8/2016, Bitfinex - một trong những sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới - bất ngờ ngừng toàn bộ giao dịch để kiểm tra lại hệ thống, sau sự cố bị hacker tấn công. Điều này khiến rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới rơi vào cảnh điêu đứng. Sau sự cố trên, hàng triệu đồng bitcoin cũng biến mất với số tiền lên đến hàng trăm triệu USD.
 Mới đây, cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ Alexander Vinnik tại Hy Lạp. Vinnik là một trong những nhân vật kiến thiết và xây dựng hệ thống tiền điện tử mang tên BTC-e. Alexander Vinnik bị bắt vì cáo buộc rửa tiền với số tiền lên tới 4 tỷ USD. BTC-e từng được nhiều nhà đầu tư xem đây là một kênh hấp dẫn để làm giàu. Bởi vậy, ngay sau khi có thông báo ngưng hoạt động của hệ thống BTC-e (26/7/2017), giới đầu tư tài chính tại TP.HCM đã thực sự rúng động. 
Từ năm 2012 đến nay, tại Việt Nam, có hàng chục hệ thống giao dịch tiền điện tử biến mất, mang theo hàng triệu USD của nhà đầu tư. Gần đây nhất, có thể kể đến hệ thống tiền điện tử ILCoin, Swiscoin, M5... Dù vậy, hàng ngày vẫn có hàng trăm người tham gia vào các hệ thống tiền điện tử, với hy vọng có thể trở thành triệu phú hoặc tỷ phú chỉ trong vài năm đầu tư.
Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều sàn giao dịch tài chính sử dụng đồng tiền ảo bitcoin như Airbitclub, Bitkingdom, BMW… Một số mô hình cho nhận tài chính sử dụng tiền Việt Nam hoạt động tương tự như M5, G5, Ex101, sm99, srow… Các sàn có điểm chung là, cho nhận tài chính thông qua đồng bitcoin, hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền người sau trả cho người trước. Bản chất là đa cấp biến tướng, đưa ra chiêu trò lãi suất ngất ngưởng từ 30-80%/năm. 
Gần đây, tại Gia Lai, các đối tượng lừa đảo đã huy động tiền của hàng trăm người dân để lôi kéo họ tham gia vào mô hình giao dịch tiền điện tử đa cấp với tên gọi “Ngân hàng cộng đồng bitcoin”, lãi suất lên tới 144%/tháng. Sau khi đã chiếm đoạt số tiền lên tới trên 22 tỷ đồng của người dân, các đối tượng lừa đảo đã bỏ trốn. Kết quả xác minh của cơ quan điều tra, có khoảng 1.900 ID (identification), tương đương với 1.900 bitcoin tham gia vào mô hình giao dịch tiền điện tử đa cấp “Ngân hàng cộng đồng bitcoin” (mỗi bitcoin có giá trị khoảng 13 triệu đồng).
Mới đây nhất, Ngày 27/11, Phòng An ninh điều tra (PA 92), Công an tỉnh Bắc Giang) đã bắt 3 đối tượng liên quan đến hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền ảo.  Bước đầu đấu tranh, các đối tượng thừa nhận, có cấu kết với nhiều đối tượng khác tạo ra một trang Web liên quan đến đồng tiền ảo để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia.  
Các hoạt động mua bán tiền điện tử thường được thực hiện và giao dịch trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài. Việc tham gia hoạt động kinh doanh này tiềm ẩn nhiều rủi ro do cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể dễ dàng đánh sập hệ thống, xóa dữ liệu và biến mất bất cứ lúc nào.
Hiện nay, 1 bitcoin mua được hơn 10.000 USD, cao giá hơn cả 7 ounce vàng hiện tại, nhưng FED cảnh báo sẽ cấm các hoạt động giao dịch này. Theo đó, có thể phạt nặng, nếu đó là trò lừa đảo, buôn lậu, hoặc khủng bố giao dịch rửa tiền. Mặt khác, Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) cho biết, họ sẽ “không đảm bảo hợp pháp của bitcoin”.
Thêm vào đó, Ủy ban chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cùng Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã gửi thư kêu gọi SEC, kể cả FED, để yêu cầu Mỹ thận trọng “không công nhận giao dịch tiền điện tử bitcoin trên thị trường Phố Wall”, vì nó là công cụ lừa đảo và tẩu tán tài sản đang hoành hành dữ dội tại Trung Quốc.
Mới đây, SEC đã bác bỏ không cho tiền điện tử bitcoin lên sàn giao dịch hợp pháp tại Phố Wall và phải đợi thời gian dài đáng kể để quan sát, với lý do là làm thế nào để đánh thuế vào tiền “ảo” bitcoin. Tuy nhiên, Anh và Nhật Bản khá hào hứng và đặt nhiều niềm tin vào đồng tiền này. Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh - Mark Carney cho rằng, tiền kỹ thuật số là một cuộc cách mạng đầy tiềm năng trong ngành tài chính.
Năm ngoái, cơ quan này đã thành lập một nhóm hỗ trợ fintech. Ông Carney tin tưởng, công nghệ dựa trên khối chuỗi có tiềm năng lớn trong việc giúp ngân hàng trung ương chống lại các cuộc tấn công mạng, đồng thời thay đổi cách thức thanh toán giữa các tổ chức và người tiêu dùng. Nhật Bản cũng đã thông qua luật, công nhận bitcoin là phương thức thanh toán.
Việc đầu tư và sử dụng bitcoin tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là hoạt động đầu cơ vì giá có thể lên xuống bất thường, mặc dù đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tuy vậy, việc giá bitcoin tăng lên mạnh trong thời gian ngắn cũng là động lực để thu hút nhiều người đầu tư mua máy tính để khai thác bitcoin (mining) hoặc bằng cách đầu cơ (kinh doanh chênh lệch giá).