Tổng cầu cuối cùng, sản xuất và thu nhập của Việt Nam: Một vài so sánh với Trung Quốc

Nguyễn Phương Thảo, Ngô Văn Phong, Bùi Trinh

(Tài chính) Thông qua tính toán một số chỉ tiêu liên quan đến mối quan hệ giữa cầu cuối cùng với sản xuất, thu nhập và nhập khẩu, nhóm tác giả đưa ra bình luận liên quan đến một số vấn đề vĩ mô hiện nay của nước ta. Đồng thời so sánh với Trung Quốc về cấu trúc kinh tế, nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc tới kinh tế của Việt Nam.

Quan hệ giữa nhu cầu cuối cùng (Final Demand) với sản xuất được lượng hóa dựa trên mối quan hệ Keynes-Leontief, ở đây Leontief đã lượng hóa ý tưởng của Keynes trong mối quan hệ giữa cung và cầu; điều này có nghĩa đã lượng hóa mối quan hệ giữa các nhân tố của nhu cầu cuối cùng với phía cung, đó là mối quan hệ “nhân quả” từ phía cầu đến phía cung, từ đó dẫn đến sự thay đổi về thu nhập và ảnh hưởng ngược trở lại đến hành vi của cầu.

Bài viết này sử dụng bảng cân đối liên ngành năm 2000 (đại diện cho giai đoạn 2000–2005) và năm 2010 (đại diện cho giai đoạn 2006–2011) của Việt Nam để xem xét mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tổng cầu cuối cùng tới sản xuất và thu nhập trong nước qua các giai đoạn. Bên cạnh đó, bài viết cũng sử dụng bảng cân đối liên ngành cập nhật năm 2012 theo giá năm 2010 và bảng I/O của Trung Quốc (Chuyển từ bảng nguồn và sử dụng năm 2005 của Trung Quốc) và Việt Nam để so sánh cấu trúc kinh tế, nhằm đưa ra một số nhận định về chính sách phát triển của hai nước trong giai đoạn vừa qua.

Phương pháp

Mối quan hệ mở rộng Keyness–Leontief được phát triển bởi quan hệ:

X - A.X = C + I + E - M     (1)

Trong đó:

X là véc-tơ thể hiện giá trị sản xuất

C là véc-tơ thể hiện tiêu dùng cuối cùng

I là véc-tơ thể hiện giá trị đầu tư

E là véc-tơ thể hiện giá trị xuất khẩu

M là véc-tơ thể hiện giá trị nhập khẩu

A là ma trận hệ số chi phí trung gian

Quan hệ (1) có thể được viết lại:

X-A.X =C+I+E-Mp-Mc            (2)

Trong đó: Mp= ma trận nhập khẩu cho sản xuất (tiêu dùng trung gian), Mc= Nhập khẩu cho nhu cầu cuối cùng và M = Mp+Mc.

Quan hệ (2) có thể được mở rộng:

X- Ad.X - Am.X = Cd +Id+E+Cm+Im-M   (3)

Trong đó: A.X = Ad.X + Am.X

Am.X.= Mp

và Mc= Cm+Im

Ad là ma trận tiêu dùng trung gian sử dụng sản phẩm trong nước, Cd là tiêu dùng cuối cùng sản phẩm trong nước và Id véc tơ tích luỹ gộp sản phẩm sản xuất trong nước.

Đặt Yd= Cd +Id+E, ở đây Yd là véc tơ nhu cầu cuối cùng sản phẩm trong nước, lúc đó quan hệ (3) được viết lại:

X= (I-Ad)-1.Yd = (1+A+A2+A3+....) Yd   (4)

Trong đó: (I-Ad)-1 là ma trận nhân tử Leontief thể hiện nhu cầu cho nội tại nền kinh tế cho một đơn vị tăng lên của sản phẩm cuối cùng nội địa.

Từ quan hệ (4) có thể xác định nhân tử về thu nhập bằng cách:

V = v.(I-Ad)-1.Yd                                                  

∆V = v.(I-Ad)-1.∆Yd                                                       

Trong đó: V là tổng thu nhập từ sản xuất, v là ma trân hệ số của các nhân tố của giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất. Quan hệ trên thể hiện sự thay đổi của thu nhập phụ thuộc vào sự thay đổi của cầu nội địa.

Mặt khác quan hệ (3) cũng có thể được viết:

X- Am.X= Ad.X +Cd +Id+E+Cm+Im-M=TDD -Mp

Trong đó tổng cầu trong nước (bao gồm tiêu dùng trung gian, tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất khẩu) TDD = Ad.X +Cd +Id+E ta có:

X = (I-Am)-1.(TDD- Mp)    (5)

Hoặc: X = (I-Am)-1.(TDD+ Cm+Im + E - Mp)    (6)

Ma trận (I-Am)-1 được gọi là ma trận nhân tử về nhập khẩu. Phương trình (5) và (6) nhu cầu về nhập khẩu lan toả bởi nhu cầu trong nước. Như vậy, bảng I/O cần được lập dưới dạng nhập khẩu phi cạnh tranh, trong đó nhu cầu trung gian và nhu cầu cuối cùng đã được tách ra thành các sản phẩm trong nước và nhập khẩu.

Có thể định nghĩa Mc = (I-Am)-1. Cd, là sự lan toả đến nhập khẩu gây nên bởi tiêu dùng cuối cùng sản phẩm trong nước và

ME = (I-Am)-1. E là sự lan toả đến nhập khẩu gây nên bởi xuất khẩu.

MI = (I-Am)-1. Id và Mi là sự lan toả đến nhập khẩu gây nên bởi tích luỹ trong nước.

Nếu tách xuất khẩu (E) thành xuất khẩu sang nước i và xuất khẩu sang các nước còn lại và tách nhập khẩu thành nhập khẩu từ i và nhập khẩu từ các nước còn lại, từ đó có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng của thương mại với i tới sản xuất và thu nhập trong nước. Khi đó, ta có:

E = Ei + EROW

Trong đó: Ei là xuất khẩu sang nước i và EROW là xuất khẩu sang các nước còn lại.

M = Mi + MROW

Trong đó: Mi là nhập khẩu từ nước i và MROW là nhập khẩu từ các nước còn lại.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả cho thấy, mức độ lan tỏa từ nhu cầu cuối cùng nội địa đến sản xuất có sự thay đổi rõ rệt. Ảnh hưởng của tiêu dùng cuối cùng và đầu tư giảm mạnh, tương ứng là 14,1% và 17,1%, nhưng mức độ lan tỏa của xuất khẩu đến sản xuất lại tăng khá mạnh (11,7%). Tuy nhiên, mức độ lan tỏa của xuất khẩu đến giá trị gia tăng lại giảm rất mạnh (13,3%), nghĩa là hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu ngày càng giảm. Bên cạnh đó, lan tỏa của nhập khẩu tới xuất khẩu tăng mạnh (52%) so với giai đoạn trước, nên càng xuất khẩu thì càng cần nhập khẩu nhiều hơn.

Như vậy, rõ ràng xuất khẩu của Việt Nam không những không mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, mà còn gây nên thâm hụt thương mại lớn. Với một quốc gia đang phát triển, thâm hụt thương mại không hẳn là xấu, nếu hàng hóa nhập khẩu nhằm tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế và cho tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhập khẩu lại chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), điều này đã biến Việt Nam trở thành quốc gia gia công và xuất khẩu hộ cho các nước khác.

Về ảnh hưởng của đầu tư, tuy sự lan tỏa đến sản xuất giảm mạnh (17,1%) nhưng mức độ lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm ít hơn, chỉ khoảng 5,6%. Điều này có nghĩa là có khoảng 17,1% lượng vốn đầu tư đã không đến được với sản xuất. Nếu số vốn này đến được với sản xuất thì hiệu quả đầu tư của giai đoạn 2006-2011 sẽ cao hơn giai đoạn 2000-2005. Kết quả này đã được củng cố thêm bởi việc tính toán ICOR của Việt Nam; theo đó, hệ số ICOR của giai đoạn 2000-2005 khoảng 5 và có chiều hướng tăng lên trong giai đoạn 2006-2011.

Tổng cầu cuối cùng, sản xuất và thu nhập của Việt Nam: Một vài so sánh với Trung Quốc - Ảnh 1

Bên cạnh đó, tiêu dùng và đầu tư lan tỏa tới sản xuất và giá trị gia tăng đều giảm, điều này chứng tỏ khi can thiệp vào phía cầu sẽ không làm tăng sản xuất phía cung mà chỉ làm tăng giá. Nói một cách khác, hiện nay, đường tổng cung đã chuyển từ đường cung nằm ngang (theo trường phái Keynes: đường cung nằm ngang, tăng cầu làm tăng cung mà không gây ra tăng giá) sang đường cung thẳng đứng (theo trường phái cổ điển: đường cung thẳng đứng, tăng cầu chỉ làm tăng giá). Vì vậy, hiện nay các chính sách kích cầu là không còn phù hợp, mà nên chuyển sang khuyến khích tăng cung, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động.

Sử dụng bảng cân đối liên ngành năm 2005 của Trung Quốc và Việt Nam để so sánh mức độ lan tỏa của tổng cầu cuối cùng tới sản xuất và thu nhập cho thấy kết quả ở Bảng 2.

Tổng cầu cuối cùng, sản xuất và thu nhập của Việt Nam: Một vài so sánh với Trung Quốc - Ảnh 2

Theo Bảng 2, mức độ lan tỏa của các yếu tố tổng cầu tới thu nhập của Trung Quốc đều lớn hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc có tiêu dùng trong nước lan tỏa tới thu nhập gần tương đương với xuất khẩu (0,76 và 0,79), trong khi Việt Nam có mức độ lan tỏa chênh lệch hơn (0,42 và 0,47). Như vậy, xuất khẩu và thị trường trong nước của Trung Quốc có vai trò tương đương nhau trong việc tạo ra thu nhập. Đối với đầu tư, một đơn vị đầu tư của Trung Quốc có mức lan tỏa đến sản xuất là 1,96 và thu nhập là 0,66, đều cao hơn so với Việt Nam (1,14 và 0,46). Qua đây cho thấy, phía cung của Trung Quốc rất mạnh mẽ, nên kích thích phía cầu sẽ dẫn đến tăng cung mà không gây ra lạm phát; trong khi phía cung của Việt Nam còn quá yếu, nên khi kích cầu sẽ làm tăng giá. Điều này đặt ra vấn đề đối với nước ta về nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế và hiệu quản sản xuất từ phía cung.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng bảng cân đối liên ngành năm 2010 cập nhật cho năm 2012 theo giá 2010 của Việt Nam, phân tách xuất khẩu và nhập khẩu thành: xuất khẩu sang Trung Quốc và xuất khẩu sang các nước còn lại; nhập khẩu từ Trung Quốc và nhập khẩu từ các nước còn lại, thì có thể tính toán mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc tới nền kinh tế Việt Nam. Tính toán với các kịch bản: Tổng thầu ngưng trệ; Đầu tư FDI từ Trung Quốc giảm 50%; Xuất khẩu giảm 20%; Nhập khẩu giảm 20%, nhóm tác giả đã đi đến kết luận: Khi tổng thầu giảm và FDI từ Trung Quốc giảm, thì nhập khẩu cũng có thể giảm 40%; Tổng ảnh hưởng làm GDP giảm chỉ 1,68%. Tuy nhiên, nếu thay thế được tổng thầu với đối tác khác hoặc với các đối tác trong nước và sản xuất ít phụ thuộc vào nhập khẩu hơn, thì ảnh hưởng này sẽ còn ít hơn. Bên cạnh đó, nếu thay thế xuất khẩu sang Trung Quốc bằng xuất khẩu sang các nước khác và cơ cấu xuất khẩu thay đổi (chuyển tỷ trọng xuất khẩu ở khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ 20%), thì ảnh hưởng này lại làm GDP tăng 0,2%. Cấu trúc kinh tế mà ta cần hướng tới là chuyển xuất khẩu của khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ (Bùi Trinh, 2012).

Kết quả nghiên cứu bằng phương pháp tương tự ở một số nước châu Á đã đưa tới kết luận, Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia có nền sản xuất mang nặng tính gia công (Bảng 3), phù hợp với nhận định của Vũ Quang Việt (nguyên Vụ trưởng vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê) cho rằng, Trung Quốc là một nền kinh tế công xưởng và Việt Nam là nền kinh tế gia công. Quy mô kinh tế Trung Quốc lớn hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng về bản chất có nhiều nét tương đồng, dễ bị tổn thương và hiệu quả không cao.

Tổng cầu cuối cùng, sản xuất và thu nhập của Việt Nam: Một vài so sánh với Trung Quốc - Ảnh 3

Kết luận và kiến nghị

Qua phân tích ở trên có thể nhận thấy một số vấn đề về cấu trúc kinh tế của Việt Nam, đó là: Năng lực sản xuất phía cung của Việt Nam hiện nay đang rất yếu kém; xuất khẩu chỉ mang tính chất gia công và gây nên thâm hụt thương mại; quá ưu tiên thị trường xuất khẩu mà xem nhẹ thị trường trong nước. Theo ý kiến của nhóm tác giả, trong thời gian tới, Việt Nam cần xem xét lại chính sách quản lý kinh tế vĩ mô, phải chăng nên tập trung hơn trong việc nâng cao năng lực sản xuất từ phía cung để phát triển trong dài hạn, chứ không phải tập trung vào kích cầu nhằm đạt được tăng trưởng trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, cần có những chính sách nhằm khai thác tiềm năng của thị trường trong nước một cách hiệu quả hơn nữa.

Phân tích cũng chỉ ra rằng, nếu quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có chuyển biến tiêu cực sẽ ảnh hưởng tới GDP. Tuy nhiên, nếu có biện pháp thay đổi đối tác sang các nước khác hoặc các đối tác trong nước cũng như thay đổi về cơ cấu sản xuất, ưu tiên các ngành ít phụ thuộc vào nhập khẩu hơn thì mức độ ảnh hưởng này sẽ không lớn, Việt Nam ít bị tác động tiêu cực hơn và sớm làm chủ được tình hình./.

Tài liệu tham khảo:

1. ADB (2012). Supply and Use tables for selected Economies in Asia and the Pacific: A Research Study

2. Bui Trinh, Kiyoshi Kobayashi and Kwang Moon Kim (2012). The Supply and Use tables: The Approach for conversion to input – output table, Management & Applied Economics, vol.2, no.2

3. Bui Trinh (2012). New Economic Structure for Vietnam Toward Sustainable Economic Growth in 2020, Global Journal of Human Social Science Sociology Economics & Political Science, Volume 12 Issue 10 Version 1.0

4. Bui Trinh, Nguyen Viet Phong (2014). Economic Structure’s Change Based on the Relationship between Domestic Final Demand and Production, Value Added and Import, British Journal of Economics, Management & Trade, Volume 4(10)