TP. Hồ Chí Minh chi 96.000 tỷ đồng để xây 49 cây cầu từ nay đến 2020

PV.

Theo Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, giai đoạn 2018 - 2020. TP. Hồ Chí Minh sẽ chi 96.000 tỷ đồng để xây 49 cây cầu và gần 190km đường bộ.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492 (C92) được cấp vốn kịp thời đẩy nhanh tiến độ các nhánh rẽ cầu Nguyễn Tri Phương giúp giảm kẹt xe từ Trung tâm qua Quận 8. Ảnh C92
Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492 (C92) được cấp vốn kịp thời đẩy nhanh tiến độ các nhánh rẽ cầu Nguyễn Tri Phương giúp giảm kẹt xe từ Trung tâm qua Quận 8. Ảnh C92

Trong năm nay, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu làm mới và đưa vào sử dụng 33,5km đường bộ và 14 cây cầu. Mật độ đường giao thông đạt 2,06km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,97% đất xây dựng đô thị. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng từ 9,6% nhu cầu giao thông đô thị.

Sang năm 2019, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu làm mới và đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu. Mật độ đường giao thông đạt 2,14km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,01% đất xây dựng đô thị. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 11,2% nhu cầu giao thông đô thị.

Đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu làm mới và đưa vào sử dụng 81km đường bộ và 18 cây cầu. Mật độ đường giao thông đạt 2,2km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông đô thị.

Tổng nguồn lực thực hiện chương trình trong giai đoạn này là 96.159 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện các dự án là 84.645 tỉ đồng, kinh phí đầu tư đoàn phương tiện phục vụ hoạt động vận tải hành khách cộng cộng đến năm 2020 là 11.514 tỉ đồng.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra trong chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, TP. Hồ Chí Minh cũng đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Cụ thể, thành phố ưu tiên sử dụng ngân sách để thực hiện các công trình giao thông thực sự cần thiết để đầu tư, đảm bảo phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng.

Đồng thời, ứng dụng các công nghệ hiện đại của thế giới trong quá trình thiết kế và thi công để đảm bảo chất lượng công trình, tránh lãng phí và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh còn đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến BRT số 1 trên Đại lộ Đông Tây, tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương.