Tránh “nhập nhằng” giữa tín dụng chính thống và tín dụng đen

Theo daibieunhandan.vn

Các chính sách tín dụng cần phải minh bạch để người tiêu dùng dễ tiếp cận, tránh tình trạng "nhập nhằng” giữa tín dụng chính thống và tín dụng đen.

Các chính sách tín dụng cần phải minh bạch, tránh tình trạng "nhập nhằng” giữa tín dụng chính thống và tín dụng đen.
Các chính sách tín dụng cần phải minh bạch, tránh tình trạng "nhập nhằng” giữa tín dụng chính thống và tín dụng đen.

Dịch vụ tín dụng tiêu dùng không chỉ đáp ứng yêu cầu tài chính của người dân mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Tuy nhiên, ẩn đằng sau đó là những rủi ro mà người tiêu dùng phải đối mặt. Chính vì vậy ngay tại Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng – Thực trạng và giải pháp”, do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tổ chức sáng 13/7, nhiều ý kiến đã cho rằng, các chính sách tín dụng cần phải minh bạch để người tiêu dùng dễ tiếp cận, tránh tình trạng "nhập nhằng” giữa tín dụng chính thống và tín dụng đen.

80% khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, trong những năm gần đây, xu hướng phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng đã được ghi nhận tại nhiều nền kinh tế.

Dịch vụ tín dụng tiêu dùng không chỉ đáp ứng yêu cầu tài chính của một bộ phận không nhỏ người dân mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 7 năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình 20%/năm, ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng. Những số liệu này cho thấy tốc độ phát triển nhanh và đột biến của lĩnh vực tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển này, gần đây đã và đang xuất hiện rất nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của thị trường tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Cục quản lý cạnh tranh, các phản ánh, khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng chiếm tới hơn 80% tổng số phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung.

Những tranh chấp trong lĩnh vực này mặc dù giá trị không cao nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng tới tài chính, danh dự và sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của thị trường tín dụng tiêu dùng, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhiều vi phạm trong tín dụng tiêu dùng

Ông Hồ Tùng Bách, Phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh cho biết, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nêu rõ các doanh nghiệp phải niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ; cảnh báo khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và biện pháp phòng ngừa.

Đồng thời, luật cũng cấm cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về dịch vụ, về nội dung, đặc điểm giao dịch; cấm tổ chức, cá nhân đe dọa dùng vũ lực hoặc biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng.

Khi thu thập thông tin về người tiêu dùng, luật cũng quy định rõ bên thu thập thông tin phải thông báo rõ ràng, công khai về mục đích thu thập, sử dụng thông tin và phải sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo, chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng.

Luật quy định là vậy, nhưng qua tổng hợp của Cục Quản lý cạnh tranh, nhiều công ty tín dụng tiêu dùng đã vi phạm các quy định này, Cụ thể, cung cấp thông tin không chính xác, cố tình gây nhầm lần, lừa dối về lãi suất, điều kiện, thanh lý sớm hợp đồng, phí phạt vi phạm.

Ví dụ, khi trao đổi về lãi suất thường trao đổi miệng, không để lại tư liệu gì như giấy tờ, email, bỏ trống phần ghi lãi suất trong hợp đồng…, để người tiêu dùng sẵn sàng ký hợp đồng, sau đó điền vào hợp đồng lãi suất cao hơn nhiều so với lúc tư vấn.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không cảnh báo cho người tiêu dùngcác hệ lụy phát sinh về thời hạn trả nợ, phí phạt, hoặc không tạo điều kiện để người tiêu dùng nghiên cứu các điều khoản hợp đồng, ép người tiêu dùng ký hợp đồng khống, chỉ gửi hợp đồng qua bưu điện sau khi đã ký kết.

Nhiều vụ việc người tiêu dùng cho biết, doanh nghiệp không hề cung cấp bất kỳ cảnh báo nào về việc chậm trả nợ, thời hạn trả nợ mà giao dịch giữa nhân viên và người tiêu dùng chỉ gói gọn trong việc ký kết xong hợp đồng vay, thậm chí có nhiều người tiêu dùng còn không được cung cấp hợp đồng ngay.

Cách thức cung cấp hợp đồng tiềm ẩn nhiều vi phạm, phần lớn chỉ được cung cấp 01 tờ giấy bằng thẻ ATM, ghi số hợp đồng vay, thời hạn trả nợ, còn những điều khoản của hợp đồng không được cung cấp ngay mà sau khi người tiêu dùng ký sẽ được chuyển qua bưu điện. Nhiều trường hợp lại cho vay không tại trụ sở công ty mà thông qua các siêu thị, công ty điện máy, người tiêu dùng ký hợp đồng.

Ông Bách dẫn chứng một vụ việc khách hàng khiếu nại bị thu thập thông tin cả về tên, nghề nghiệp, địa chỉ, điện thoại cơ quan, điện thoại nhà riêng, tên và số điện thoại của cha mẹ, vợ chồng, với giải thích nhằm mục đích liên hệ đến người thân để tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt thông tin, hoàn toàn không có mục đích nào khác.

Nhưng sau đó, khi người tiêu dùng chưa kịp trả nợ thì nhân viên vào tận nhà đe dọa người thân, thay nhau điện thoại liên tục từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối cho người vay và cả người thân để hăm dọa, gây áp lực buộc trả nợ. Nhiều người liên tục bị nhận tin nhắn với nội dung gây áp lực như: “Công ty chính thức khởi kiện hồ sơ… tại TAND TP Hồ Chí Minh.

Yêu cầu 8 giờ ngày 30/7/2015 có mặt tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, phòng số 2, gặp anh Quang để giải quyết hợp đồng”, hoặc “nội trong hôm nay không đem tiền ra thế giới di động được, tôi sẽ chuyển công văn về cơ quan yêu cầu đình chỉ công tác và kiện về tội chiếm dụng tài sản”…

Giám sát chặt chẽ hơn quá trình thu hồi nợ

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Bách cho rằng, cần giám sát chặt chẽ hơn quá trình thu hồi nợ vì người tiêu dùng thường bị xâm phạm quyền lợi.

Cùng với đó, ông Bách cho rằng, giải pháp để khắc phục thực trạng trên là nâng cao nhận thức về kiến thức cho người tiêu dùng, xây dựng khuôn khổ pháp lý về cho vay tín dụng tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh để tạo sức ép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm cho người tiêu dùng. Đồng thờiđẩy mạnh nâng cao trách nhiệm giám sát và quản lý của cơ quan.

Bên cạnh đó, cần thực hiện công khai, quy trình ký kết và thực hiện hợp đồng để khách hàng biết. Ngoài ra, cần có hình thức cung cấp và thống nhất rõ ràng với khách hàng về các nội dung, điều khoản quan trọng: lãi suất, cách thức trả nợ, điều kiện trả nợ sớm; Công khai quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, khiếu nại của khách hàng; Đa dạng hóa và bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả của các kênh liên hệ giữa khách hàng và công ty, tránh “nhập nhằng” giữa tín dụng chính thống và tín dụng đen, đang gây ra hiểu nhầm cho người tiêu dùng.