“Tỷ lệ động viên thu NSNN của Việt Nam ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới...”.

Lê Anh (Thực hiện)

Trong thời gian gần đây dư luận khá quan tâm đến tỷ lệ động viên thu NSNN của Việt Nam đang ở mức nào so với các nước trên thế giới và khu vực, cũng như định hướng xây dựng và hoàn thiện một số sắc thuế theo chiến lược cải cách hệ thống thuế trong thời gian tới có tỷ lệ động viên vào NSNN phù hợp...

So sánh tỷ lệ động viên thu NSNN của các nước nên đồng nhất tiêu chí, tính chất...

PV: Trước hết, xin ông cho biết tỷ lệ động viên thu NSNN của các nước trên thế giới và khu vực đã được công bố qua bản báo cáo của Ngân hàng Châu Á (ADB) gần đây với tỷ lệ động viên thu NSNN của Việt Nam có gì khác biệt không, thưa ông?

Ông Ngô Hữu Lợi:  So với các nước trên thế giới và các nước trong khu vực, việc xây dựng, tính toán số thu ngân sách ở Việt Nam có một số điểm đặc thù. Chính vì vậy, khi so sánh về mức độ động viên ngân sách của Việt Nam với các nước cần lưu ý một số vấn đề cụ thể như sau:

Hiện nay, số thu ngân sách từ thuế, phí của nhiều nước theo số liệu được tổ chức quốc tế tổng hợp và công bố thường chỉ là số thu của ngân sách của chính quyền trung ương do hệ thống ngân sách của các nước này có sự độc lập giữa các cấp ngân sách. Trong khi đó, hệ thống ngân sách của Việt Nam là thống nhất, theo đó, số thu ngân sách được công bố, công khai hàng năm luôn bao gồm nguồn thu của tất cả 4 cấp ngân sách trong hệ thống ngân sách, bao gồm trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Qua nghiên cứu, rà soát, Bộ Tài chính nhận thấy nguồn số liệu về tỷ lệ động viên ngân sách của một số nước (như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a) theo nguồn số liệu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) có ghi chú thích rõ là chỉ bao gồm thu ngân sách của chính quyền trung ương (không bao gồm thu của chính quyền địa phương). Ở nhiều nước, khi tổng hợp thêm cả thu ngân sách của chính quyền địa phương các cấp (thuế địa phương) giống như ở Việt Nam thì thu ngân sách quốc gia sẽ cao hơn nhiều. Ví dụ như trường hợp của Ấn Độ, với hệ thống ngân sách gồm có 5 cấp (trung ương, bang và 3 cấp địa phương) thì theo số liệu thống kê của Quỹ tiền tệ Quốc tế, thu ngân sách từ thuế, phí của Ấn Độ chỉ tính cho hai cấp là trung ương và bang năm 2007 đã là 18,57% GDP.Thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) cũng cho số liệu tương đồng.

Về các chỉ tiêu trong tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, theo phương thức thống kê thu ngân sách của Việt Nam thì nguồn thu từ dầu thô, từ quyền sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cũng được tính chung vào nguồn thu ngân sách, trong đó riêng thu từ dầu thô đang được xếp vào khoản thu từ thuế như thu từ các sắc thuế khác. Tuy nhiên xét về tính chất thì các khoản thu này không mang tính chất là khoản động viên từ nền kinh tế. Ở nhiều nước, các khoản thu này được xếp vào các nhóm khoản thu “từ vốn” (thu từ bán tài nguyên quốc gia) và không được tính vào nguồn thu ngân sách như là khoản động viên từ thuế, phí. Ví dụ như Trung Quốc, nguồn động viên ngân sách không thể hiện các khoản thu từ dầu thô, thu từ đất đai, thu từ bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước như ở Việt Nam.

Ngoài ra, trong tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ở Việt nam còn bao gồm cả một số khoản thu phát sinh ngoài dự toán và một số khoản thu khác không mang tính chất động viên từ hoạt động kinh tế như thu từ quỹ dự trữ tài chính, thu huy động vốn cân đối ngân sách của địa phương, thu kết dư ngân sách địa phương, thu chuyển nguồn từ năm trước sang.

Do đó, để đảm bảo tính chính xác, phản ánh đúng thực tế thì việc so sánh về tỷ lệ thu ngân sách nhà nước tính trên GDP ở Việt Nam với các nước cần phải dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng tính chất. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 5/2011, về tình hình thu ngân sách hợp nhất (bao gồm của tất cả các cấp chính quyền) từ thuế, phí giai đoạn từ 2010 trở về trước của các quốc gia, phân chia theo 05 nhóm nước gồm: nhóm các nước có thu nhập cao trong OECD (gồm 30 nước), nhóm các nước có thu nhập cao ngoài OECD (gồm 18 nước), nhóm các nước có thu nhập thấp (gồm 37 nước), nhóm các nước có thu nhập dưới trung bình (gồm 48 nước, trong đó có Việt Nam) và nhóm các nước có thu nhập trên trung bình (gồm 41 nước); mức động viên trung bình từ thuế, phí tính trên GDP của tất cả các quốc gia là 28,7%; riêng của nhóm nước có thu nhập dưới trung bình là 26,4%. Việt Nam là quốc gia mới được chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp lên nhóm nước có thu nhập dưới trung bình nhưng tổng số thu (bao gồm cả thu từ dầu, từ thu tiền sử dụng đất, từ bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước) ở mức khoảng 26% và chỉ tương đương với mức trung bình của nhóm.

PV: Như vậy nếu đưa về cùng một tiêu chí, tính chất, “bóc tách” như ông phân tích ở trên thì tỷ lệ động viên thu NSNN của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thậm chí thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới và khu vực?

Ông Ngô Hữu Lợi: Đúng như vậy, nếu chỉ so sánh riêng tỷ lệ huy động từ thuế, phí tính trên GDP thì với những đặc thù về cơ cấu thu và phương thức hạch toán thu ngân sách có sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước như phân tích ở trên thì nguồn số liệu ngân sách ở Việt Nam được sử dụng để so sánh với các nước cần phải loại trừ các khoản thu có tính chất khác biệt, các khoản thu có  tính chất “thu từ vốn” mà không mang tính chất động viên từ  nền kinh tế.

 Tôi xin dẫn chứng cụ thể trong giai đoạn 5 năm từ 2006 – 2010 như sau:

- Tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí (bao gồm cả thu từ dầu thô) ở Việt Nam là 24,9% GDP, trong đó nếu chỉ tính riêng cấp trung ương như cách tính của các nước là 17,9%.

- Nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam là 19,2% GDP, trong đó tính riêng cấp trung ương là 12,2% GDP.

- Nếu chỉ tính riêng các khoản thu nội địa và loại trừ các khoản thu không mang tính chất động viên (như thu từ dầu thô; thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản; thu viện trợ và một số khoản thu khác đã nêu ở trên) thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam là 13,4% GDP, trong đó tính riêng cấp trung ương là 6,5% GDP.

Nhìn vào các con số sau khi đã phân tích đưa về cùng một tiêu chí,  tính chất để đánh giá, so sánh thì tỷ lệ động viên thu NSNN của Việt Nam chỉ ở mức trung bình và còn thấp hơn tỷ lệ thu NS của khá nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính cũng ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần.

PV: Xin ông có thể cho biết cụ thể hơn về tỷ lệ động viên  từ các sắc thuế chính của Việt Nam hiện nay và xu hướng điều chỉnh trong thời gian tới?

Ông Ngô Hữu Lợi: Có thể khẳng định, tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính của Việt Nam hiện nay cũng ở mức thấp so với nhiều nước khác  và đang được tiếp tục điều chỉnh theo xu hướng giảm dần,  có thể ví dụ về 02 sắc thuế chủ yếu như sau:

- Về thuế TNDN: trong thời kỳ 10 năm từ 1999 đến 2009, thuế suất thuế TNDN đã được điều chỉnh giảm từ mức 32% năm 1999, mức 28% năm 2004 và 25% năm 2009 theo đúng chiến lược, lộ trình cải cách thuế. Mức thuế suất phổ thông 25% hiện nay được đánh giá ở mức thấp, nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Philipine, Thái Lan; Trung Quốc 25%, Malaysia 25%. Tuy nhiên, nếu tính cả các ưu đãi thuế như thuế suất ưu đãi (10%, 20%), về miễn, giảm thuế thì mức thuế suất thuế TNDN thực của Việt Nam chỉ khoảng 16,32%.

Bên cạnh đó, nằm trong chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 thì mức thuế suất thuế TNDN cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm dần và về mức 20% vào năm 2020.

- Về thuế GTGT: hiện nay, mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam là 10% (cùng với mức thuế suất 5% được áp dụng cho nhiều loại hàng hoá, dịch vụ). Theo thống kê về thuế suất thuế GTGT của 112 nước trên thế giới thì có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức 10%. Các nước xung quanh như Lào, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%.

Tôi xin được nói thêm, mặc dù với tỷ lệ động viên của các sắc thuế chủ yếu đều ở mức thấp như trên, nhưng trong những thời điểm kinh tế khó khăn, đặc biệt là giai đoạn từ 2008 đến nay, thì chính sách về miễn, giảm, giãn các khoản thuế luôn được chọn là giải pháp  hàng đầu để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Trong những tháng đầu năm 2012, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành các giải pháp miễn, giảm, giãn tiền thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế khoán, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho một số đối tượng tại các Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ; Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội. Trong quá trình thực hiện, tính đến hết tháng 9/2012, Bộ Tài chính đã miễn, giảm, giãn thuế tổng cộng gần 20.000 tỷ đồng cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp...  Việc thực hiện những biện pháp này đã được đánh giá là kịp thời, giúp nền kinh tế ứng phó có hiệu quả với các biến động bất lợi từ bên ngoài, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.

Trong giai đoạn 2011 – 2020, hệ thống thuế đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo đúng mục tiêu theo chiến lược cải cách đã đặt ra là xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư. Theo đó, tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước và tỷ lệ động viên từ thuế phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý theo hướng giảm mức động viên về thuế để tăng khả năng cạnh tranh và tích tụ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

PV: Xin cám ơn ông.