Vai trò đối phó khủng hoảng tài chính của các tổ chức tài chính Nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Nhật Trung, Nguyễn Hồng Nga

(Tài chính) Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang buộc người ta phải thay đổi quan điểm về vai trò của nhà nước theo hướng ủng hộ các phương pháp can thiệp nhiều hơn, bao gồm cả việc sử dụng các tổ chức tài chính nhà nước để thực hiện các mục tiêu của chính sách công.

Vai trò đối phó khủng hoảng tài chính của các tổ chức tài chính Nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một số bài học kinh nghiệm

Trong vòng 20 năm qua, có một quan điểm hầu như phổ biến rằng, vai trò của nhà nước trong hệ thống tài chính nên hạn chế trong phạm vi hỗ trợ tạo môi trường hoạt động và quản lí, giám sát các tổ chức tài chính tư nhân.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang buộc người ta phải thay đổi quan điểm về vai trò của nhà nước theo hướng ủng hộ các phương pháp can thiệp nhiều hơn, bao gồm cả việc sử dụng các tổ chức tài chính nhà nước để thực hiện các mục tiêu của chính sách công.

Các tổ chức tài chính nhà nước có thể đóng vai trò hữu ích trong hỗ trợ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính với những điều kiện nhất định.

Hiệu quả hoạt động hỗ trợ của các tổ chức tài chính nhà nước, về cơ bản, phụ thuộc vào bản chất cơn sốc (cung tín dụng trì trệ hay cầu tín dụng sụt giảm) và vào khả năng của các tổ chức tài chính nhà nước trong cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng và tận dụng sở trường của các ngân hàng tư nhân để khuếch đại hiệu ứng lan tỏa của chúng.

Một trong những nhân tố quyết định góp phần vào việc sử dụng thành công các tổ chức tài chính nhà nước là xây dựng một khuôn khổ thể chế lành mạnh - với các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, bền vững, các chuẩn mực quản trị công ty cao, quản lí và giám sát chặt chẽ, và dựa trên kỉ luật thị trường nhằm cung cấp những tín hiệu đúng cho các cổ đông lớn.

Một số gợi ý chính sách

Ở Việt Nam, theo thông lệ phân loại trên thế giới, hiện có 7 tổ chức tài chính nhà nước chủ chốt, bao gồm 5 ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN), Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với thị phần cho vay chiếm khoản 60% toàn hệ thống (đến cuối năm 2012, dư nợ của BIDV là 324.218 tỉ đồng; Vietcombank: 285.197 tỉ đồng; Vietinbank: 333.356 tỉ đồng; Agribank: 480.453 tỉ đồng; NHCSXH: 113.921 tỉ đồng; MHB khoảng 24.000 tỉ đồng; NHPTVN khoảng 200.000 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, còn có 28 quỹ đầu tư phát triển, được thành lập ở các địa phương nhằm mục đích huy động vốn để cho vay và đầu tư trực tiếp vào các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các quỹ đầu tư phát triển này có thể được xếp vào loại hình tổ chức tài chính phát triển và là tổ chức tài chính nhà nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ về tổ chức về hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2007, đầu năm 2008 khởi đầu từ nước Mỹ, sau đó lan tỏa ra khắp thế giới đã làm bộc lộ rõ khiếm khuyết của mô hình kinh tế thị trường tự do Âu Mỹ, buộc nhiều nước phải có những điều chỉnh khắc phục các khiếm khuyết theo hướng tiết kiệm nhiều hơn, đảm bảo phát triển cân bằng hơn giữa hệ thống tài chính và nền kinh tế thực, tái cơ cấu kinh tế đi đôi với cải cách thể chế, tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước nhằm khắc phục khiếm khuyết của thị trường, nâng cao năng lực giám sát và ứng phó với khủng hoảng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhiều nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế với quy mô, liều lượng khác nhau. Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện gói kích thích kinh tế giá trị 8 tỉ USD vào năm 2009, trong đó, hệ thống ngân hàng (bao gồm các NHTMNN, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương) được giao nhiệm vụ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm với trị giá 17.000 tỷ đồng; NHPTVN là tổ chức tài chính nhà nước duy nhất được giao nhiệm vụ tăng dư nợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 17.000 tỉ đồng.

Đa số các nghiên cứu, đánh giá gói kích thích kinh tế tại Việt Nam đều khẳng định, gói hỗ trợ lãi suất được thực hiện với quy mô lớn, triển khai nhanh chóng, triệt để và dứt điểm trong năm 2009 là rnột đặc trưng riêng có của Việt Nam. Hơn 400.000 tỉ đồng vốn vay hỗ trợ lãi suất ngắn, trung hạn, vớt mức hỗ trợ 4% đã được đẩy vào nền kinh tế từ tháng 2/2009 đến hết tháng 12/2009. Chính sách này đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, đồng thời làm phong phú thêm kinh nghiệm điều hành chính sách ở Việt Nam, tạo ra "cú hích" cho nền kinh tế trong tình trạng trì trệ và suy giảm, đem lại những kết quả khả quan.

Hai năm gần đây, dưới tác động phức tạp và kéo dài của cuộc khủng hoảng toàn cầu và tình hình suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu, cùng với những yếu kém về cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chậm được giải quyết, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát biến động với biên độ cao; kinh tế tăng trưởng chậm; thâm hụt ngân sách cao và kéo dài; nợ công và nợ nước ngoài đang ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới; lãi suất cho vay còn cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, nợ xấu ở mức cao, hàng tồn kho, đặc biệt là tồn kho trong lĩnh vực bất động sản vẫn ở mức cao.

Để tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hạ lãi suất vay vốn, mở rộng hoạt động cho vay nhằm đảm bảo thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quyết liệt: Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Thông tư 14/2012/ TT-NHNN ngày 07/5/2012 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và từ cuối năm 2012, trần lãi suất cho vay còn được áp dụng thêm đối với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ (theo Dự thảo Thông tư lần thứ tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở của NHNN, chỉ cỏ 5 NHTMNN, bao gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và MHB thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở).

Các giải pháp tín dụng được điều hành theo hướng mở rộng đi đôi với an toàn hoạt động của hệ thống TCTD, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Có thể thấy, khác với nhiều nước trên thế giới trong việc sử dụng các tổ chức tài chính nhà nước để xử lý khủng hoảng (chỉ sử dụng hệ thống tổ chức tài chính nhà nước) để mở rộng tín dụng, tăng trưởng kinh tế, Việt Nam vừa huy động toàn bộ nguồn lực của hệ thống các TCTD (bao gồm cả các tổ chức tài chính nhà nước và ngoài nhà nước) với các điều kiện, nguyên tắc, phương thức, đối tượng, phạm vi, lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ, về cơ bản, đều áp dụng như nhau đối với các TCTD (các TCTD nhà nước và ngoài nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất với mức 4%/năm cho khách hàng vay vốn trong gói kích thích kinh tế năm 2009, hay áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên từ tháng 5/2012 theo Nghị quyết của Chính phủ và Thông tư 14/2012/TT-NHNN của NHNN); đồng thời cũng dự kiến sử dụng các tổ chức tài chính nhà nước (5 NHTMNN) để thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở, góp phần "phá băng" thị trường bất động sản.

Hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã được khẳng định, nhưng liều lượng hỗ trợ, tính hiệu quả và công bằng của phương thức sử dụng toàn bộ hệ thống TCTD (trong khi đó, các tổ chức tài chính nhà nước đóng vai trò chủ lực và chủ đạo, có nhiều lợi thế so sánh và chiếm đến 60% thị phần tín dụng) để thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp hơn tương đối so với các lĩnh vực thông thường khác (lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa bằng (=) lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND kỳ hạn 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng (+) 3%/năm) là vấn đề cần được xem xét, đánh giá. Tăng trưởng tín dụng năm 2012 đạt mức 8,91 %, thấp hơn so với mục tiêu là 15%; từ đầu năm đến cuối tháng 3 năm 2013, tín dụng đã tăng 0,1 % từ mức giảm 1,23% trong tháng 1 và 0,28% trong tháng 2; trong khi mục tiêu năm 2013 là khoảng 12% và cũng không hẳn là không có lý khi một số ngân hàng thương mại cổ phần đã bày tỏ mong muốn tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Theo chúng tôi, nếu việc sử dụng các tổ chức tài chính nhà nước là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng và tình trạng suy kiệt tín dụng nhằm mở rộng tín dụng cho các đối tượng và lĩnh vực ưu tiên, quy định cho vay hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên cần bao hàm các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, đối tượng thực hiện cho vay chỉ nên giới hạn trong 5 tổ chức tài chính nhà nước có năng lực tài chính đủ mạnh: 5 NHTMNN và NHPTVN;

Thứ hai, lĩnh vực, đối tượng được ưu tiên vay vốn cụ thể; quy mô, tính chất nguồn vốn hỗ trợ tài chính.

Thứ ba, quyền hạn, vai trò và trách nhiệm của các tổ chức tài chính nhà nước trong việc thực hiện cho vay;

Thứ tư, lãi suất cho vay thực sự mang tính ưu đãi, đủ thấp so với lãi suất thương mại thông thường và đảm bảo mức sinh lời tối thiểu ở mức chấp nhận được (khoảng 1 đến 1,5%).

Thứ năm, các nguyên tắc, điều kiện, thời hạn cho vay và cơ chế thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định cho vay hỗ trợ.