Vì sao thị trường bán lẻ của Việt Nam liên tục rớt hạng?

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Chỉ sau một năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), báo cáo đánh giá xếp hạng các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới hàng năm của Hãng tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) đã đánh giá Việt Nam có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Nhưng năm 2009, Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 6, năm 2010 đứng ở vị trí thứ 14, năm 2011 xuống vị trí thứ 23 và năm 2012 vừa qua, Việt Nam tiếp tục rớt hạng và đứng ngoài bảng xếp hạng top 30. Vì sao thị trường bán lẻ của Việt Nam lại liên tục rớt hạng kể từ sau khi gia nhập WTO?

Vì sao thị trường bán lẻ của Việt Nam liên tục rớt hạng?
Ảnh minh họa.Nguồn:Internet

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 650 siêu thị và 120 trung tâm thương mại. Số siêu thị thành lập mới sau 5 năm gia nhập WTO (giai đoạn 2007 - 2011 so với giai đoạn 5 năm 2002 - 2006) tăng hơn 20%, số trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72%. Ngoài ra, còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện ích (theo mô hình của các nước tiên tiến) phân bố rộng khắp cả nước.

Ước tính chung, thị phần các loại hình bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 20% tổng mức bán lẻ, gấp đôi thời điểm trước khi gia nhập. Cho dù có xuất phát điểm thấp và mới chỉ bắt đầu khoảng mươi năm trở lại đây, nhưng có thể nói sự hội nhập mạnh mẽ đã đem đến cho Việt Nam một ngành công nghiệp bán lẻ theo xu hướng hiện đại, với sự tham gia của đông đủ khối nội, khối ngoại và sự cạnh tranh đầy cam go, mạnh mẽ và quyết liệt.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương, thị trường bán lẻ Việt Nam thực sự hấp dẫn bởi có gần 90 triệu dân với ưu thế dân số trẻ, phong thái tiêu dùng phóng khoáng và có tâm lý dễ chấp nhận sản phẩm mới. Một yếu tố khiến thị trường bán lẻ Việt Nam được các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm và đánh giá cao, là do trước khi chính thức gia nhập WTO, Việt Nam đã cho một số hãng phân phối ngoại ở châu Âu như Big C, Metro thâm nhập thị trường, và chính những đơn vị này làm ăn có lãi và ngày càng mở rộng mạng lưới cũng là 1 yếu tố được chấm điểm hấp dẫn. Và ngay cả khi thị trường bán lẻ của Việt Nam bị đánh tụt hạng liên tục, thậm chí không còn ở cả trong top 30 thì PGS.TS Phạm Tất Thắng vẫn cho rằng, còn một lý do khác, đó là  do rào cản mà nước ta dựng lên đối với các nhà phân phối khi họ muốn vào thị trường Việt Nam. Đó là theo thỏa thuận WTO thì tất cả các nhà phân phối đều có quyền tự do vào thị trường Việt Nam để lập hệ thống phân phối của mình. Tuy nhiên, với rào cản này thì các nhà phân phối ngoại muốn mở ra một cơ sở bán lẻ thứ hai, hay một nhà phân phối thứ hai thì phải trải qua một sự đánh giá của chính quyền địa phương. Điều này theo như các nhà phân tích của châu Âu thì đây là rào cản khó vượt qua.

Theo PGS. TS Phạm Tất Thắng lý giải, sở dĩ có rào cản này là do các nhà làm chính sách đã dựng lên để tạo ra cơ hội và khoảng thời gian cần thiết cho các nhà phân phối Việt Nam có đủ cơ hội để xây dựng mạng lưới của mình trên thị trường nội địa - trước khi mở cửa hoàn toàn cho các nhà phân phối 100% vốn nước ngoài. Các nhà phân phối ngoại đã hy vọng là năm 2011 hoặc 2012 Việt Nam sẽ dỡ bỏ hàng rào đó, nhưng cho đến nay vẫn chưa dỡ bỏ được. Đó mới là lý do chính khiến thị trường bán lẻ của Việt Nam bị đánh tụt hạng. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc vẫn còn nhiều cơ hội và thời gian cho các nhà phân phối Việt Nam nếu thực sự muốn chinh phục thị trường này.

6 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, cùng với cụm từ WTO được hiểu rộng hơn, sâu hơn với từng người dân Việt Nam, thị trường phân phối trong nước phát triển cũng đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh hiện đại hơn. Các doanh nghiệp phân phối cũng đã coi trọng thị trường và coi người tiêu dùng là trung tâm, chú trọng nghiên cứu xu hướng tiêu dùng để phục vụ… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian qua các nhà sản xuất của Việt Nam chưa thực sự chú ý nhiều trong việc xây dựng hệ thống phân phối của mình trên thị trường nội địa. Chỉ đến khi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, khó khăn khi đưa sản phẩm ra quốc tế thì các doanh nghiệp mới quay về với thị trường nội địa. Tuy nhiên so với thị trường rộng lớn này, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì cũng chưa được quan tâm chú trọng.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan , do các cam kết mở cửa thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ còn sâu rộng hơn trong cam kết WTO nên bên cạnh việc nỗ lực từ phía các doanh nghiệp bán lẻ, rất cần có một chiến lược phát triển thị trường nội địa quy mô quốc gia. Và ngay trong năm 2013, hiệp hội cũng đang tập trung xây dựng đề xuất chiến lược phát triển cho ngành bán lẻ ở tầm quốc gia, trong đó có nhiều vấn đề nhằm làm sao để nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ nội địa cũng như làm thế nào để cho các hoạt động của ngành công nghiệp bán lẻ có hiệu suất cao hơn có hiệu quả hơn và hướng đến người tiêu dùng hơn.

Theo Bộ Công thương, thời gian qua Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu quy hoạch chợ truyền thống, nghiên cứu phát triển trung tâm thương mại, các siêu thị, quy hoạch chợ đầu mối, xây dựng một số sàn giao dịch… Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho nghiên cứu quy hoạch này cần được làm bài bản và kỹ lưỡng hơn.