Vì sao vốn FDI đăng ký sụt giảm mạnh?

Thu Hà.

TCTC Online - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 5,33 tỷ USD, bằng 68,2% so với cùng kỳ năm 2011. Vì sao FDI lại giảm mạnh như vậy và Việt Nam phải làm gì để tiếp tục thu hút được nguồn vốn FDI?

Vốn FDI đăng ký sụt giảm mạnh

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ ngày 1/1/2012 đến ngày 20/5/2012, cả nước có 283 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,12 tỷ USD, bằng 74,7% so với cùng kỳ năm 2011. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2012, cả nước có 82 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư thêm 1,2 tỷ USD, bằng 52,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung cả vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm đạt 5,33 tỷ USD, bằng 68,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Cả nước có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong năm tháng đầu năm, trong đó Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 1,27 tỷ USD, chiếm 30,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hải Phòng 0,87 tỷ USD, chiếm 21,2%; Đồng Nai 0,6 tỷ USD, chiếm 14,8%; Quảng Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa cũng là những tỉnh thu hút được nhiều FDI.

Trong số 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam năm tháng đầu năm, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 3,17 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 0,4 tỷ USD, chiếm 9,7%.

Trong tổng vốn đăng ký của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành năm tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,3 tỷ USD, bao gồm: 2,53 tỷ USD của 127 dự án cấp phép mới và 0,78 tỷ USD vốn tăng thêm; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1,57 tỷ USD, bao gồm: 1,2 tỷ USD của 02 dự án cấp phép mới và 0,4 tỷ USD vốn tăng thêm; ngành vận tải, kho bãi đạt 0,2 tỷ USD của 03 dự án cấp phép mới.

Nhìn vào FDI qua từng năm cũng thấy sự giảm sút rõ rệt. Nếu năm 2010 là 19,9 tỉ USD thì năm 2011 chỉ còn 14,7 tỉ USD. Còn trong 5 tháng đầu năm nay, mới đạt 5,33 tỉ USD. Như vậy, đã 3 năm liên tiếp, vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, sự giảm sút vốn FDI vào Việt Nam chỉ thuộc về vốn đăng ký, còn vốn giải ngân vẫn duy trì  ở mức khá. Số liệu thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2012, các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 4,51 tỷ USD, bằng 99,8% so với cùng kỳ năm 2011. Bộ trưởng Vinh cũng cho rằng, trong vấn đề vốn FDI sụt giảm còn có lý do Việt Nam đang thay đổi tư duy và chính sách trong thu hút vốn FDI, không tiếp nhận những dự án FDI đăng ký “ảo” với số vốn hàng tỷ USD.

Vì sao vốn vào Việt Nam chậm lại?

Dù vì lý do gì thì các số liệu thống kê trên cũng cho thấy một thực tế rằng, vốn FDI vào Việt Nam đã chững lại đáng kể. Có ý kiến cho rằng điều này là do tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến dòng vốn FDI trên thế giới sụt giảm. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho biết, dòng vốn FDI toàn cầu đạt mức 1.400 – 1.600 tỷ USD, là mức trước khủng hoảng, vào năm 2011. Thậm chí, UNCTAD còn dự báo, FDI toàn cầu sẽ đạt mức 1.700 tỷ USD vào năm 2012 và mức 1.900 tỷ USD vào năm 2013, tương đương với mức cao nhất đã đạt được trong năm 2007. Những số liệu trên đây cho thấy, thực tế, vốn FDI toàn cầu đã hồi phục trở lại. Nhưng tại sao vốn FDI vào Việt Nam lại chậm lại? Câu hỏi đặt ra là, liệu có phải Việt Nam đã và đang mất dần lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI so với các nước trong khu vực?

Số liệu thống kê cho thấy, trong khi FDI vào Việt Nam đã sụt giảm trong những năm trở lại đây thì FDI vào các quốc gia khác trong khu vực lại tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Trong quý I năm nay, FDI của Indonesia tăng tới 30,37% lên mức 5,7 tỉ USD, Thái Lan cũng tăng 44% trong 4 tháng đầu năm. Năm ngoái, FDI của Campuchia tăng 14%, Bangladesh tăng 5%. Đó là chưa kể đến Myanmar đang là ngôi sao mới nổi trong mắt các nhà đầu tư với hàng loạt cải cách chính trị và kinh tế trong thời gian gần đây.

Theo nhiều thông tin thu thập được gần đây, các lợi thế về giá nhân công rẻ, giá thuê đất rẻ đã không còn được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận nữa. Trong khi đó, các vấn đề về cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước… tiếp tục là những trở ngại. Đặc biệt, những bất ổn trong kinh tế vĩ mô thời gian gần đây cũng đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại.

Thừa nhận điều này, khi trao đổi với giới báo chí, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá cho rằng, trong cạnh tranh thu hút FDI, Việt Nam đã tiến chậm hơn so với Indonesia, Myanmar… “Trước đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn được xếp vào hạng cao của thế giới, nhưng giờ đây, đã xuống dưới mức trung bình của châu Á, thậm chí vào năm 2011, còn xuống dưới mức trung bình của các nước ASEAN. Điều này cũng khiến cho khả năng cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam bị sụt giảm”, ông Giá nói.

Báo cáo của hãng tư vấn A.T. Kearney cũng vẽ một bức tranh đáng buồn về FDI của Việt Nam. Chỉ số niềm tin về môi trường đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài năm 2012 của hãng tư vấn này cho thấy Việt Nam đã tụt hạng trong danh sách các nước hấp dẫn FDI so với các nước khác, đặc biệt là Indonesia và Malaysia. Cụ thể, Việt Nam từ thứ hạng 12 của năm 2007 đã tụt xuống vị trí thứ 14, trong khi Indonesia tăng rất mạnh từ vị trí 21 lên thứ 9.

“Dù tốc độ mở cửa nền kinh tế đang tăng và môi trường chính trị tương đối ổn định, nhưng các nhà đầu tư vẫn quan ngại về lạm phát cao, sự mất giá của tiền đồng và những vấn đề về tài chính công”, A.T. Kearney đã đánh giá như thế về Việt Nam.

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng vừa công bố báo cáo cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng trong chỉ số niềm tin về môi trường đầu tư Việt Nam trong cộng đồng các nhà đầu tư châu Âu (giảm từ 79 điểm trong quý I/2011 xuống còn 53 điểm trong quý II/2012). “10% là số lượng tăng thêm của các công ty cho rằng môi trường kinh doanh hiện tại của họ không tốt và không một công ty nào cho rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam là xuất sắc”, báo cáo nhận xét.

Báo cáo của EuroCham cũng cho rằng, mặc dù vẫn có 34% DN muốn duy trì mức độ đầu tư và 38% đang tìm kiếm để tăng đầu tư tại Việt Nam, song các DN châu Âu cũng đã ngày càng thận trọng hơn trong đầu tư. Số lượng DN châu Âu đang tìm cách giảm đầu tư tổng thể tại Việt Nam đã tăng từ mức  8% tại thời điểm đầu năm 2011 lến đến 24% vào quý I và 28% vào quý II/2012. Kết quả này đã thể hiện sự tiếp tục dịch chuyển đi xuống về lòng tin vào đầu tư tại Việt Nam.

Cần cải thiện môi trường đầu tư

Rõ ràng, những kết quả đạt được gần đây như kiềm chế lạm phát, ổn định tỉ giá, tăng dự trữ ngoại hối chưa đủ để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư. Vẫn còn rất nhiều trở ngại, mà theo báo cáo của EuroCham đó là “thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, đăng ký quyền sở hữu tài sản, chi trả thuế và tiếp cận tín dụng, thiếu cơ sở hạ tầng tương thích, gánh nặng quản lý, những cản trở tiếp cận thị trường của hàng nhập khẩu, thiếu nhân lực có chất lượng, tham nhũng và thiếu minh bạch”.

Với thực trạng thu hút FDI 5 tháng đầu năm, nếu những tháng cuối năm ta không có sự đột phá thì  mục tiêu thu hút 15-16 tỉ USD vốn FDI của Chính phủ năm nay sẽ khó đạt được. 

Điều đáng lo là khối FDI đang là khu vực hoạt động khá ổn định. Số liệu xuất nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khi khu vực kinh tế trong nước đang giảm tốc độ cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu, khối doanh nghiệp nước ngoài vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Nói cách khác, khu vực FDI đang là hơi thở chính của nền kinh tế. Vì vậy, bất kỳ một biểu hiện suy thoái nào của khu vực này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cải thiện để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư là việc cần làm ngay.

Theo ông Phan Hữu Thắng, Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), thì nguồn vốn FDI toàn cầu vẫn đủ cho Việt Nam thu hút FDI vượt mức hiện nay. Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh rằng, phải với điều kiện Việt Nam “có được các giải pháp xúc tiến đầu tư thích hợp và môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao”.

Theo ông Thắng, để cải thiện môi trường đầu tư, bên cạnh việc cải thiện cấu thành phần cứng là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cảng… hiện đại là những công việc cần phải đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc, trước mắt ta có thể tập trung cải thiện các cấu thành phần mềm bao gồm: 1) Hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư - kinh doanh của các doanh nghiệp FDI hiện nay và sắp tới tại Việt Nam; 2) Bộ máy tổ chức quản lý điều hành, giám sát hoạt động FDI; 3) Nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp FDI đang và sẽ hoạt động tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Đây là nhữn cấu thành không cần nhiều vốn và thời gian để điều chỉnh, nhưng nếu làm tốt sẽ có tác động nhanh, trực tiếp đến kết quả thu hút FDI trong giai đoạn tới và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn còn là điểm đến nhưng sức hấp dẫn đã bắt đầu giảm. Nếu không đẩy mạnh các chính sách cải cách và cải thiện môi trường đầu tư, có lẽ chúng ta sẽ nhanh chóng bị các nước khác bỏ xa.