Việt Nam có thể trở thành công xưởng thế giới?

TS. Đinh Thế Hiển

Những tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của ngành công nghiệp trong năm 2012 đã đặt ra một vị thế mới cho Việt Nam: có thể trở thành công xưởng của thế giới như Trung Quốc.

Việt Nam có thể trở thành công xưởng thế giới?
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Năm 2012, nhiều chuyên gia đánh giá, kinh tế Việt Nam vẫn trong giai đoạn khó khăn, Việt Nam đang đối đầu với nợ xấu và nguy cơ suy giảm kinh tế, mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,03%, thấp hơn so với con số 5,9% của năm 2011. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô đã được cải thiện đáng kể, với sự hạ nhiệt CPI, tiền tệ ổn định và dự trữ ngoại tệ tăng.

Đặt biệt, xuất khẩu của Việt Nam có bước tăng trưởng rất mạnh. Lần đầu tiên, Việt Nam vượt mức xuất khẩu 100 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, cao hơn gấp 3 lần mức tăng GDP.

Thành tích xuất khẩu còn ấn tượng bởi cơ cấu xuất khẩu đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp. Nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị khoảng 67 tỷ USD, chiếm tới 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong 22 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, ngành dệt may đạt khoảng 15 tỷ USD, vượt qua dầu thô và các hàng nông sản.

Theo TS. Patrick Dixon, Chủ tịch của Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn xu thế toàn cầu Globalchange, những yếu tố khiến Việt Nam có thể trở thành công xưởng thế giới là dân số đông và trẻ, có nền tảng học vấn, chi phí lương thấp, đang đẩy mạnh đô thị hoá, có mức độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất mạnh. Các yếu tố này sẽ giúp Việt Nam có sự cạnh tranh với Trung Quốc và Thái Lan, để trở thành nước xuất khẩu hàng công nghiệp hàng đầu thế giới.

Vấn đề đặt ra ở đây là, Việt Nam có ưu điểm trở thành công xưởng thế giới và có nên trở thành công xưởng của thế giới. Trước hết, chúng ta cần phân biệt giữa công nghiệp và công xưởng. Trong các nước có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ gần đây, thì chỉ có Trung Quốc được xem là công xưởng của thế giới, trong khi Hàn quốc, Singapore, Đài Loan đều không có “danh hiệu” này.

Sở dĩ Trung Quốc có danh hiệu trên vì 2 yếu tố: tính quy mô của sản lương công nghiệp cung cấp ra thế giới và tính chất sản xuất công nghiệp của nước này có tỷ lệ sản xuất gia công rất lớn, hầu hết các công ty hàng đầu thế giới của Mỹ và Nhật Bản đều đặt nhà máy tại đây. Điều này đã giúp Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng GDP rất mạnh trên dưới 1o%/năm kéo dài trong nhiều năm. Trong khi đó, Hàn Quốc tập trung một số sản phẩm công nghiệp cốt lõi và đang có những thương hiệu hàng đầu thế giới như Samsung, Hyundai…

Hiện nay, Trung Quốc đã xem xét lại mô hình tăng trưởng, vì sau khi trở thành công xưởng thế giới, Trung Quốc đang đối đầu với nền kinh tế thâm dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường, nền kinh tế thiếu dịch vụ công và phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu và đầu tư.

Trở lại câu hỏi Việt Nam có thể trở thành công xưởng thế giới? Xét về các yếu tố để trở thành công xưởng của thế giới, thì Việt Nam có bất lợi lớn so với Trung Quốc, đó là quy mô nhỏ hơn nhiều. Điều này khiến ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh giá thành với Trung Quốc, nếu tất cả các công ty thế giới đặt nhà máy tại Việt Nam. Thực tiễn về ngành công nghiệp ô tô cho thấy, rất khó tăng tỷ lệ nội địa hoá như mục tiêu của Chính phủ, mà yếu tố quan trọng là sản lượng quá thấp.

Một câu hỏi thứ hai là, Việt Nam có nên trở thành công xưởng thế giới? Mô hình tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc so với Hàn Quốc, Đài Loan, cũng như một số nước phát triển tại Đông Nam Á cho thấy, trở thành công xưởng thế giới không phải là lựa chọn thích hợp đối với các đặc điểm của Việt Nam, cũng như xu thế phát triển của thế giới. Nếu phát triển theo hướng công xưởng, chúng ta phải đầu tư rất nhiều cho năng lượng, hạ tầng. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển thủy điện, cũng như phát triển khu công nghiệp cho thấy, hiệu quả kinh tế tăng không tương xứng với sự hy sinh của môi trường và tài nguyên.

Do vậy, phát triển công nghiệp là cần thiết, nhưng đó phải là nền công nghiệp phát triển tích hợp, với các mục tiêu phát triển bền vững giữa công nghệ cao, công nghiệp hàng xuất khẩu, nông nghiệp hàng hoá và kinh tế biển.

Xét riêng về công nghiệp xuất khẩu, chúng ta hoàn toàn có khả năng và nên đầu tư để trở thành cường quốc hàng dệt may, với tỷ trọng sản phẩm thương hiệu ngày càng tăng, một số ngành như tôn mạ, luyện thép… Ngành điện tử - thiết bị cũng là lợi thế từ nhân công có kỹ năng của Việt Nam, nhưng cần phải gắn kết với khu công nghệ cao và công ty công nghệ cao để gia tăng giá trị. Đặc biệt, chúng ta cần tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản để phát triển chuỗi sản xuất giá trị hàng hoá nông nghiệp, tạo hiệu ứng phát triển nhiều mặt.

Tóm lại, chúng ta có nhiều thuận lợi để trở thành nước công nghiệp xuất khẩu mạnh trên thế giới từ hai lực lượng doanh nghiệp trong nước và FDI, trong đó, doanh nghiệp trong nước cần đóng vai trò chủ đạo. Nhưng để đạt hiệu quả cao và bền vững cho nền kinh tế, thì chúng ta cần tập trung phát triển một số ngành mũi nhọn có cơ sở như luyện cán thép, dệt may, cơ điện tử, gia công phần mềm và chế biến để tích hợp với các lãnh vực kinh tế khác.

Gia công phần mềm là thế mạnh của Việt Nam

Ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc CSC Việt Nam

Để trở thành công xưởng thế giới, Việt Nam cần chọn lọc ngành nghề phù hợp, chứ không phải làm những thứ Trung Quốc làm, vì không thể cạnh tranh được với họ. Riêng mảng gia công phần mềm là một thế mạnh của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh tốt.

Trong Bảng xếp hạng Nhân lực gia công phần mềm toàn cầu năm 2011 của Gartner, Việt Nam chỉ thua Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu nói về mức độ hài lòng của khách hàng hoặc trong các mảng mới có tính chất đặc thù, như việc sử dụng các công cụ Sharepoint, Microsoft.net, thì Việt Nam làm tốt hơn Ấn Độ và khách hàng lựa chọn Việt Nam. Đây thật sự là niềm tự hào!

Nhiều năm nay, công nghệ thông tin vẫn được coi là lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, nhưng nhìn vào nhân lực của ngành thì vẫn không có thay đổi đáng kể. Việt Nam từng được nhắc đến với nhiều ưu thế như: chính trị ổn định, nguồn nhân lực cần cù, tỷ lệ chuyển việc thấp, nhưng trong lĩnh vực gia công phần mềm, những ưu thế này có chiều hướng yếu đi. Bên cạnh đó, nếu xem công nghệ thông tin là ngành công nghiệp mũi nhọn, thì cần chính sách ưu đãi thực sự, nhưng Việt Nam còn ít ưu đãi.

Rào cản pháp lý và kỹ thuật

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao

Đầu tháng 1/2013, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP.HCM đã ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm phối hợp thực hiện những công trình nghiên cứu sâu vào các thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Indonesia, Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Những công trình này sẽ được đúc kết thành những tài liệu thiết thực, dễ hiểu, dễ áp dụng dành cho doanh nghiệp Việt Nam, để có thể vượt qua những rào cản pháp lý và kỹ thuật trong phân phối hàng hóa vào thị trường nước bạn.

Quyết liệt với xu hướng bảo hộ thái quá

Ông Lương Văn Tự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại

Vụ việc liên quan đến tôn phủ kim loại và sơn phủ màu của Việt Nam bị điều tra bán phá giá cho thấy, các rào cản kỹ thuật như tự vệ thương mại và chống bán phá giá không những gây tổn thất cho các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng phát triển thị trường, giảm thâm hụt thương mại, mà còn làm tăng thêm nhập siêu và cản trở hợp tác, phát triển thương mại nội khối; đi ngược với nguyên tắc phấn đấu cân bằng cán cân thương mại để thương mại phát triển bền vững theo WTO.

Tôi cho rằng, các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý cần có những biện pháp thích hợp để hỗ trợ ngành hàng phát triển và hạn chế nhập siêu từ một số nước ASEAN đang có những biện pháp kỹ thuật ngăn cản hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.