Xây dựng đô thị thông minh: Đặc trưng, không chắp vá

Theo Trần Hải/daibieunhandan.vn

Với những tồn tại, hạn chế như: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, không gian sống các khu vực chưa đồng đều, môi trường nhiều nơi còn ô nhiễm... mà hầu hết các thành phố của Việt Nam đang gặp phải hiện nay, thì để xây dựng đô thị thông minh, việc học hỏi cách làm, bước đi của các nước, thành phố trên thế giới là điều cần thiết, song không nên copy hoàn toàn, cũng như không làm chắp vá...

Một đô thị thông minh là đô thị phải có những giá trị bền vững, thân thiện với môi trường. Nguồn: Internet
Một đô thị thông minh là đô thị phải có những giá trị bền vững, thân thiện với môi trường. Nguồn: Internet

Không bền vững và yếu kém

Việt Nam hiện có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, khoảng 37,5%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc.

Điều này càng tạo áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và không gian sống; đòi hỏi các kiến trúc sư, các nhà xây dựng phải nắm bắt, đáp ứng được xu hướng thực tế và nhu cầu sống của cộng đồng. Theo đó, phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của các thành phố này.

Nhận định về xu hướng phát triển đô thị thông minh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng Trần Quốc Thái cho biết: Hiện nay Việt Nam có khoảng 30 thành phố, địa phương đang tiến hành phát triển đô thị thông minh, tiêu biểu như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... Tiềm năng phát triển đô thị thông minh khá lớn, song để thực hiện hiệu quả mô hình thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ quy hoạch, thiết chế, đầu tư, sản phẩm sử dụng đến quản lý, vận hành...

Bởi  thực tế, những năm gần đây, đô thị của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện hơn cả về chất và lượng, nhưng  thực trạng tại hầu hết các đô thị, ngay cả đối với những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... vẫn tồn tại những giá trị không bền vững và yếu kém, hạn chế nhất định.

Cụ thể, chất lượng tăng trưởng tại các đô thị chưa cao; hệ thống hạ tầng tại các đô thị này chưa tương xứng với tốc độ phát triển; triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải; khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao; quản lý phát triển đô thị chưa hiệu quả...

Bản chất của đô thị thông minh chính là đô thị bao gồm những tiện ích, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, môi trường, là nơi đáng sống. Do vậy, với những tồn tại, hạn chế trên sẽ là những thách thức lớn, nếu không giải quyết, loại bỏ những giá trị không bền vững như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... thì không nên nói đến xây dựng đô thị thông minh.

Xây dựng phong cách riêng

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng đô thị thông minh tại đất nước mình, đại diện Cục Tái thiết phát triển đô thị (URA) Singapore cho biết: Năm 1960, các khu nhà của Singapore đều mang đậm chất nông thôn, nhưng hiện nay đã hoàn toàn khác, các tòa nhà, khu nhà đã là công trình kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được văn hóa cổ xưa của Singapore, gần gũi với thiên nhiên và có sự kết nối giữa các công trình với nhau rất cao, tạo sự thuận lợi cho mọi hoạt động của cộng đồng.

Theo đó, nhiều khu nhà của Singapore, nếu nhìn xa giống như một khu rừng nhiệt đới. Trên các mái, bề mặt ngoài của tòa nhà đều trồng cây như khu vườn. Điều quan trọng, các công trình của Singapore hiện tại bao giờ cũng được số hóa và lưu giữ dữ liệu. Dữ liệu này như nguồn tài nguyên để giúp cho các nhà xây dựng có thông tin cụ thể để thiết kế nhanh và đồng bộ hóa thiết kế thông minh và thân thiện môi trường.

Theo các chuyên gia về kiến trúc, đô thị, một đô thị thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả vận hành và các dịch vụ cũng như khả năng cạnh tranh của đô thị, đồng thời bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế - xã hội và môi trường.

Vì vậy, để xây dựng đô thị thông minh bền vững, Việt Nam có thể học hỏi cách làm và hướng đi của các nước tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh như Singapore và các nước phát triển trên thế giới.

Song, để hình thành một đô thị thông minh, mang bản sắc riêng, mỗi thành phố từ những quan điểm chung trong việc phát triển hạ tầng giao thông, nhà ở, không gian xanh, đẩy mạnh việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải carbon chất thải và ô nhiễm... cần chủ động xây dựng mô hình theo cách riêng, không nên sao chép mỗi nơi một kiểu, không bê mô hình của thành phố này sang thành phố khác, của đất nước này sang đất nước khác, cũng không thể xây dựng theo kiểu chắp vá vì sẽ tạo thành một mớ lộn xộn, không có gì khác biệt, đặc trưng.

Đơn cử như tại Hà Nội, với những giá trị văn hóa lâu đời, nhưng với những tồn tại về hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường... thì việc xây dựng đô thị thông minh theo hướng “xanh - văn hiến - văn minh” là điều cần thiết.

Muốn làm được điều này, TP. Hà Nội sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nền tảng kết nối chia sẻ dùng chung, các cơ sở dữ liệu cốt lõi phục vụ xây dựng chính quyền điện tử; ưu tiên hình thành những không gian xanh, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cần chú trọng đến an toàn thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...