Kinh nghiệm áp dụng rào cản phi thuế quan của một số nước

Liên minh châu Âu

Mặc dù thuế quan của Liên minh châu Âu (EU) thấp hơn so với các cường quốc kinh tế khác và có xu hướng giảm, nhưng EU vẫn là một thị trường bảo hộ chặt chẽ với các biện pháp phi thuế quan nghiêm ngặt. Hàng rào phi thuế quan của EU bao gồm: các biện pháp hạn chế định lượng, rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, trợ cấp, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật… Hai mặt hàng được EU áp dụng rào cản phi thuế quan nhiều nhất là dệt may và nông sản.

Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật: Đây là hệ thống bảo hộ bằng rào cản kỹ thuật hiệu quả nhất thế giới hiện nay và phù hợp với xu thế chung của thương mại thế giới, nên ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, trong đó có EU. Tại EU, đây là biện pháp bảo hộ phi thuế quan chủ yếu và phổ biến nhất cho các hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác. Hệ thống này được cụ thể hóa qua 5 tiêu chuẩn của sản phẩm bao gồm: tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn về lao động. Với nhiều nước xuất khẩu là nước đang phát triển, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn về lao động là những tiêu chuẩn rất khó vượt qua được.

Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật: Quy định về kiểm dịch thực vật được áp dụng chủ yếu cho các mặt hàng nông sản. Giấy chứng nhận kiểm dịch phải được cung cấp bởi nước có sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu phải được giám định bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền của nước xuất khẩu, đảm bảo rằng sản phẩm xuất khẩu không bị nhiễm khuẩn hay dư lượng kháng sinh. Đây là rào cản tương đối khó khăn cho các nước xuất khẩu là nước đang phát triển, khi quy trình bảo quản hàng hóa còn chưa được chuẩn hóa và việc lạm dụng kháng sinh vẫn còn phổ biến.

Quy tắc xuất xứ: Tiêu chuẩn xuất xứ chỉ ra cách xác định nước xuất xứ của sản phẩm. Có 2 tiêu chuẩn xuất xứ được EU áp dụng, đó là: tiêu chuẩn “xuất xứ toàn bộ” và tiêu chuẩn “xuất xứ có thành phần nhập khẩu”. Đối với các sản phẩm được sản xuất toàn bộ tại quốc gia được hưởng Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), sản phẩm này được xem là có xuất xứ và sẽ được hưởng GSP.

Tuy nhiên, đối với các sản phẩm có thành phần nhập khẩu, quy định của EU chặt chẽ hơn. EU quy định hàm lượng sáng tạo trong sản phẩm tại nước hưởng GSP phải đạt ít nhất 60% giá trị của hàng hóa. Tuy nhiên, với một số nhóm hàng hóa, quy định này được nới lỏng hơn.

Ví dụ: Với các mặt hàng điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, hàm lượng sáng tạo tại nước hưởng GSP không được ít hơn 40%, đồ trang trí làm từ kim loại không ít hơn 30%... Đặc biệt, mặt hàng giày dép sẽ chỉ được hưởng GSP nếu các bộ phận như mũi, đế… ở dạng rời được sản xuất ở nước hưởng GSP hoặc nhập khẩu từ những nước này.

Xây dựng rào cản phi thuế quan tại một số nước trên thế giới - Ảnh 1

Hạn ngạch: Áp dụng phổ biến nhất cho mặt hàng dệt may ở EU là hạn ngạch số lượng. Mỗi nước xuất khẩu dệt may lớn sang EU sẽ bị quy định một số lượng cụ thể mà họ có thể xuất sang thị trường EU. Tuy nhiên, loại hạn ngạch này đã giảm theo Hiệp định đa sợi (MFA) và được bãi bỏ hoàn toàn vào năm 2005 theo Hiệp định đối với hàng dệt may (ATC)/WTO. Đối với nông sản, mặt hàng được áp dụng hạn ngạch chủ yếu là gạo. Ngoài ra, EU có áp dụng một số hạn ngạch ưu đãi cho một số nước nhất định trong những thời điểm nhất định.

Các biện pháp thương mại tạm thời: Các biện pháp này chủ yếu gồm trợ cấp và chống bán phá giá. Các hàng hóa nhập khẩu vào EU mà được hưởng trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu thì EU sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu việc trợ cấp này ảnh hưởng đến thị trường nội địa của EU. Tuy nhiên, EU lại trợ cấp rất mạnh mẽ cho các doanh nghiệp (DN) nội địa. Thông thường, trong trợ cấp của chính phủ cho các DN EU, trợ cấp trực tiếp của chính phủ chiếm tới 61%, giảm thuế chỉ chiếm 22%, còn lại là nhiều hình thức khác. Tương tự, khi một hàng hóa nhập khẩu được bán giá thấp hơn nhiều so với một hàng hóa sản xuất tại EU, để đảm bảo công bằng trong thương mại quốc tế, EU sẽ thực hiện các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp xuất khẩu và chống hàng giả bằng việc áp dụng thuế “chống xuất khẩu bán phá giá”. Không những thế, hiện nay, các biện pháp chống hàng giả của EU còn cho phép ngăn chặn không nhập khẩu các hàng hóa đánh cắp bản quyền.

Nhật Bản

Các biện pháp hạn chế định lượng: Không giống như EU, quy định về hạn ngạch nhập khẩu của Nhật Bản rất cụ thể, chi tiết và áp dụng cho nhiều mặt hàng. Nhật Bản cấm nhập khẩu các hàng hóa như: thực phẩm chứa các thành phần độc tố hoặc có hại, hoặc bị nghi vấn chứa các thành phần độc tố; các loại thực phẩm đã bị hỏng; các loại thực phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn và đặc điểm kỹ thuật trong quá trình chế biến; các loại thực phẩm sử dụng phụ gia quá mức cho phép; các loại thực phẩm không chứng minh được nguồn gốc. Về hạn ngạch nhập khẩu, Nhật Bản quy định áp dụng cho 3 nhóm hàng sau: (i) các mặt hàng thương mại thuộc kiểm soát của Nhà nước, bao gồm vũ khí, rượu, chất nổ, vật liệu hạt nhân, gạo; (ii) các mặt hàng hạn chế nhập khẩu như: cá trích, cá mòi, sò và các loại hản sản khác; (iii) các loại động thực vật có tên trong Công ước Thương mại quốc tế về các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Chế độ hạn ngạch thuế quan được sử dụng ở Nhật Bản nhằm đảm bảo hài hòa mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng và mục tiêu bảo hộ người sản xuất trong nước. Chính vì vậy, Chính phủ Nhật Bản thường xuyên nghiên cứu kỹ việc áp dụng chế độ hạn ngạch thuế đối với từng mặt hàng trên cơ sở xem xét cung cầu, thực trạng sản xuất trong nước để đề ra quy định hợp lý.

Chế độ hạn ngạch thuế quan được sử dụng ở Nhật Bản nhằm đảm bảo hài hòa mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng và mục tiêu bảo hộ người sản xuất trong nước. Chính vì vậy, Chính phủ Nhật Bản thường xuyên nghiên cứu kỹ việc áp dụng chế độ hạn ngạch thuế đối với từng mặt hàng trên cơ sở xem xét cung cầu, thực trạng sản xuất trong nước để đề ra quy định hợp lý.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng sử dụng Giấy phép nhập khẩu như một hàng rào phi thuế quan. Khi kinh doanh hàng nhập khẩu cần có giấy phép nhập khẩu, các nhà nhập khẩu được toàn quyền lựa chọn các nhà xuất khẩu để ký hợp đồng, nhưng việc ký và thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào việc cho phép hay xác nhận của các bộ có thẩm quyền. Với những hàng hóa này, việc nhập khẩu chỉ có thể được tiến hành sau khi có thông báo phân bổ hạn ngạch của Bộ Công nghiệp và Ngoại thương Nhật Bản (MITI). Việc thanh toán hàng nhập khẩu chỉ có thể tiến hành sau khi có giấy phép.

Xây dựng rào cản phi thuế quan tại một số nước trên thế giới - Ảnh 2

Các biện pháp mang tính hành chính kỹ thuật: Tiêu chuẩn chất lượng và độ an toàn của hàng hóa tại thị trường Nhật Bản cao hơn và chặt chẽ hơn so với yêu cầu thông thường và tiêu chuẩn quốc tế. Người tiêu dùng nước này có thói quen đưa ra quyết định mua hàng dựa vào dấu chất lượng trên bao bì, vì họ coi đó là sự đảm bảo độ tin cậy về chất lượng hàng hóa. Các dấu đó bao gồm: Dấu chứng nhận tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản (JIS), Dấu chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp (JAS), Dấu tiêu chuẩn môi trường (Ecomark), các dấu chứng nhận chất lượng khác như dấu Q (đo chất lượng và độ đồng nhất của sản phẩm), Dấu SIF và Dấu Len (cho các hàng may mặc có chất lượng tốt). Do đó, các nhà nhập khẩu muốn bán hàng được trên thị trường Nhật Bản thì trước tiên, hàng hóa nhập khẩu của họ phải được đóng các dấu kể trên.

Luật vệ sinh thực phẩm: Luật này áp dụng cho tất cả các hàng hóa liên quan đến thực phẩm, gia vị, dụng cụ chứa thực phẩm, đóng gói, máy móc để chế biến thực phẩm và đồ chơi trẻ em. Luật này bao gồm một số quy định cụ thể về thực phẩm nhập khẩu, dán nhãn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu đều phải tuân thủ quy định như nhau. Bộ Y tế và Phúc lợi là đơn vị chịu trách nhiệm thực thi và quản lý vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, ở nước này còn có nhiều luật khác nhằm tạo ra hàng rào phi thuế quan cho hàng nhập khẩu như: Luật Trách nhiệm sản phẩm, Luật Chống các bệnh truyền nhiễm, Luật Kiểm dịch thực vật, Luật Độc quyền muối, độc quyền rượu, Luật Kiểm soát lương thực, kiểm soát chất kích thích…

Bài học cho Việt Nam

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều cơ hội cũng như thách thức mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Theo xu hướng chung, hiện nay việc sử dụng các hàng rào phi thuế quan nhằm bảo vệ thị trường nội địa cũng trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Có thể thấy, việc quan sát kinh nghiệm của các quốc gia khác đã mang lại những bài học có giá trị cho Việt Nam.

Cụ thể, từ EU, Việt Nam có thể học tập trong việc áp dụng Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật với 5 tiêu chuẩn của sản phẩm bao gồm: tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn về lao động. Nếu Việt Nam có thể áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn này, tình trạng những hàng hóa có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, những hàng hóa không rõ nguồn gốc sẽ không còn tràn lan trên thị trường như hiện nay.

Giấy phép nhập khẩu và phân bổ hạn ngạch là bài học mà Việt Nam có thể học được từ kinh nghiệm của Nhật Bản. Với một số mặt hàng nhất định, các DN chỉ có thể được nhập khẩu nếu được cấp giấy phép sau khi được cơ quan chủ quản tính toán và phân bổ hạn ngạch. Đây là cách làm mang tính quản lý hành chính nhưng lại hiệu quả trong trường hợp nhập khẩu các mặt hàng nhạy cảm hoặc các mặt hàng ảnh hưởng nhiều đến nhà sản xuất trong nước.

Trợ cấp hay ưu đãi cho các DN trong nước là một bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo từ Trung Quốc. Đó là, cho hưởng ưu đãi về lãi suất vay, thuê đất giá thấp hoặc không mất phí, nộp thuế ưu đãi hoặc miễn thuế một số năm đầu sẽ giúp các DN trong nước có thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài và hàng nhập khẩu.

Tóm lại, rào cản phi thuế quan là một công cụ hữu hiệu trong thương mại quốc tế, nơi các nước vừa có thể tận dụng những lợi thế do tự do hóa thương mại mang lại, vừa có thể bảo hộ được sản xuất trong nước một cách hợp pháp. Trước ngưỡng cửa tham gia và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hy vọng Việt Nam sẽ học được nhiều bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới trong việc xây dựng rào cản phi thuế quan nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng nội địa.

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Thị Thu Giang, Biện pháp vượt rào cản phi thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, NXB Tài chính;

2. Nguyễn Hữu Khải, Hàng rào phi thuế quan trong chính sách thương mại quốc tế, NXB Lao động – xã hội, 2003;

3. http://appsso.eurostat.ec.europa.eu/nui/show.do?dataset=demo_ pjan&lang=en.

Xây dựng rào cản phi thuế quan tại một số nước trên thế giới

TS. NGUYỄN THỊ TƯỜNG ANH - Đại học Ngoại thương

(Tài chính) Làm thế nào để vừa có thể tận dụng được lợi thế của hiệp định thương mại tự do mang lại, vừa có thể bảo vệ được thị trường trong nước là “bài toán” đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, rào cản phi thuế quan là một đối sách phù hợp và hiệu quả đã được các nước trên thế giới áp dụng rộng rãi.

Xem thêm

Video nổi bật