Người lao động cầm cố sổ bảo hiểm xã hội: Nhiều hệ lụy
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, gần đây tại một số địa phương có hiện tượng nhiều người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ mới.
Theo các chuyên gia, việc cầm số sổ BHXH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của chính người lao động cũng như người nhận sổ BHXH cầm cố. Do đó, cần sớm có các phương án để tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu hơn về các chính sách, chế độ bảo hiểm và những hệ lụy từ việc cầm cố sổ BHXH.
Nguy cơ cao
Thời gian gần đây, cơ quan BHXH tại một số địa phương như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Nông… xảy ra tình trạng một số người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH mới.
Hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Nguyên nhân là do hiện nay việc cấp lại sổ BHXH khá dễ dàng và người lao động có thể lợi dụng các quy định này để cầm cố sổ BHXH. Ðiều này có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và những nguy cơ, hệ lụy xã hội khác.
Nói về thực trạng người lao động cầm cố sổ BHXH, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam Lê Ðình Quảng cho rằng, tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đời sống người lao động còn nhiều khó khăn. Không chỉ cầm cố sổ, tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng người lao động bán trợ cấp một lần sau khi thôi việc bằng cách ủy quyền nhận trợ cấp một lần.
Theo Trưởng ban Sổ - Thẻ, BHXH Việt Nam Chu Minh Tộ, việc cầm số sổ BHXH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động cũng như người nhận cầm cố và cả cơ quan BHXH, doanh nghiệp có người tham gia BHXH. Ông Tộ lý giải, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH và không quy định cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố, chỉ cấp lại sổ BHXH do bị hỏng, mất.
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 19 Luật BHXH nêu rõ: Người lao động có trách nhiệm bảo quản sổ bảo hiểm xã hội. Còn Khoản 1, Điều 96 Luật BHXH quy định: Sổ BHXH được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của Luật này. Khoản 2, Điều 97 Luật BHXH cũng quy định hồ sơ cấp lại sổ BHXH trong trường hợp người lao động bị hỏng, mất sổ BHXH, không quy định đối với trường hợp cầm cố sổ BHXH.
Thiệt hại cho người lao động
Khẳng định việc cầm cố sổ BHXH sẽ dẫn đến hệ lụy lớn với người lao động, Trưởng ban Sổ - Thẻ, BHXH Việt Nam Chu Minh Tộ nêu rõ, việc người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ BHXH và người nhận cầm cố sổ BHXH. Nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ, cơ quan BHXH sẽ không cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp này.
Trong trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan BHXH phát hiện, người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với hành vi kê khai không đúng sự thật. Ngoài ra, người, đơn vị nhận cầm cố sổ BHXH của cá nhân cũng phải gánh chịu những hậu quả.
Theo quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế BHXH, khi giải quyết hưởng BHXH một lần phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ BHXH, dữ liệu về quá trình đóng BHXH của người lao động bảo đảm không giải quyết hưởng trùng.
Khi cơ quan BHXH giải quyết chế độ BHXH cho người lao động phải căn cứ trên dữ liệu về quá trình đóng BHXH của người lao động trên phần mềm nên chỉ giải quyết chế độ một lần. Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia BHXH.
Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan. Vì vậy, nếu người lao động cầm cố sổ BHXH, sau đó được cơ quan BHXH cấp lại vì lý do bị mất và đem sổ cấp lại đi giải quyết BHXH một lần, khi đó người nhận cầm cố sổ BHXH sẽ không thể đem sổ BHXH nhận thế chấp đi giải quyết BHXH một lần, mặc dù có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Trường hợp, người lao động tham gia BHXH nếu gặp rủi ro thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tuất, người nhận cầm cố sổ BHXH sẽ không được hưởng theo quy định tại Điều 67, Điều 69 Luật BHXH.