Nguy cơ lạm phát tăng mạnh là không lớn

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo TS.Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chính sách tài khóa - tiền tệ năm 2013 cần được tiếp tục điều hành một cách thận trọng chặt chẽ nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế. Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế năm 2013 cần được điều hành theo định hướng đẩy mạnh gia tăng tổng cầu và hỗ trợ doanh nghiệp.

Năm 2013 đã tới với khá nhiều dự báo, cảm nhận khác nhau về nền kinh tế. Từ góc độ của người đứng đầu cơ quan giám sát tài chính quốc gia, ông có thể nói gì?

Nguy cơ lạm phát tăng mạnh là không lớn - Ảnh 1
TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Với thông điệp đầu năm của Thủ tướng và với những Nghị quyết sắp được Chính phủ ban hành, được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế, khẳng định năng lực điều hành chính sách của Chính phủ, khôi phục niềm tin của thị trường và của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Chúng ta có thể tin tưởng năm 2013 sẽ có thêm những điểm sáng mới.

Vậy theo ông, đâu là điểm lưu ý nhất trong công tác điều hành và hàng loạt các chính sách đã thực hiện trong năm qua?

2012 là một năm cố gắng không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và bằng sự kiên định trong đường lối chính sách của Chính phủ, được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã có một năm điều hành linh hoạt, sử dụng đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu những tác động phụ của chính sách.

Báo cáo Tình hình kinh tế 2012 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:

Quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP thông qua các giải pháp đồng bộ đã tạo nên khuôn khổ vĩ mô khá ổn định cùng những kết quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam năm 2012: lạm phát được kiềm chế, tỷ giá hối đoái ổn định, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư và dự trữ ngoại hối được nâng cao…

Kết quả là, chỉ số CDS - phí bảo hiểm rủi ro trái phiếu Chính phủ - của Việt Nam đã giảm xuống thấp nhất vào tháng 12, ở mức 250 điểm, giảm mạnh so với kỷ lục 600 điểm vào cuối năm 2011. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào sự cải thiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tăng lên đáng kể.

Trong đó, chính sách tiền tệ - tài khóa là điểm sáng giúp lạm phát được kiểm soát và giảm mạnh so với năm 2011, bước đầu tạo nên khuôn khổ vĩ mô ổn định. Tỷ giá hối đoái ổn định trong suốt năm, chênh lệch giữa tỷ giá tự do và tỷ giá chính thức ở mức rất nhỏ, khoảng 200 đồng/USD, tương đương dưới 1% so với tỷ giá chính thức. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư. Ngân hàng Nhà nước dự báo thặng dư khoảng 9-10 tỷ USD và nguồn dự trữ ngoại hối tăng khá, đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu. Hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ từng bước được ổn định, thanh khoản tốt.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, chính sách tài khóa vẫn nỗ lực đạt mục tiêu thu ngân sách, giữ được bội chi ở mức 4,8% GDP như mục tiêu đặt ra. Chính sách tài khóa trong năm 2012 đã linh hoạt chuyển hướng hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là rất quan trọng

Vậy còn những khó khăn mà hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt và giải quyết, thưa ông?

Những vấn đề như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nợ xấu là những vấn đề phải giải quyết nhưng không thể tính bằng tháng. Vì vậy sẽ là không công bằng khi để những vấn đề đó che lấp những kết quả, những điểm sáng đã đạt được. Thực tế cho thấy, như tôi đã nói, hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ từng bước được ổn định và hoạt động tốt.

Trong Thông điệp đầu năm, Thủ tướng đã không né tránh khi chỉ ra rằng: Tất cả những yếu kém thời gian trước đã hội tụ và phản ánh trong bức tranh kinh tế và đời sống xã hội, niềm tin của thị trường đang ở mức thấp. Vậy ông đánh giá thế nào về niềm tin của thị trường hiện nay?

Tại Hội nghị quốc tế Ổn định tài chính khu vực Đông Á do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng thế giới đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo họ, nếu ngân hàng ở các nước khác rơi vào tình huống như của Việt Nam cuối năm 2011 thì rủi ro rất lớn. Nhưng thực tế, hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản tốt, và đã tạo được niềm tin. Biểu hiện của sự ổn định là lãi suất của thị trường liên ngân hàng (lãi suất qua đêm thời điểm thấp nhất khoảng 2-3%) liên tục giảm trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, năm 2012, M2 ước đạt mức tăng khá, khoảng trên 16% so với đầu năm (cao hơn so với với mức tăng 14,6% của năm 2011), chủ yếu do tăng huy động tiền gửi (tăng khoảng 16% so với đầu năm). Tiền gửi tăng là minh chứng rõ nét cho thấy niềm tin trong dân chúng đối với hệ thống ngân hàng.

Kênh ngân hàng vẫn được người dân “gửi trọn niềm tin”

Tiếp theo sự lạc quan và niềm tin, thưa ông, năm 2013 có những gì đáng lo?

Những việc đáng lo, những thách thức của năm tới đã được nói đến nhiều rồi. Đó là sản xuất công nghiệp và xây dựng gặp nhiều khó khăn; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức thấp; cầu tiêu dùng suy yếu, hàng tồn kho tăng cao; thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn; nợ xấu ngân hàng nếu không được giải quyết nhanh sẽ gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Vậy Ủy ban có khuyến nghị gì góp phần cùng Chính phủ?

Chính sách tài khóa - tiền tệ năm 2013 cần được tiếp tục điều hành một cách thận trọng chặt chẽ nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế nhằm tiếp tục thực hiện những mục tiêu xuyên suốt đã đề ra theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế năm 2013 cần được điều hành theo định hướng đẩy mạnh gia tăng tổng cầu và hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2013 cần quan tâm đặc biệt 5 giải pháp sau: Giảm lãi suất cho vay; Khai thác mọi nguồn vốn đầu tư để đảm bảo mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở mức tương đương 30% GDP như mục tiêu đề ra; Tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; Đẩy nhanh triển khai xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; Đẩy mạnh triển khai trên thực tế tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông vừa đề cập đến vấn đề hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào lạm phát, thưa ông?

Theo Ngân hàng Thế giới (WB):
Cán cân vãng lai của Việt Nam từ mức thâm hụt 11,9% GDP trong năm 2008 đã chuyển sang mức thặng dư nhẹ 0,2% GDP trong năm 2011 và tiếp tục thặng dư khoảng 2,7% GDP trong năm 2012.

Lãi suất đúng là có liên quan đến nỗi lo lạm phát. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tổng cầu của nền kinh tế hiện còn yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 là không lớn. Phân tích cụ thể về những cơ sở để hạ lãi suất cho thấy: nếu đặt mục tiêu lạm phát năm 2013 là 6% thì dư địa hạ lãi suất trong năm tới có thể được nới rộng; hơn nữa, nếu xét về tương quan giữa lãi suất tiền gửi tại Việt Nam so với các nước trên thế giới (tại Mỹ khoảng 0,5-0,75%/năm) thì việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ vẫn đảm bảo được độ chênh lệch lãi suất mà không gây ra áp lực tỷ giá trong năm 2013.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ít có khả năng việc hạ lãi suất sẽ gây ra tình trạng rút tiền tại ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác, tốc độ tăng tiền gửi và do đó là thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì vậy vẫn sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát tổng hạn mức tín dụng (khi cần thiết có thể áp dụng hạn mức tín dụng) và tổng phương tiện thanh toán M2, như vậy việc hạ lãi suất sẽ không gây tác động mạnh đến lạm phát năm 2013.

Cảm ơn Chủ tịch đã trả lời phỏng vấn!