Nhà đầu tư ngóng luật về PPP

Theo Ngọc Khanh/thoibaonganhang.vn

Vấn đề cốt yếu của câu chuyện thu hút PPP, theo ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước đối với nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hàng loạt vướng mắc xung quanh mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được NĐT nêu ra tại hội thảo góp ý đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 23/3. Dự kiến luật sẽ được trình và xin ý kiến Quốc hội sớm nhất vào năm 2020.

Cần luật để gỡ nút thắt

Sau hơn 2 năm có hiệu lực thi hành, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP vẫn không tạo đủ lực hấp dẫn NĐT vào các dự án PPP. Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay số lượng dự án thực hiện theo 2 nghị định này là không nhiều, hầu hết vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, mặc dù nhu cầu đầu tư là rất lớn và NĐT cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này. Lý do là các nội dung quy định trong 2 nghị định còn cách xa yêu cầu thực tế, trong khi NĐT cũng lo ngại tính ổn định của nghị định là không cao.

Vì vậy Bộ KH&ĐT đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP, với kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ để điều chỉnh hình thức đầu tư PPP, góp phần đẩy mạnh việc thu hút nguồn nhân lực tư nhân vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, cung cấp dịch vụ công, gồm giao thông, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao văn hoá, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước…

Ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP, Bộ KH&ĐT cho biết, vì khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, nên hiện nay chúng ta đang rất thiếu công cụ để lựa chọn dự án cũng như NĐT. Theo ông Dũng, các quốc gia có danh sách công trình để thu hút đầu tư, khi thị trường không quan tâm mới bỏ ngân sách ra để làm. Tuy nhiên hiện nay quy trình của ta ngược lại, khi nguồn lực nhà nước không còn đủ nữa mới đưa ra mời gọi thị trường.

“Chúng ta muốn thu hút đầu tư tư nhân, trước hết phải chọn miếng bánh ngon nhất để đưa ra chào mời. Để làm được điều đó, tiêu chí lựa chọn dự án như thế nào phải đảm bảo thống nhất từ cấp luật. Vì vậy chúng tôi dự kiến nghiên cứu bộ tiêu chí chung để xây dựng danh mục dự án, sau đó lựa chọn công cụ hỗ trợ để thu hút NĐT”, ông Dũng chia sẻ về tinh thần xây dựng luật của ban soạn thảo.

Với quan điểm đó, Luật Đầu tư theo hình thức PPP sẽ có 6 nhóm chính sách lớn để giải quyết các vấn đề nút thắt đối với mô hình này. Nhóm chính sách thứ nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư dự án PPP, theo đó, dự án PPP được quản lý theo đầu ra (chỉ đặt ra yêu cầu và để NĐT có sự chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện), thay vì quản lý theo đầu vào (áp đặt sẵn một số công trình, dịch vụ).

Nhóm chính sách thứ 2 liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP, trong đó phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đối với dự án PPP. Nhóm chính sách 3 nhằm tăng cường công khai, minh bạch thông tin dự án PPP trong quá trình đầu tư. Nhóm chính sách thứ 4 quy định về trình tự, thủ tục đầu tư theo hướng cụ thể, rút ngắn thời gian đấu thầu, rút gọn với dự án quy mô nhỏ. Nhóm chính sách thứ 5 quy định về các biện pháp thu hút đầu tư. Nhóm chính sách cuối cùng về tính pháp lý của hợp đồng PPP.

Băn khoăn lớn nhất là chia sẻ rủi ro

Nhấn mạnh về sự cấp thiết của Luật Đầu tư theo hình thức PPP, các NĐT cho rằng luật càng sớm ra đời thì tốc độ đầu tư càng nhanh hơn, xã hội càng phát triển hơn. Còn nếu khung pháp lý vẫn giữ như hiện nay, sẽ có không ít NĐT “chùn chân mỏi gối” và không còn hào hứng tham gia vào lĩnh vực này.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco nêu ra nhiều bất cập mà các quy định hiện hành chưa giải quyết được cho NĐT. Vấn đề đầu tiên chính là quy định về vốn chủ sở hữu tham gia dự án. Ông Dũng cho biết, Luật DN yêu cầu phải góp đủ vốn mới được thực hiện dự án, nhưng với các dự án hạ tầng có quy mô lớn, nếu ngay lập tức buộc NĐT phải góp khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng mới có quyền thực hiện thì rất lãng phí.

“Tiền của DN là luôn phải sinh lời, nếu bắt phải để vào một chỗ trong 5-7 tháng, 1 năm, thậm chí nếu vướng mặt bằng phải chờ đến 2-3 năm thì rất lãng phí, bất cập”, ông Dũng nhấn mạnh. Vì vậy ông yêu cầu quy định này cần phải được đưa ngay vào luật, theo hướng các DN thực hiện dự án PPP góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ dự án.

Vấn đề khác được ông Dũng nêu lên là bất cập trong thực hiện giải phóng mặt bằng. Theo vị này, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương là hợp lý, song cần ràng buộc về mặt thời gian để không làm lãng phí nguồn lực của NĐT. Bên cạnh đó, nếu không đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, thì cơ quan quản lý cũng cần phải chịu chế tài xử phạt như áp dụng với DN.

Vấn đề cốt yếu của câu chuyện thu hút PPP, theo ông Dũng chính là cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước đối với NĐT. Hiện nay nút thắt lớn nhất đối với các dự án PPP liên quan đến các hình thức bảo lãnh (bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ, bảo đảm lưu lượng xe…), chưa được quy định trong Nghị định 15 và các văn bản liên quan.

“Nguyên nhân chính khiến thời gian qua các NĐT nước ngoài không nhảy vào là thấy điều kiện hợp đồng quá rủi ro, mà DN trong nước khó có đủ năng lực để đầu tư. Vì vậy các quy định về chia sẻ rủi ro phải phù hợp thông lệ quốc tế để lôi kéo được NĐT nước ngoài vào. Nếu không làm được điều này thì mọi chuyện vẫn như cũ, sẽ không có NĐT quan tâm”, ông Dũng khẳng định.

Đồng tình với các khuyến nghị của ông Dũng, ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả bổ sung, vấn đề xuyên suốt trong thực hiện các dự án PPP là Nhà nước phải tôn trọng hợp đồng dự án. Ông nêu bức xúc của DN này, trong quá trình triển khai có rất nhiều mệnh lệnh hành chính, văn bản can thiệp vào dự án. Theo ông, Nhà nước rất quan tâm việc xây dựng luật cho tốt, nội dung phù hợp, nhưng trên thực tế cái cần quan tâm hơn nữa là hành xử với NĐT. Luật tốt, chính sách tốt nhưng hành xử có theo luật không lại là cả một vấn đề.

Dưới góc độ của đơn vị tư vấn và nghiên cứu thị trường, ông Trần Duy Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Monitor Consuting cung cấp số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB): 65% các dự án cơ sở hạ tầng đầu tư theo hình thức BOT ở các nền kinh tế mới nổi đều nhận được hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các hình thức bảo lãnh khác nhau, riêng trong lĩnh vực giao thông tỷ lệ khoảng 90%. Như vậy nếu nhà nước không gánh bớt rủi ro cho NĐT thì dự án không thể triển khai được, hoặc nếu rủi ro đẩy về tư nhân thì chi phí dự án lên rất cao.

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng khuyến nghị trong nội dung về cơ chế sử dụng vốn nhà nước, cần bổ sung cụ thể các hình thức thanh toán của nhà nước theo từng dự án, như vậy mới tạo sức ép để phía chủ đầu tư là địa phương hoặc các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện.