Nhà thầu Trung Quốc “kém chất lượng”: “Trách nhân”, cũng nên “trách kỷ”!

Trọng Nhân

(Tài chính) Các dự án liên quan tới nhà thầu Trung Quốc mặc định sẽ được đánh giá là “giá rẻ, kém chất lượng”. Điều đó đúng ở nhiều trường hợp nhưng cũng có những ngoại lệ và những lỗi bắt nguồn từ chính chúng ta.

Nhà thầu Trung Quốc “kém chất lượng”: “Trách nhân”, cũng nên “trách kỷ”!
Nhà máy Đạm Ninh Bình. Nguồn: internet

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), hiện nhiều dự án cơ khí trong nước đều do nhà thầu nước ngoài trúng thầu, mà nhà thầu Trung Quốc chiếm tỷ lệ “áp đảo”.

Trong giai đoạn 2003 - 2011, các nhà thầu đến từ Trung Quốc đã làm tổng thầu (EPC) của 5/6 dự án phát triển ngành hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, 49/62 dự án công nghiệp xi măng, 16/27 dự án phát triển nhiệt điện. Đó là chưa tính tới sự tham dự của các nhà thầu Trung Quốc trong thi công các dự án giao thông tại Việt Nam với tổng giá trị lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ “nguy hiểm”

Mặc dù trúng thầu nhiều nhưng khi thực hiện, các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận lại thường bị chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, liên tục bị “đội” vốn lên tới hàng trăm triệu USD.

Đặc biệt, chất lượng dây chuyền, thiết bị không đồng đều, nhiều thiết bị phụ trợ có chất lượng thấp. Thậm chí một số dự án còn bị thay đổi thiết bị, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, nhà cung cấp… so với bài thầu.

Đơn cử, chừng 4 năm, nhà thầu Trung Quốc tại dự án Nhà máy Sản xuất phân bón DAP Hải Phòng (do Vinachem đầu tư từ năm 2003) bị chủ đầu tư phạt 6 triệu USD. Trong đó, lỗi lớn nhất là nhà máy đã không sản xuất được sản phẩm phân bón DAP loại đặc biệt, có hàm lượng dinh dưỡng trên 64% như cam kết của nhà thầu, mà chỉ đạt tỷ lệ 61%. Còn hàng chục lỗi kỹ thuật vẫn chưa khắc phục được khi bàn giao nhà máy.

Trên thực tế, tại rất nhiều dự án nhiệt điện, xi măng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, hàm lượng tham gia của các thầu phụ phía Việt Nam chỉ chiếm dưới 3%, thậm chí là 0%. Nhà thầu Trung Quốc cũng không sử dụng vật tư, phụ kiện chế tạo tại Việt Nam, không sử dụng lao động Việt Nam, mà kéo hàng nghìn lao động phổ thông Trung Quốc sang làm việc.

Việc “chú trọng” sử dụng nhà thầu Trung Quốc đã khiến ngành cơ khí nội địa phát triển èo uột, không đúng với kỳ vọng. Đồng thời, khiến nhiều dự án của Việt Nam bị giảm hiệu quả khai thác.

Gần nhất là thực tế lỗ liên tiếp từ khi hoàn thành của Nhà máy Đạm Ninh Bình (Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam - Vinachem đầu tư, có tổng vốn trên 700 triệu USD, công suất 560.000 tấn sản phẩm urea/năm), do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, bàn giao từ năm 2012.

Suốt từ đó đến nay, nhà máy đã bị lỗ hơn 1.100 tỷ đồng. Một trong những lý do gây lỗ - theo đại diện của chủ đầu tư - là vì: “Dây chuyền, máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất thường xảy ra các sự cố, tiêu hao định mức lớn chưa đạt mức thiết kế”.

Sự tham gia sâu quá mức cần thiết của các nhà thầu Trung Quốc vào các dự án tại Việt Nam được đánh giá là không an toàn, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang không hề tốt đẹp.

Từ đây, mọi ý kiến kiến nghị đều mong muốn Nhà nước có biện pháp giảm sự lệ thuộc vào các nhà thầu Trung Quốc, rộng hơn là cả nền kinh tế đều mong muốn và nỗ lực giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Đó là yêu cầu đúng, song đúng thế nào thì lại là điều cần làm rõ.

Nhưng “của bền tại người”

Câu chuyện với các nhà máy phân đạm, nhiệt điện khác... có nhà thầu Trung Quốc tham gia thì chỉ có chủ đầu tư mới hiểu rõ nhất “lỗi kỹ thuật” của dự án nằm ở đâu!

Chia sẻ với người viết, nguyên lãnh đạo một máy phân bón lớn ở miền Bắc thừa nhận vấn đề trước tiên nằm ở thiết kế ban đầu của dự án thường “có vấn đề”, không phù hợp với thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

Chẳng hạn như chất lượng nguyên liệu đầu vào, điều kiện lý tưởng để nhà máy đạt 100% công suất thiết kế và sản phẩm đạt chất lượng như cam kết... là không khả thi trong thực tế. Và đây chính là cớ để nhà thầu Trung Quốc vin vào mỗi khi nhà máy vận hành không đạt công suất, chất lượng, xảy ra lỗi kỹ thuật, phải dừng nhà máy để hiệu chỉnh thông số.

Với những tiêu chí đưa ra trong “bài thầu” thường là có giá rẻ, thiết bị tiêu chuẩn cao, công nghệ hiện đại và yêu cầu nhận thầu trọn gói... thì chỉ có nhà thầu Trung Quốc mới đáp ứng được. Bởi với nhà thầu Trung Quốc, chủ đầu tư đưa ra “giá nào cũng làm được”.

Hơn nữa, trình độ của đơn vị tư vấn giám sát dự án của ta còn hạn chế nên dễ bị nhà thầu Trung Quốc “qua mặt” trong quá trình nhập khẩu dây chuyền, thiết bị, thi công các hạng mục...

Mà với gói thầu EPC “chìa khóa trao tay”, thì ngay cả chủ đầu tư cũng khó có thể can thiệp được. Cùng một thiết kế, công nghệ đó ở bên Trung Quốc vận hành ngon lành nhưng mang về Việt Nam lại thường xuyên xảy ra sự cố, hư hỏng, sửa chữa... Điều này cho thấy trình độ vận hành, quản lý nhà máy và nhận chuyển giao công nghệ của ta không tốt.

Xét về hiệu quả kinh tế của dự án, các chủ đầu tư đã đổ ra hàng nghìn tỷ đồng nhưng chính họ lại không thực sự muốn đồng vốn sinh lời và tối đa lợi nhuận. Chỉ sau hơn 1 năm vận hành thử nghiệm, có sản phẩm tiêu thụ, nhà máy DAP Hải Phòng đã trả được hơn 50% số nợ vay đầu tư (khoảng 1.500 tỷ đồng) là minh chứng cho dự án có hiệu quả cao nếu sớm đi vào hoạt động.

Thế nhưng, kết quả này chỉ có được sau hơn 8 năm trời chủ đầu tư vật lộn với những mớ “bòng bong” vướng mắc về thủ tục, vốn, xử lý môi trường, sự cố, nhân sự không đủ trình độ vận hành... Chính những điều này đã làm giảm hiệu quả đầu tư, thì có phải lỗi của nhà thầu Trung Quốc?