Nhận diện kinh tế qua tăng trưởng GDP

Theo Báo Đầu tư

Tăng trưởng GDP quý III/2012 ước đạt 5,35%, đánh dấu sự đi lên của nền kinh tế.

Nhận diện kinh tế qua tăng trưởng GDP
Sau khi chỉ đạt 4% trong quý I và 4,66% trong quý II, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2012, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2012, tổ chức ngày hôm qua tại Hà Nội, đã vươn lên mức 5,35%. Con số này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, dù thấp hơn tương đối so với tăng trưởng GDP của các quý III của năm 2010 (7,18%) và năm 2011 (6,07%), song vẫn cho thấy những diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.

Sự đi lên của nền kinh tế, dù chưa thật sự rõ nét, song bình luận về mức tăng trưởng này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đó cũng được coi là dấu hiệu khởi sắc, sau khi tốc độ tăng trưởng GDP quý I rơi xuống thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. “Xu hướng cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP qua từng quý có thể coi là một khía cạnh đáng chú ý”, ông Thiên nói.

Với tăng trưởng GDP quý III ước đạt khoảng 5,35%, thì 9 tháng, nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng 4,73%. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,36%; còn khu vực dịch vụ tăng 5,97%. Mức tăng trưởng này là thấp so với nhiều năm trở lại đây, và cũng thấp so với dự báo được đưa ra cách đây 1 tháng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song cũng đã cho thấy nỗ lực chung của toàn nền kinh tế.

Cũng đánh giá về những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, còn có thể nhìn vào một số chỉ số khác, như dự trữ ngoại hối được cải thiện đáng kể, tổng cầu của nền kinh tế tuy chưa thật sự mạnh, nhưng đã có chuyển động tích cực, nhập siêu được kiềm chế tốt.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã tăng 17,15% so với cùng kỳ năm trước, nếu trừ yếu tố giá cả, vẫn tăng 6,7%, cải thiện đáng kể so với những tháng đầu năm.

Có thể coi xuất khẩu là một trong những điểm sáng nhất của kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay. Với tổng kim ngạch xuất khẩu ước 9 tháng khoảng 83,78 tỷ USD, tốc độ tăng xuất khẩu đã đạt mức 18,9%, vượt xa mục tiêu đề ra của cả năm (13%). Điều quan trọng hơn, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, 9 tháng, Việt Nam vẫn đang xuất siêu 34 triệu USD. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, đây là một thành tích hiếm hoi trong suốt mấy chục năm qua. “Đây thực sự là một kỳ tích, nếu so nó với những con số nhập siêu cao ngất ngưởng của cùng kỳ các năm trước, từ 4 đến 8 tỷ USD. Căn bệnh kinh niên trầm kha của nền kinh tế đã bỗng nhiên được… xử lý gọn”, ông Thiên nói và đồng thời đề cập, bên cạnh những chuyển biến tích cực về lượng, thì nền kinh tế cũng đã bắt đầu triển khai một số cải cách nhằm vào hệ thống thể chế.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, trong khó khăn, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhất quán để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. “Tất nhiên, trong thực thi còn có chỗ chưa được hiệu quả, song điều hành kinh tế vĩ mô đã ngày càng linh hoạt và hiệu quả hơn”, ông Ân nói.

Một điều rõ ràng, cũng đã được các chuyên gia kinh tế thừa nhận, đó là tình hình kinh tế, trên một số khía cạnh, đang được cải thiện so với đầu năm. Có vẻ như, nền kinh tế Việt Nam đã qua “cơn nguy kịch” và bước vào quỹ đạo phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hiệu cho thấy sự bất ổn và khó khăn của nền kinh tế. Chuyện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 bất ngờ tăng đến 2,2% so với tháng trước, hay chuyện chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn tăng ở mức thấp (9 tháng tăng 4,8%) là những chỉ số không thể bỏ qua khi đánh giá toàn diện về nền kinh tế.