"Nhận diện" những hạn chế đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

PV.

(Tài chính) Hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài bắt đầu phát triển từ đầu những năm 90. Trong những năm qua, bất chấp ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam vẫn gia tăng mạnh mẽ, ngày càng đa dạng cả về thị trường, lĩnh vực, quy mô đầu tư lẫn hình thức, loại hình DN tham gia đầu tư…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhìn lại hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Năm 1989, Việt Nam bắt đầu tiến hành hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài với duy nhất một dự án giữa đối tác Việt Nam và một đối tác của Nhật Bản với số vốn đăng ký là 563.380 USD. Ngày 14/4/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/1999/NĐ-CP quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Trong những năm đầu, hoạt động này chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, số dự án cấp mới cũng như số vốn đăng ký không nhiều. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/3/2013, theo thông tin Bộ Công Thương công bố tại Hội nghị Tham tán thương mại 2013 diễn ra ngày 16/12/2013, đã có 742 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,5 tỷ USD. Các dự án này tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp khai khoáng với 99 dự án, tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD (chiếm 13,3% về số dự án và 46% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, thủy sản chế biến với 80 dự án, tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD (chiếm 10,8% số dự án và 12,6% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực công nghiệp điện đứng thứ ba với 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 12,1%.

Theo Bộ Công Thương, điều đáng mừng là giờ đây các DN Việt Nam cũng đã vươn ra những khu vực xa hơn như các nước khu vực châu Phi, Châu Mỹ, thậm chí cả những nước kinh tế phát triển như Australia, Mỹ, Singapore, Nhật Bản… với tổng số là 59 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các DN Việt Nam đã khẳng định được vị thế khi vào đầu tư ở các nước láng giềng hay đối tác quen thuộc như Lào, Campuchia hay Nga. Theo thông tin tại kỳ họp lần thứ 36 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật Việt Nam - Lào ở Vientiane ngày 17/12/2013, thì Việt Nam hiện thuộc nhóm dẫn đầu trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có DN đầu tư tại Lào. Cụ thể, tính đến nay, các DN Việt Nam đã đầu tư vào Lào 412 dự án với tổng vốn đầu tư 5,012 tỷ USD. Một số dự án đầu tư của DN Việt Nam triển khai nhanh, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực như Dự án trồng cây cao su và sản xuất đường mía của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Nam Lào; các dự án trồng và chế biến cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty Cao su Đắk Lắk; dự án đầu tư của Tập đoàn Viettel tại Lào; dự án Ngân hàng Liên doanh Lào-Việt và hoạt động của các chi nhánh ngân hàng Việt Nam tại Lào; dự án khai thác quặng kim loại của Công ty Chiến Công…

Không thể phủ nhận được những lợi ích do hoạt động đầu tư ra nước ngoài mang lại cho DN và nền kinh tế Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hoạt động này giúp DN Việt Nam mở rộng thị trường, mở ra cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ cao, đồng thời học hỏi những ứng dụng trong công nghệ thông tin, từ đó nâng cao năng lực của mình. Các dự án đầu tư nước ngoài đã cũng mang về nguồn ngoại tệ to lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước, nâng vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong những năm qua, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng đã giúp hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có năng lực đàm phán trong đấu thầu quốc tế (ngành Dầu khí, Xây dựng), trong liên doanh với nước ngoài để tổ chức thực hiện các dự án hợp tác đầu tư. Ngoài ra, hoạt động này cũng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho địa bàn nước sở tại, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương làm việc cho dự án.

Còn nhiều hạn chế

Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Đại hội Đảng IX vào tháng 4/2001 đã chính thức xác định chủ trương khuyến khích, hỗ trợ cho các DN và cá nhân Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Thực hiện chủ trương này của Đảng, Chính phủ đã xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định như Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25/7/2007 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí, Nghị định số 17/2009/NĐ-CP ngày 16/02/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 121/2007/NĐ-CP, Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 20/02/2009 về Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài"…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, hệ thống văn bản hiện tại về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bao gồm các quy định về cấp phép, quản lý hoạt động, chuyển vốn đầu tư, vấn đề tài chính đã được các bộ, ngành liên quan xây dựng một cách tương đối đầy đủ, thậm chí một số lĩnh vực đặc thù như đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng có nhưng văn bản pháp luật điều chỉnh riêng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đào Quang Thu cũng thừa nhận rằng, các quy định về quản lý đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước nói chung và đầu tư ra nước ngoài của các DNNN nói riêng cũng còn nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước. Ngoài ra, do hoạt động đầu tư ra nước ngoài xảy ra ở ngoài biên giới lãnh thổ, còn chịu sự tác động của các quốc gia khác, quốc tế và khu vực, do đó, việc quản lý chặt chẽ các dự án này, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Nhà nước vẫn cần có thêm các quy định cụ thể phù hợp với thực tế, bảo đảm cho việc quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả dòng vốn đầu tư này.

Đánh giá mới đây của Bộ Công Thương cũng cho rằng, bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn bộc lộ những hạn chế nhất định, trong đó có cả từ phía quản lý nhà nước. Theo đó, mặc dù có sự hoàn thiện dần về hành lang pháp lý đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, song thể chế chính sách chưa thực sự hoàn chỉnh, thường đi chậm so với thực tế, do đó chưa phát huy tác động một cách mạnh mẽ đến sự phát triển của hoạt động này.

Việc quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn nhiều bất cập, từ khâu quản lý tiền đầu tư đến khâu hậu kiểm. Trong khâu quản lý, việc triển khai thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn chưa có sự phân định rõ vai trò quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ quản lý ngành, địa phương nơi NĐT đăng ký kinh doanh hoặc thường trú. Ngoài ra, hiện cũng chưa cơ quan nào được giao nhiệm vụ thông tin về môi trường đầu tư, cơ chế pháp lý, đặc điểm môi trường đầu tư, và cơ hội đầu tư ở các nước. Tình trạng này khiến hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam còn thiếu bài bản, thiếu sự chỉ đạo thường xuyên, trong khi DN lại tự khai thác thông tin tốn kém và không đầy đủ.

Việc thực hiện chế độ báo cáo của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn chưa đầy đủ, trong khi đó, lại chưa có các chế tài xử lý việc NĐT không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo. Tình trạng chậm báo cáo cũng phần nào được thể hiện khi các con số thống kê về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trên Cổng thông tin của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đến nay cũng chỉ mới có đến quý I/2013 trong khi chỉ còn mấy ngày nữa là hết năm. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải có công văn số 9818/BKHĐT-ĐTNN ngày 05/12/2013 đề nghị các DN, cá nhân có dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thực hiện các quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; đồng thời gửi báo cáo tình hình thực hiện và hoạt động của dự án đầu tư ra nước ngoài, kết quả thực hiện trong năm 2013 và dự kiến trong năm 2014 chậm nhất trước ngày 31/01/2014. Nhiều ý kiến cho rằng, do việc thực hiện chế độ báo cáo chưa tốt khiến một số cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài không nắm rõ được số lượng các dự án, các khó khăn thuận lợi của NĐT, còn NĐT lại thiếu chủ động gặp gỡ, báo cáo tình hình hoạt động của dự án, khiến cho các NĐT lâm vào tình cảnh lạc lõng, đơn lẻ hoặc xung đột với nhau khi giải quyết những khó khăn trong việc triển khai dự án tại nước ngoài.

Theo Bộ Công Thương, chiến lược tổng thể về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam vẫn chưa được xây dựng, trừ ngành Dầu khí đã có những kế hoạch dài hạn về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Chính vì vậy, hiện vẫn chưa có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho sự phát triển của hoạt động đầu tư ra nước ngoài và chủ yếu vẫn mang tính tự phát của các NĐT. Trong khi đó, kinh nghiệm một số nước, Chính phủ thành lập cơ quan có vai trò hỗ trợ về xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài như JETRO (Nhật Bản), hoặc KOTRA (Hàn Quốc) để giúp các DN trong nước tìm kiếm các cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Các cơ quan phi chính phủ, hiệp hội các DN, sau khi nhận được danh mục các cơ hội đầu tư ở nước ngoài, tổ chức cho các DN đi tìm hiểu môi trường đầu tư ở nước ngoài, còn ở Việt Nam hiện nay, mới chỉ tập trung thực hiện xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, việc xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn chưa được chú trọng. Hơn nữa, các cơ quan đại diện của Nhà nước ở nước ngoài như Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, cơ quan Thương vụ chưa thực sự tham gia có hiệu quả trong việc hỗ trợ xúc tiến các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vẫn còn hạn chế trong thời gian qua một phần không nhỏ bắt nguồn từ chính các DN. Do vậy, để tránh bỏ lỡ cơ hội đầu tư, các DN cần nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, thẩm định thông tin, kỹ năng quản trị, nắm bắt rõ các quy định pháp luật về đầu tư của các nước sở tại… Trong khi đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, có nhiều chính sách hỗ trợ về thông tin thị trường, xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác… Một khi những vấn đề này được giải quyết, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài mới hy vọng có thể phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế.