Nhập siêu và nguy cơ phụ thuộc

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng lên 93 lần kể từ năm 2000 đến nay. Điều đáng nói, Việt Nam đang nhập từ Trung Quốc rất nhiều loại hàng hóa, thượng vàng hạ cám. Ngay cả những mặt hàng trong nước sản xuất được, cũng… nhập. Đây là việc không mới, nhưng cứ tiếp tục nhập, đến cả… củ hành, củ tỏi, cả phong bao lì xì thì lại là vấn đề khác.

Nhập siêu và nguy cơ phụ thuộc
Tại nhiều chợ bán buôn, hàng Trung Quốc tràn ngập. Nguồn: internet
Nhập siêu tăng 93 lần

Tại một cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức diễn ra mới đây, thông tin được Bộ này đưa ra khiến dư luận không khỏi giật mình. Đó là, chỉ trong vòng khoảng một thập kỷ, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc tăng đến gần 100 lần.

Cụ thể, theo bà  Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ nhập siêu từ Trung Quốc 210 triệu USD thì 10 năm sau đó (đến năm 2012) con số này đã tăng vọt lên tới 19 tỷ USD. Và trong vòng 11 tháng đầu năm, nhập siêu từ Trung Quốc chạm ngưỡng 19,6 tỷ USD – tăng đến 93 lần. 

Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy, các loại rau củ quả như hành, tỏi, khoai tây, gừng, chanh, nho, táo, lê… xuất xứ từ Trung Quốc tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Và sự thật khá chua chát là, gần một nửa rau quả nhập từ nước ngoài vào Việt Nam chính là đồ Trung Quốc.
Nhận định của đại diện Bộ Công thương, trong thời gian qua, Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu con số nhập siêu từ Trung Quốc. "Trên thực tế, tốc độc tăng nhập siêu trung bình đã giảm đáng kể” – bà Chi đánh giá và dẫn chứng: tốc độ tăng nhập siêu giai đoạn 2001-2008 là 85%, đến giai đoạn 2009-2013 đã giảm còn 17%.

Tỉ lệ giá trị nhập siêu/xuất khẩu cũng có chuyển biến lớn, nếu năm 2008 tỉ lệ trên đạt 255% thì đến năm 2012 còn 133%. Tỉ trọng các nhóm hàng xuất khẩu công nghiệp có giá trị gia tăng lớn được nâng cao, nhóm nguyên nhiên liệu và khoáng sản xuất sang Trung Quốc giảm dần.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế đang diễn ra, giới chuyên gia lại cho rằng những con số đó chỉ mang tính chất hình thức. Bởi, nếu quan sát khắp thị trường, từ chợ lớn đến chợ bé, từ thành thị đến nông thôn, không khó để nhận ra rằng hàng Trung Quốc đang tràn ngập khắp "hang cùng ngõ hẻm”, không chừa một địa phương nào.

Ví dụ tại Hà Nội, nếu đi chợ Đồng Xuân, chợ Hôm hay những chợ lớn khác như Cầu Giấy, Thành Công, chợ Ngã Tư Sở… hàng nhập từ Trung Quốc không mẫu mã hầu như được bày bán khắp tất cả các chợ đa dạng chủng loại, phong phú mẫu mã. Từ đôi giày, đôi dép, quần áo, túi xách, va li… đến cả đồ điện máy… không trừ một loại nào. 

Nguy cơ phụ thuộc

Điều đáng nói hiện rất nhiều mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam, như nông sản tiêu thụ trong nước còn chưa hết, nhưng hàng nông sản Trung Quốc cứ ùn ùn đổ về. Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy, các loại rau củ quả như hành, tỏi, khoai tây, gừng, chanh, nho, táo, lê… xuất xứ từ Trung Quốc tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Và sự thật khá chua chát là, gần một nửa rau quả nhập từ nước ngoài vào Việt Nam chính là đồ Trung Quốc. 

Và như vậy, thực tiễn đang chứng minh rằng nhận định nhập siêu từ Trung Quốc đã giảm là không sát thực tế, công bố nói trên của Bộ Công thương là khác xa thực tế, khi mà bất cứ một thứ gì người ta cũng tiện thể nhập từ Trung Quốc, chỉ đơn giản vì nó quá rẻ, quá dễ nhập.

Cạnh đó, cũng cần cảnh báo rằng, 2 trong số các mặt hàng được coi là thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam – giày dép và hàng may mặc – thì vẫn đang phải nhập tới 80% nguyên liệu từ Trung Quốc. Cho dù thực tế này chúng ta đã nhận ra từ lâu, song đến nay vẫn chưa thể tìm ra được lời giải cho bài toán nhập khẩu nguyên liệu này.

Đáng chú ý, chính Bộ Công thương cũng dự báo rằng, với kim ngạch nhập khẩu trên dưới 3 tỷ USD/tháng như hiện nay, chắc chắn lượng hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ vượt mức 30 tỷ USD vào cuối năm nay và nhóm hàng có kim ngạch 1 tỷ USD sẽ tiếp tục tăng. Như vậy, mục tiêu 60 tỷ cho thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đến năm 2015 là điều hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng cán cân thương mại lại càng khó thăng bằng. 

Chưa hết, giới chuyên gia tiếp tục đưa ra cảnh báo, nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó không loại trừ việc nền kinh tế Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế bị phụ thuộc. Bên cạnh đó, những nguy cơ về việc các doanh nghiệp trong nước sẽ không thể cạnh tranh về giá cũng như việc người tiêu dùng phải sử dụng các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, kém an toàn vệ sinh thực phẩm… đã hiện hữu. Thực tế này đã xảy ra và còn nguy hiểm hơn khi chúng ta không có biện pháp nào ngăn chặn và ra sức đạt được mục tiêu 60 tỷ USD cho thương mại hai chiều trong năm 2015.