Nhất quán chính sách, minh bạch thông tin

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Sáng ngày 3/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) cuối kỳ với sự tham gia của nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước chính thức khai mạc.

Nhất quán chính sách, minh bạch thông tin
VBF được khai mạc nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Nguồn: internet
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh: "Việt Nam sẵn sàng lắng nghe và mong muốn được đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp” để môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày một hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ranh giới giữa ngưng trệ và phát triển

Một trong những nhà đầu tư lớn  tại Việt Nam, ông Sato Motonobu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản thẳng thắn nói: Các doanh nghiệp Nhật Bản chưa hài lòng với môi trường đầu tư ở một số điểm: việc thiếu hụt nhân lực quản lý, tính bất ổn của việc cung cấp điện, việc thiếu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật cứng nhắc (bao gồm hệ thống thuế), việc thiếu nguồn cung cấp nguyên vật liệu (tỷ lệ mua nguyên vật liệu tại nước sở tại thấp), việc chưa hình thành ngành công nghiệp phụ trợ cũng như vẫn còn biểu hiện thiếu minh bạch trong hệ thống xã hội.

Ông Sato Motonobu cũng lưu ý, dù Việt Nam có lao động giỏi, nhưng trong khi năng suất lao động không tăng mà chi phí tiền lương cứ tiếp tục tăng lên, thì sẽ dẫn đến rủi ro dịch chuyển đầu tư sang nước khác. "Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2013 là 5,4%, năm 2014 là 5,8%, năm 2015 là 6%. Song nền kinh tế Việt Nam đang ở ranh giới giữa ngưng trệ và phát triển để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6~7%” – ông Sato Montonobu nói. 

Các rào cản về hành chính liên tục được cộng đồng doanh nghiệp nhắc đến. Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) dẫn chứng, các ngành công nghiệp ôtô, vận tải và giao nhận quan ngại về tục hải quan rườm rà. EuroCham đề nghị Việt Nam cần tiếp tục giảm thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hải quan.

Cùng với những thông tin khá u ám sắp kết thúc nhưng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn rất vất vả. Vẫn còn có những doanh nghiệp chưa tiếp cận được với chính sách miễn, giảm thuế. Nhiều chính sách được ban hành chưa đồng bộ… 

Ông Trần Anh Đức - Nhóm Công tác đầu tư và thương mại băn khoăn, một tổng công ty nhà nước có thể nhanh chóng được cấp phép xây dựng nhà máy phát điện với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài phải mất nhiều năm để có thể hoàn tất mọi thủ tục xin phép xây dựng một nhà máy phát điện tại Việt Nam. Chính phủ nên nghiên cứu vì sao chỉ có một vài dự án BOT nước ngoài được cấp phép trong hơn 10 năm qua. 

Khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất của EuroCham, quan điểm của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam gần như không thay đổi trong suốt cả năm, duy trì ở mức trung bình. EuroCham mong muốn tìm hiểu thay đổi nào sẽ góp phần tăng cường hơn nữa cam kết sẽ tiếp tục hoạt động tại Việt Nam của các doanh nghiệp. Tại Diễn đàn, một số ý kiến cho rằng, một số thay đổi về luật pháp, chính sách trong năm 2013 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cần được điều chỉnh trong năm 2014.

Kỳ vọng và sự thúc ép

Chia sẻ với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong điều hành nền kinh tế, ông Simon Andrew, Giám đốc khu vực của IFC tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào cho rằng, "Chính phủ vẫn còn nhiều việc phải làm để thực thi việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu chéo,nợ xấu nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong khu vực Nhà nước…”.

Công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng được các thành viên VBF đánh giá diễn ra chậm chạp. Từ hơn 800 doanh nghiệp được cổ phần hóa năm 2004-2005, đến năm 2012 chỉ còn 13 doanh nghiệp.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng "Cộng đồng doanh nghiệp đang cần những cải cách mang tính thực tiễn hơn. Trong đó, đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước và cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh là những giải pháp hàng đầu”.

Đưa ra những kiến nghị cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu mong muốn rằng việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là trong quy trình mua sắm công và đấu thầu sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và nhất quán. Trong các ngành công nghiệp như năng lượng, việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao trong việc chọn thầu là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như các nhà máy điện đang sử dụng các bể chứa dưới áp lực cao và nếu không được thiết kế hoặc vận hành đúng cách, có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. 

Còn Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị, Chính phủ Việt Nam nên tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước bằng việc bán cổ phần trong các công ty cổ phần thuộc diện không nhạy cảm. "Trước mắt có thể giảm bớt sở hữu Nhà nước tại các công ty niêm yết về dưới 50% nhưng vẫn trên 35%. Thời gian sau đó có thể giảm xuống thêm”.

Trước các kiến nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện những cơ chế, chính sách như hoàn thiện cơ chế chuyển đổi và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sửa đổi việc giao, bán doanh nghiệp. Bộ Tài chính đang xem xét cho doanh nghiệp được thoái vốn dưới mệnh giá. Đồng thời, nghiên cứu trình Chính phủ việc tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam, tái cấu trúc thị trường chứng khoán để tạo điều kiện cho nhà đầu tư.

Còn ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước khẳng định, ngân hàng nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần ngân hàng với cổ phần tối đa 20%.

Tháng 12 năm ngoái, VBF đã bắt đầu với chủ đề khôi phục sự năng động. Liền sau đó 1 năm, diễn đàn tiếp tục nóng với chủ đề "Giai đoạn mới trong cải cách kinh tế: Từ chương trình tới hành động”. Rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài đang muốn được bứt phá, nền kinh tế không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm, không thể trì hoãn thêm nữa, đặc biệt là trong cải cách và minh bạch thông tin.