Nhiều dự báo lạc quan về kinh tế
Qua các hội thảo và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 (PCI), bức tranh nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều khởi sắc.
Lòng tin, hy vọng, cơ hội và bứt phá
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 sẽ tăng mạnh so với mức 5,15% cùng kỳ năm 2017. Thông tin này được báo chí trong tuần dành nhiều sự quan tâm. Rõ ràng, tiếp sau đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2017, các nhận định và dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam của quý I, cũng như của cả năm nay ngày càng lạc quan hơn.
Tại hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2018, nhiều tờ báo đã cho biết khi chủ tọa đề nghị với các chuyên gia tham dự hội thảo: "Hãy dùng một từ để nhận xét về kinh tế Việt Nam năm 2017?". Có 4 từ được lựa chọn, đó là: Lòng tin, hy vọng, cơ hội và bứt phá.
Chỉ số công nghiệp 2 tháng qua các năm (Nguồn: TCTK) |
Lòng tin được nói tới ở đây là lòng tin của nhà đầu tư đối với chính sách điều hành của Chính phủ. Đây là động lực của mọi động lực phát triển và tăng trưởng. Hy vọng là khi kinh tế có sự chuyển hướng từ giai đoạn cũ có phần trì trệ - phục hồi sang giai đoạn ổn định - phát triển đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Năm ngoái là năm nhiều cơ hội được tạo ra cho cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế một đà mới bước vào năm biến chuyển 2018.
Trong khi đó, tại buổi hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018" do ngân hàng HSBC tổ chức, giới chuyên môn dự báo: với đà tăng trưởng của kinh tế thế giới và khu vực, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay. Cùng với đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ thúc đẩy quá trình cải cách diễn ra nhanh hơn.
Chỉ số sản xuất kim loại và điện tử (Nguồn: TCTK) |
Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố. Năm nay, lần đầu tiên Quảng Ninh về đích với điểm số 70,69 trên thang điểm 100, vươn lên vị trí quán quân. Đà Nẵng đã xuống vị trí thứ 2 sau 7 năm dẫn đầu cả nước
Điểm số bình quân của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 cao nhất trong 13 lần công bố chỉ số này. Gần như các tỉnh đều tăng điểm số của mình. Các tỉnh thuộc nhóm cuối Bảng xếp hạng cũng đã có nhiều bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các thành phố thuộc nhóm tiên phong.
Qua khảo sát cho thấy, 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ 7 năm trở lại đây.
Năm bận rộn của thoái vốn
Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 15%, trong đó, xuất khẩu điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác giữ vai trò chủ lực. Đây là nhận định được đưa ra trong buổi hội thảo về triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 do Ngân hàng HSBC tổ chức.
Tuy nhiên, thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng điện tử lại thuộc về các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn đang loay hoay với các mặt hàng hàm lượng chế biến không cao như nông sản. Năng suất lao động của doanh nghiệp trong nước cũng thấp hơn. Mặc dù vậy, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước là một cú hích đáng kể, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Năm 2018 được HSBC nhận định là năm bận rộn nhất trong hoạt động thoái vốn, với khoảng 181 thương vụ sẽ được tiến hành.
Theo đại diện ngân hàng này, cặp tỷ giá USD - VND tương đối ổn định trong năm, với mức tăng cao nhất chỉ lên tới 22.900 đồng/USD. Thực tế, sau khi FED tăng lãi suất, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD đã tăng đáng kể, thêm khoảng 25 đồng/USD, đóng góp tới 1/4 mức tăng của cặp tỷ giá này kể từ đầu năm nay.