Nhiều rào cản với xuất khẩu bền vững

Theo Việt Anh/baodauthau.vn

Việt Nam có thành tích tăng trưởng xuất khẩu đều đặn hai con số trong nhiều năm nay, nhưng thực tế hàng xuất khẩu là hàng thô, chế biến không sâu, giá trị gia tăng thấp.

Việt Nam có thành tích tăng trưởng xuất khẩu đều đặn hai con số trong nhiều năm nay. Nguồn: internet
Việt Nam có thành tích tăng trưởng xuất khẩu đều đặn hai con số trong nhiều năm nay. Nguồn: internet

Nếu không có giải pháp để vươn lên trong bối cảnh chúng ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam dễ trở thành nước xuất khẩu hộ cho các nước cung cấp đầu vào. Cảnh báo này được đưa ra tại Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững, diễn ra ngày 8/8, tại Hà Nội.

Xuất khẩu tăng trưởng chưa bền vững

Tại Hội thảo, dẫn kết quả nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới công bố tại Báo cáo Việt Nam trước ngã rẽ - Tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) chưa bền vững. Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên, chúng ta mới chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn cuối cùng, giá trị gia tăng thấp và kết nối trong nước yếu.

Bà Lan nhấn mạnh, hiện chỉ có 300 DN Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng, nhưng vẫn là cung ứng thay thế, không phải cung ứng sản xuất. Trong đó, chỉ có 2% DN lớn, 2 - 5% là DN vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Nguồn nhân lực của ta vẫn thiếu kỹ năng lao động cùng với bất cập trong quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính… khiến tính bền vững của hoạt động xuất khẩu còn kém.

Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Công ty Chè Thế hệ mới - một DN xuất khẩu chè lớn của Việt Nam chỉ ra, chúng ta còn có rào cản trong việc xuất khẩu hàng nông nghiệp dưới thương hiệu của DN. Phần lớn các DN Việt Nam xuất khẩu có quy mô rất nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói hiện đại. Đặc biệt, DN Việt Nam thường chạy theo thành tích về số lượng chứ chưa xây dựng thương hiệu. Cơ quan nhà nước cũng chỉ tập trung báo cáo xuất khẩu bao nhiêu chứ chưa nói được giá trị gia tăng đạt được như thế nào…

Tương tự, ở lĩnh vực dệt may, giá trị gia tăng mang lại là điều khá trăn trở. Là một DN trong ngành dệt may, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP Sợi Thế Kỷ thừa nhận, mặc dù giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng tốt, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. “Nếu xem về giá trị gia tăng trong hàm lượng xuất khẩu sẽ thấy rủi ro tiềm ẩn. Tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng thực chất là xuất khẩu hộ, làm công cho Trung Quốc”, ông Hòa nói.

Hoặc với nhóm hàng nông sản, Việt Nam có sản lượng nông nghiệp dẫn đầu song không thu được giá trị cao. Hầu hết sản phẩm chưa chiếm lĩnh được thị trường bởi vấn đề nằm ở khâu chế biến, trong đó, các mặt hàng nông, thủy sản chủ yếu vẫn đang xuất khẩu thô. 

Trong khi đó, nhìn ở góc độ liên kết, hiệu ứng lan tỏa từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tới DN trong nước, các ý kiến tại Hội thảo chỉ rõ là còn rất thấp. DN có vốn FDI lớn đều có mạng lưới cung cấp riêng. Hầu hết công đoạn giá trị gia tăng cao nằm ngoài nước ta, như: đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, phụ kiện lõi. Những dịch vụ quan trọng thường do DN nước ngoài cung cấp. 

Cốt lõi là nâng cao giá trị sản phẩm

Đứng trước những thách thức nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh, để hướng tới xuất khẩu bền vững, vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu với giá trị gia tăng cao hơn, chúng ta cần nhiều giải pháp trọng tâm như: Mở rộng cửa và mở rộng thị trường; tăng cường thông tin thị trường; cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý với xuất khẩu… Tuy nhiên, giải pháp được cơ quan này đánh giá là trọng tâm nhất vẫn là tạo nguồn hàng có chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng.

Đồng tình với định hướng trọng tâm nêu trên, bà Lan cho rằng, để xuất khẩu bền vững thì các DN xuất khẩu phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm. “Muốn tham gia vào chuỗi và chuỗi có giá trị gia tăng cao thì sản phẩm phải có chất lượng tốt, chất lượng đó phải kiểm soát qua cả một quy trình, từ gốc cho đến sản phẩm cuối cùng”, bà Lan nhấn mạnh. Vị chuyên gia này cũng chia sẻ: Để làm được điều này, Việt Nam phải có gói cải cách toàn diện theo chiều ngang và dọc ở các ngành cụ thể, triển khai theo một lộ trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh. Tăng cường liên kết khối DN trong nước với DN nước ngoài, giữa DN xuất khẩu với các DN cung cấp đầu vào trong nước.

Đó là từ phía DN, còn với cơ quan nhà nước, các ý kiến đều khẳng định, muốn nâng cao giá trị và xuất khẩu thành công thì vai trò của Nhà nước vô cùng quan trọng. Vì thế, tới đây, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm những điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành bất hợp lý gây khó khăn cho DN.

Ông Tuân nêu quan điểm, Việt Nam muốn trở thành quốc gia xuất khẩu với giá trị gia tăng cao thì Nhà nước phải có biện pháp tổng thể và chính sách phù hợp. Chẳng hạn như: Nhà nước cần đầu tư xây dựng hình ảnh đất nước thông qua sản phẩm; có một chương trình táo bạo, mạnh mẽ đầu tư cho hướng xuất khẩu có giá trị gia tăng…