Nhiều sự kiện lớn sẽ được tổ chức trong Năm APEC 2017

Theo baocongthuong.com.vn

Trong hai ngày 1-2/12/2016, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lớp tập huân Kỹ năng làm báo cho các sự kiện lớn của Năm APEC, đồng thời cung cấp thông tin về các sự kiện lớn Việt Nam sẽ tổ chức trong Năm APEC 2017 và công tác chuẩn bị, tổ chức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2017, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai APEC, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, các sự kiện nhằm hướng tới đẩy mạnh liên kết kinh tế, quan hệ thương mại, đầu tư sâu rộng, tăng cường nỗ lực chung để cải cách cơ cấu, phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với đổi mới sáng tạo…

Năm APEC 2017  được xem là sự kiện trọng tâm đối ngoại của Việt Nam, thể hiện hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương; Làm sâu sắc quan hệ, gắn kết với các đối tác, thành viên, các doanh nghiệp, bạn bè khu vực; Cơ hội phát triển, quảng bá vùng miền, địa phương, doanh nghiệp, người dân; Nâng cao vị thế, tạo thuận lợi để Việt Nam hoàn tất các cam kết quốc tế, đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế…

Theo đó, là chủ nhà, Việt Nam sẽ tổ chức khoảng 20 hội nghị lớn và 150 cuộc họp nhóm công tác cấp chuyên gia. Các hoạt động lớn của APEC diễn ra xuyên suốt trong năm 2017 ở khắp các tỉnh, thành Việt Nam, như: Hà Nội, Nha Trang, Quảng Ninh, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hội An và Đà Nẵng.

Cụ thể, những hoạt động chính diễn ra trong Năm APEC 2017, từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, gồm:

Hội nghị không chính thức của quan chức cao cấp (ISOM) (8 – 9/12); Hội nghị quan chức cao cấp lần 1 (SOM1) và các cuộc họp liên quan (18/2 – 3/3); Hội nghị quan chức cao cấp lần 2 (SOM2) và các cuộc họp liên quan (7 – 18/5); Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và các cuộc họp liên quan (12 – 15/5); Hội nghị Bộ trưởng thương mại (MRT) (20 -21/5); Bàn tròn chính sách cao cấp về du lịch bền vững và các cuôc họp liên quan (20 – 22/6 ); Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và các cuộc họp liên quan (21 – 25/8); Hội nghị quan chức cao cấp lần 3 (SOM3) và các cuộc họp liên quan (15 – 30/8); Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cuộc họp liên quan (SMEMM) (11 -17/9); Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế, các cuộc họp liên quan (22-26/9); Hội nghị Bộ trưởng tài chính và các cuộc họp liên quan (19 – 21/10); Tuần lễ cao cấp APEC 2017 (5 - 11/11), đây là sự kiện quan trọng nhất với 3 trọng tâm: Hội nghị cao cấp, CEO Summit và Gala Dinner.

Dự kiến, Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ đón khoảng 10.000 đại biểu quốc tế; 1.000 – 2.000 đại diện các tập đoàn kinh tế lớn; 3.000 phóng viên quốc tế. Và để APEC 2017 diễn ra thành công, Việt Nam sẽ huy động khoảng 2.000 tình nguyện viên, 200 sĩ quan liên lạc, hàng chục ngàn cán bộ tham gia công tác an ninh, lễ tân, hậu cần…

APEC (Diễn đàn kinh tế hợp tác châu Á – Thái Bình Dương) là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

APEC ra đời với 12 nền kinh tế thành viên. Qua 4 lần mở rộng vào các năm 1991, 1993, 1994, 1998 APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, đại diện 39% dân số, 57% GDP, và 47% thương mại toàn cầu.

Đây là diễn đàn có quy mô lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương, với sự tham gia của các nền kinh tế ở 4 châu lục gồm: châu Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương. Số lượng nhóm làm việc lớn nhất gồm 50 nhóm trên nhiều lĩnh vực, đa dạng nhất về hình thức.