Nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội gửi tới Chính phủ

Theo Mạnh Hùng/dangcongsan.vn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 31/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài-chính ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường (Ảnh MH)
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường (Ảnh MH)

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Năm 2017, đất nước phát triển trong điều kiện nhiều khó khăn thách thức, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các địa phương, nền kinh tế nước ta có nhiều chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực, được nhân dân và cử tri cả nước đồng tình.

Với kết quả nổi bật về duy trì kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực, có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước, với nhiều nhân tố rõ nét giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn thách thức, bước đầu thu được kết quả quan trọng, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017, ước 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Điều quan trọng là chất lượng tăng trưởng đã được Chính phủ chọn, điều hành chủ động và kiên định. Trong lúc phải đối mặt với sự sụt giảm trong khai thác dầu mỏ nhưng tăng trưởng không dựa vào tín dụng mà động lực do tăng trưởng hiện nay với tỷ trọng cao từ công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất điện tử, xây dựng, du lịch dịch vụ tăng đều, có bứt phá…

Theo ý kiến của các đại biểu, năm nay, có thể nói có những điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ. Sáng ở tốc độ tăng trưởng, trong thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, sáng trong chống tham nhũng tiêu cực và sáng trong giữ môi trường ổn định cho môi trường ổn định cho phát triển của đất nước. Có được những điểm sáng này là nhờ có sự quyết tâm trong lãnh đạo, điều hành của Quốc hội, Chính Phủ, cả hệ thống chính trị, của nhân dân cả nước quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

Đồng tình với nhìn nhận thẳng thắn của Chính phủ về 6 nhóm tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đại biểu Nguyễn Sơn, (đoàn Hà Tĩnh) cũng nhấn mạnh một số hạn chế cần được phân tích thấu đáo và có giải pháp xử lý căn cơ. Cụ thể là, chưa tập trung đồng bộ, xử lý các dự án thua lỗ nặng, đặc biệt là 12 dự án của Bộ Công thương đến nay, việc xử lý rất chậm. Các bộ, ngành rà soát còn bao nhiêu dự án thua lỗ? Và đã có giải pháp như thế nào? Cũng theo đại biểu Nguyễn Sơn, Chính phủ quyết liệt nhưng còn một số cơ quan Trung ương, địa phương vẫn chưa sâu sát, chưa chủ động tháo gỡ cho người dân, chậm xử lý kiến nghị đề xuất. Vì vậy, ngoài giải pháp về kinh tế vĩ mô, ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục phát triển chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018.

Đại biểu Nguyễn Sơn Cho rằng: Quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn nhiều bất cập, nhiều cơ chế chính sách còn chậm khó vào cuộc sống cho sản xuất, cho phát triển doanh nghiệp, quản lý thị trường hàng giả không đảm bảo chất lượng kể cả thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng làm ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng và thể hiện sự yếu kém, chồng chéo trong các cơ quan quản lý Nhà nước… Ngoài giải pháp kinh tế vĩ mô ổn định cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục có bước phát triển, chính phủ các bộ, ngành địa phương có những giải pháp thiết thực vào cuộc.

Không ít ý kiến băn khoăn khi tăng trưởng đang có những bất hợp lý, trái với logic thông thường, GDP “rơi tự do” trong những tháng đầu năm và tăng tốc “thần kỳ” những tháng cuối năm. Trong bối cảnh hiện nay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, cần có sự nỗ lực trong quý 4. Mặc dầu chỉ số này đã được Chính phủ phân tích có nhiều khả quan, nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), các yếu tố tạo đà tăng trưởng quý 4 chưa thực sự khả quan, việc giải ngân đầu tư công giảm so với 2016, nguồn thu ngân sách từ doanh nghiệp nhà nước không đạt, thu doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng không đạt. Nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ xây dựng nông thôn mới chưa được xử lý triệt để. Ảnh hưởng của thiên tai bão lũ thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Đây là áp lực lớn cho việc phấn đấu trong quý 4. Từ đó, Chính phủ cần rà soát đánh giá các khó khăn và phân tích các nguồn lực để đảm bảo thực sự đạt mức tăng trưởng 6,7%.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội nên đặt mục tiêu GDP 6,7%. Vì tổng vốn đầu tư xã hội vẫn tiếp tục thực hiện 33-34%. Đồng thời, chỉ số ICO cũng đã có thay đổi theo hướng tích cực và theo dự báo của IMF mới nhất của tháng 10 cho rằng, kinh tế thế giới năm 2018 sẽ tăng trưởng cao hơn năm 2017 và các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng 4,6-4,8%. Về vấn đề bội chi ngân sách, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ tiếp tục kéo giảm bội chi thay vì đưa ra kế hoạch phải bội chi 3,7%:

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, phải để mức bội chi là 3,5%. Trong tổng chi ngân sách hiện nay dự kiến năm 2018 lên 1 triệu 500.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần tiết kiệm 1% là chúng ta tiết kiệm 15.000 tỷ.  Hay chi thường xuyên là 940.000 tỷ, tiết kiệm 1% là tiết kiệm 9.400 tỷ và chỉ cần tiết kiệm 1% thì bội chi từ 3,7% xuống 3,5%”.

Các đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định); đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP. Hà Nội) nêu thực trạng thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách thu để thực hiện mục tiêu phát triển. Song hiện nay và giai đoạn tới, một số chính sách thu không còn phù hợp nếu không nói là kìm hãm phát triển. Theo đó, chính sách thu hiện nay có hai tồn tại, đó là làm mất đi nguyên tắc quan trọng nhất là tính tự lập thuế, làm phân tán nguồn lực và giảm thu ngân sách nhà nước.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị: Để đảm bảo ổn định tính ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, trước khi Quốc hội xem xét thông qua những nội dung này, Chính phủ cần đánh giá cụ thể trên 1 số yếu tố. Thứ nhất tính khả thi của phương án tài chính. Theo đó, chính phủ có tính toán cụ thể, có kịch bản cụ thể và cũng đưa ra dự báo khả năng hỗ trợ từ phía ngân sách nhà nước. Thứ hai, cần tính toán tính khả thi của những chính sách ưu đãi. Thứ ba, những chính sách mới phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 3 năm. Có như vậy mới đảm bảo tính khả thi, tính hợp lý, hợp Hiến, hợp pháp trong việc ban hành chính sách.

Băn khoăn với nỗi lo về đầu tư nước ngoài (FDI) khi con số hơn 25 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt xa kỳ vọng, vốn giải ngân cũng bất ngờ tăng mạnh, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, đây là nguyên nhân góp phần vực dậy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Thế nhưng sau tăng tưởng vốn đầu tư nước ngoài lại là nỗi lo về câu chuyện giữa đầu tư nước ngoài và tăng trưởng.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, dù chiếm 25 % tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 50% giá trị sản xuất công nghiệp nhưng khu vực đầu tư nước ngoài chỉ đóng góp vào ngân sách từ 15-19%. Câu chuyện nền kinh tế đang vướng trong bẫy thu nhập trung bình và sẽ còn bị giữ chặt trong thời gian dài có nguyên nhân chính xuất phát từ đây.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân kiến nghị những điều kiện cần phải có trên bàn đàm phán khi mời gọi đầu tư và đồng thời kiến nghị không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có chọn lọc. Các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời cần có cam kết lộ trình chuyển giao công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa. Trên hết phải ưu tiên các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu đề án cơ cấu lại nền kinh tế. Đó là những điều cần phải có trên bàn đàm phán khi mời gọi đầu tư.

Đề cập đến phát triển kinh tế xã hội trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, những khó khăn là rất rõ ràng: Nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam phần lớn chưa hoàn thành trạng thái 2.0.

Bên cạnh đó, Việt Nam lâu nay trông chờ vào dòng vốn FDI với sự dịch chuyển công nghệ vốn và quản trị hiện đại. Tuy nhiên, hầu hết các ngành nghề thu hút FDI là thâm dụng lao động, tài nguyên và chi phí rẻ. Bước lên 4.0, thế mạnh nguồn nhân lực giá rẻ rất có thể trở thành gánh nặng xã hội khi người lao động không đủ sức cạnh tranh với những cỗ máy ngày càng thông minh và chi phí thì cực rẻ. Theo Đại biểu Nguyễn Phi Thường có 3 vấn đề Chính phủ cần quan tâm triển khai, đó là Chính phủ cần tiên phong công bố và phổ biến chiến lược về chính sách quốc gia cách mạng 4.0. Khoa học công nghệ cần phải thực sự là quốc sách hàng đầu.

Các nhà khoa học và nhân tài công nghệ cần được tập trung nghiên cứu trong một số tổ hợp công nghệ trong điểm quốc gia, vừa nghiên cứu sản xuất kinh doanh, vừa tập trung vào công nghệ cốt lõi chính của 4.0. Đồng thời ưu tiên các tiềm năng quốc gia như nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch, môi trường…Làm sao để mọi lĩnh vực ngành nghề trong nước đều xác định rõ trọng điểm đầu tư và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực công nghệ”.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình về một số vấn đề đại biểu quan tâm như: kết quả mục tiêu tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, vấn đề giải ngân chậm, giao vốn chậm cũng như chính sách thu hút đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Quý 4 chỉ cần đạt khoảng 7,31% là cả năm GDP sẽ đạt 6,7%. Nhìn chung, kết quả 10 tháng cho thấy tín hiệu khả quan, theo quy luật quý 4 GDP luôn đạt cao nhất.

Về mục tiêu tăng trưởng 2018, trên cơ sở dự báo tình hình trong nước, quốc tế, việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% là hợp lý. Đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng cho biết, đã có nhiều cải thiện và dần được nâng lên. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP tương đối ổn định trong giai đoạn 2011-2017; tăng trưởng kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia có nhiều tiến bộ; tăng trưởng thúc đẩy phát triển và đảm bảo công bằng xã hội.

Cũng tại phiên thảo luận hôm nay, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là: Trước tình trạng phá rừng ngày càng diễn biến tinh vi, khó kiểm soát, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt để bảo vệ rừng. Vì rừng bị tàn phá là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai mà nước ta phải gánh chịu trong thời gian gần đây.

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng phá rừng là minh chứng cho thực trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ. Qua tiếp xúc cử tri là chủ doanh nghiệp trồng rừng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho biết: để trồng rừng và giữ được rừng rất khó khăn. Nếu như không yêu rừng thì không thể làm được.

Với kinh nghiệm thực tế từ chủ doanh nghiệp trồng rừng thì nếu không có sự tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, một cây to có đường kính 1m, phải mất 70 đến 100 năm mới có được, nhưng đối với lâm tặc thì chỉ khoảng mười mấy phút là phá sạch. Một trạm kiểm lâm trong một đêm có từ 80 đến 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm từ 300.000 đến 400.000 đồng thì số tiền thu lợi bất chính là không hề nhỏ.

Nếu cứ như vậy thì chẳng bao lâu nữa còn đâu là rừng. Nếu cảnh phá rừng cứ tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo mà không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết liệu cho đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng mới trở thành hiện thực.

Các đại biểu Sùng A Hồng, (đoàn Điện Biên); Dương Xuân Hòa, (đoàn Lạng Sơn); Đỗ Trọng Hưng, (đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị có cơ chế chính sách ưu tiên đẩy mạnh đầu tư phát triển các tỉnh miền núi phía Bắc; sửa đổi các quy định để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ phát triển rừng, khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng tự nhiên; sửa đổi quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) cảm thấy đau lòng khi rừng Tây nguyên mất tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cho biết: Nói đến Tây Nguyên, ta nói đến rừng xanh bạt ngàn, thảo nguyên mênh mông, xương mờ huyền ảo, giàu tài nguyên khoáng sản…Nhưng thưa Quốc hội, tôi thấy đau lòng khi đứng đây, khi bản thân mình phải phân vân còn lại những gì? Rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá nghiêm trọng. Kể từ khi có Thông báo 191 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững ở vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020 thì rừng Tây nguyên bị  mất tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo các đại biểu, cần thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên; xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng; triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thu nội địa; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế;...

Từ thực tế công tác trồng và bảo vệ rừng của tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, rừng có đóng góp lớn về phòng chống thiên tai. Để rừng trở thành một trong những giải pháp phòng chống thiên tai thì cần làm tốt công tác quản lý và bảo vệ phát triển rừng. Vì rừng là lớp che phủ quan trọng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi mất đi lớp thảm thực vật che phủ này thì dù có thay thế bằng lớp thảm khác gồm các cây công nghiệp, cây ăn quả thì hiệu quả giữ nước cũng không đảm bảo. Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng: Song song với đó, phải có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng. Khi người dân trực tiếp thấy được những tác hại của mất rừng, được khơi dậy những nhận thức đúng thì sẽ tham gia bảo vệ rừng tốt hơn. Cử tri cũng rất ủng hộ chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ.

Giải trình, làm rõ những nội dung quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; dự báo phòng chống thiên tai và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong trận mưa lũ vừa qua là do công tác dự báo chưa chủ động, chưa chính xác về lượng mưa về lũ ống, lũ quyét. Bên cạnh các nguyên nhân khác cũng được chỉ rất rõ, đó là tình trạng mất rừng, công tác bố trí dân cư... .

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đối với các tỉnh miền núi phía Bắc thì phải coi cơ chế môi trường rừng, vấn đề liên quan đến sử dụng tài nguyên nước, thủy điện, cũng như cơ chế phát triển rừng để gắn với vấn đề sinh kế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước.