Nhìn lại chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 4/2017

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có tầm chiến lược và mang tính đột phá trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với nhận thức đầu tư cho lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, ưu tiên trong những năm qua. Kết quả mang lại là, kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong những năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, bơm vốn và tạo thêm vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn sản xuất, kinh doanh. Các chính sách được ban hành góp phần cho tín dụng của ngân hàng tích cực chảy vào lĩnh vực được ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ sở để nhiều nguồn vốn khác khơi thông như vốn ngân sách nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tín dụng thương mại, tín dụng ưu đãi… cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và triển khai Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có đề ra nhiệm vụ tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, các chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn càng quan trọng trong quá trình này.

Nhìn lại chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có thể khái quát qua một số kết quả nổi bật sau:

Thứ nhất, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

Nhà nước có nhiều chính sách cho phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong đó nổi bật là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 và Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 09/06/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng các tổ chức tín dụng (TCTD) phải ưu đãi hơn cho nông dân để hưởng được ưu đãi của Nhà nước.

Cụ thể, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ra đời được đánh giá là chính sách quan trọng giúp khơi thông nguồn vốn, cho phép khách hàng nông nghiệp, nông thôn tiếp cận vốn vay dễ dàng, theo cơ chế ưu đãi, đưa nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng cao, thúc đẩy ngành phát triển theo định hướng chung và giúp người dân yên tâm sản xuất (Nguyễn Thanh Bình, 2014).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, qua đó thúc đẩy tăng trưởng nguồn tín dụng vào nông nghiệp và nông thôn một cách mạnh mẽ… Nhờ có Nghị định này, nguồn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn chuyển biến rất tích cực. Năm 2012, tín dụng cho khu vực này tăng 12,52%. Đến cuối năm 2013, tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17%.

Đến cuối năm 2014, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 744.622 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2009, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30%/năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung 15% của nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 6/2015, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 802.000 tỷ đồng, tăng 7,71% so với cuối năm 2014, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

Trên cơ sở đề xuất của NHNN, ngày 9/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP với nhiều điểm mới. Trong đó, các điểm nổi bật của Nghị định này có thể chỉ ra như: Bổ sung thêm đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả những cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Nội dung chính của định hướng này tập trung vào quy định cho vay không có tài sản đảm bảo lên đến 70-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; Khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp; Khuyến khích các TCTD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác...

Nhờ có Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm mạnh từ trên 20% năm 2011 xuống mức phổ biến từ 6,5-8%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay thông thường; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức dưới 7%/năm. Những đối tượng chính sách, ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm.

Đến cuối tháng 9/2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của cả nước (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đã đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và 13,43% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010-2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung của cả hệ thống ngân hàng là 13,39%. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 18% tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế (NHNN 2016).

Thứ hai, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 cho thấy, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình trong giai đoạn này là khoảng 192.922 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 5.900 tỷ đồng, địa phương là 36.31 tỷ đồng, trái phiếu chính phủ là 9.815 tỷ đồng, vốn vay tín dụng là 65.336 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 75.840 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư 266.785 tỷ đồng, vốn tín dụng 434.950 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng và người dân đóng góp 107.447 tỷ đồng (Hồng Vân, 2016; Mạnh Bôn, 2016). Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 25,7%). Năm 2017, cả nước phấn đấu nâng tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 28-30%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh 90%; tỷ lệ hộ nông dân có nhà vệ sinh theo quy định là 69%; tỷ lệ hộ dân nông thôn có chuồng trại hợp vệ sinh trên 50%...

Ngày 16/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020 kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg. Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước (tối thiểu) là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 63.155,6 tỷ đồng và ngân sách địa phương khoảng 130.000 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn ngân sách bao gồm: Vốn trực tiếp để thực hiện các nội dung của Chương trình khoảng 24%; Vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Các chương trình hỗ trợ mục tiêu; Các dự án vốn ODA thực hiện trên địa bàn khoảng 6%.

Vốn tín dụng (bao gồm tín dụng ưu đãi và tín dụng thương mại) khoảng 45%. Vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 15%. Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%. Trước đó, ngày 10/11/2016, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 26/2016/QH14 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó quyết định dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng.

Thứ ba, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, khẳng định tầm quan trọng to lớn của chính sách tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn. Vì vậy, để đảm bảo thống nhất về mặt chính sách, Chính phủ đã kiện toàn chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để đáp ứng tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn mới thông qua việc ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

Hai Nghị định trên thúc đẩy tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng cao và khuyến khích các TCTD tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này. Phát huy hiệu quả của những chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời bám sát Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và tập trung nguồn vốn để cho vay, có tính đến các chương trình tín dụng đặc thù cho một số lĩnh vực và sản phẩm chủ lực của ngành (Nguyễn Minh, 2016).

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ khác phục vụ nông nghiệp, nông thôn: Chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; Chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên; Chính sách cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp…

Thứ tư, vốn ODA và FDI vào ngành nông nghiệp, nông thôn.

Trong những qua, với nỗ sự nỗ lực đàm phán của Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN, các hiệp định về lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đã được ký kết. Nhờ đó, Việt Nam đã nhận được các khoản vay của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... Về mục tiêu, nguồn vốn từ các dự án được cấp phát cho các địa phương liên quan để cải thiện cuộc sống của người dân nông thôn, nâng cao năng suất nông nghiệp và giảm nguy cơ hứng chịu thiên tai thông qua nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn, thúc đẩy khoa học, công nghệ trong nông nghiệp nhằm tăng cường giá trị sản xuất. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư ở khu vực này được cho là chưa đáng kể mặc dù mục tiêu triển khai dự án rất đáng hoan nghênh và theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Thống kê sơ bộ cho thấy, hơn 20 năm qua, Việt Nam tiếp nhận lũy kế đến nay tổng số khoảng 6 tỷ USD vốn ODA đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp, phát triển nông thôn. Số vốn này chiếm khoảng 7% tổng ODA cả nước, từ đó đã tác động tích cực cho toàn ngành và góp phần đáng kể thúc đẩy và thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. Trong tổng số 6 tỷ USD vốn ODA, thủy lợi chiếm tỷ lệ cao nhất 45%, tiếp theo là nông nghiệp (21%), phát triển nông thôn (15%), lâm nghiệp (15%) và ít nhất là thủy sản chỉ với 4%.

Về phía đối tác tài trợ ODA, ADB là nhà tài trợ vốn lớn nhất chiếm 26%, tiếp đó là Ngân hàng Thế giới 25%, JIBIC/JICA chiếm 8,9%, DANIDA khoảng 4,6%, AUSAID là 4,3%, và các nhà tài trợ chính khác có tỷ lệ khoảng 2-3%. Trong khi đó, nguồn vốn FDI vào nông nghiệp, nông thôn, tích lũy đến nay khoảng 3,72 tỷ USD, chiếm 1,5% vốn FDI vào Việt Nam (Trần Kim Long & Lê Thành Văn, 2015)…

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2010), Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 12/04/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

2. Chính phủ (2015), Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 09/06/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

3. Chính phủ (2015), Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và định hướng xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;

4. Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Quyết định số 1600/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

5. NHNN Việt Nam (2016), Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp;

6. Phan Thị Thanh Tâm (2015), Chính sách tín dụng mới phát triển nông nghiệp, nông thôn, Tạp chí Tài chính, số 08 kỳ 1/2016;

7. Nguyễn Thành Nam (2016), Đánh giá về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, Tạp chí Ngân hàng, số 14.