Nhìn lại diễn biến thị trường giá cả năm 2012 và dự báo năm 2013

TS. Vũ Đình Ánh

Trái với nhiều dự báo từ cuối năm 2011, diễn biến thị trường giá cả và lạm phát năm 2012 đạt được sự ổn định bất ngờ do xuất hiện những yếu tố mới chi phối bên cạnh những yếu tố truyền thống. Khi những yếu tố mới chưa hình thành xu thế rõ rệt, chưa củng cố vững chắc, thậm chí có thể đột ngột đảo chiều, thì việc dự báo thị trường giá cả năm 2013 sẽ khó khăn.

Nhìn lại diễn biến thị trường giá cả năm 2012 và dự báo năm 2013
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Năm 2012 - vượt ngoài sự mong đợi

Hai năm liên tiếp 2010-2011, thị trường giá cả đầy biến động với CPI lên tới gần 20% năm 2011 đã buộc Việt Nam phải chuyển trọng tâm chính sách từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thông qua những biện pháp nêu trong Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP và Nghị quyết số 01/2012/NQ-CP. Trọng tâm của chính sách kiềm chế lạm phát là thắt chặt chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với kiểm soát chặt chẽ thị trường và giá cả.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số cho cả năm 2012 bị “đe dọa” ngay từ đầu năm khi CPI 2 tháng đầu năm lại đảo chiều tăng trên 1% sau 5 tháng liên tiếp chỉ tăng dưới 1 %, kể từ tháng 8/2011. Nhiều hàng hoá tăng giá mạnh. Ngày 1/1/2012, giá gas đã tăng thêm 24.000 đồng/bình. Tuy có giảm chút ít sau khi điều chỉnh thuế nhập khẩu về 0%, song chỉ trong hai tháng đầu năm 2012, giá gas đã có 6 lần điều chỉnh với 4 lần tăng giá, tổng cộng khoảng 20%.

Bên cạnh đó, thị trường giá cả còn biến động mạnh do yếu tố lễ, Tết và hàng loạt nhiên liệu thiết yếu như điện, than, xăng dầu chịu áp lực tăng giá theo lộ trình, cũng như sự tăng giá trên thị trường thế giới. Nhằm giảm bớt áp lực tăng giá, ngày 21/2/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2012/TT-BTC giảm thuế suất thuế nhập khẩu đồng loạt đối với nhóm hàng xăng dầu.

Một số ý kiến cho rằng nguy cơ lạm phát đã quay trở lại và cảnh báo khó có thể giữ được mục tiêu lạm phát một con số cho cả năm. Chính vì vậy, lộ trình tăng giá điện bị trì hoãn và áp lực tăng giá xăng dầu không chỉ được giảm bớt nhờ chính sách thuế nhập khẩu, mà còn tích cực xả quỹ bình ổn xăng dầu.

Mặc dù vậy, giá xăng dầu cũng chỉ giữ được đến đầu tháng 3 trước khi tăng vọt từ ngày 7/3/2012 rồi lại tăng tiếp từ ngày 20/4/2012 với mức tăng tổng cộng tới 14,4%. Thông thường giá xăng dầu tăng, kéo theo giá cước taxi và một số hàng hoá dịch vụ khác cũng tăng theo, những trái hẳn với dự báo của một số chuyên gia thị trường giá cả lại diễn biến rất ổn định không chỉ trong tháng 3 mà kéo dài đến tận tháng 8/2012. Thậm chí, thay vì lo ngại lạm phát cao do biến động giá xăng dầu, lại chớm mối lo nền kinh tế rơi vào giảm phát khi CPI hai tháng liên tiếp là tháng 6 và tháng 7 lần lượt giảm 0,26% và 0,29%. Đây là hiện tượng chưa hề xuất hiện kể từ tháng 3/2009. Xu thế lạm phát tính theo năm giảm dần, kể từ mức đỉnh 23% vào tháng 8/2011 được khẳng định chắc chắn khi xuống đến mức đáy 5,04% vào tháng 8/2012. Sau 8 tháng, so với cuối năm 2011, CPI chỉ tăng có 2,86% nên đã có thể khẳng định chắc chắn kiềm chế lạm phát cả năm ở mức dưới 10%.

Diễn biến thị trường giá cả ổn định liên tục suốt 6 tháng có sự đóng góp không nhỏ của việc 5 lần liên tiếp điều chỉnh giảm giá xăng dầu đưa về mức còn thấp hơn so với đầu năm 2012. Mặc dù, giá xăng dầu tăng liên tiếp 4 lần từ cuối tháng 7/2012 trước khi giảm nhẹ vào tháng 11/2012, song chỉ số giá nhóm giao thông cả năm 2012 chỉ tăng 6,76% so với cuối năm trước, mức tăng này thấp xa so với mức tăng tương ứng tới 19,04% của năm 2011. Bên cạnh đó, việc trì hoãn tăng giá điện thêm 5% đến ngày 21/12/2012 thay vì tăng ngay từ đầu qúi IV/2012 cũng trực tiếp tác động làm chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng cả năm 2012 chỉ tăng 9,18%, nghĩa là chỉ bằng hơn một nửa so với mức tăng tương ứng tới 17,29% của năm 2011.

Đáng chú ý, là chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vốn chiếm tỷ trọng xấp xỉ 40% trong rổ hàng hoá dịch vụ tính CPI lại tăng rất thấp trong năm 2012. So với cuối năm trước, CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống năm 2012 chỉ tăng vỏn vẹn có 1,01%, trong đó giá thực phẩm tăng 0,95% còn chỉ số giá nhóm lương thực giảm tới 5,66%. Đây là bức tranh hoàn toàn trái ngược với năm 2011, khi các chỉ số tương ứng lần lượt là 24,8%; 27,38% và 18,98%.

Từ tháng 7/2012, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế đột ngột dẫn đầu về mức tăng 3,36% so với tháng trước rồi sang tháng 8/2012 lại tăng thêm 5,44%, riêng dịch vụ y tế tăng 7,71%. Nhóm này thiết lập kỷ lục tăng vào tháng 9 với giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế  tăng tới 17,02%, riêng chỉ số giá dịch vụ y tế tăng vọt 23,87% so với tháng trước. Mặc dù thuốc và dịch vụ y tế chỉ chiếm 5,61% trong rổ tính chỉ số giá hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, song do mức điều chỉnh quá mạnh và đồng loạt ở nhiều địa phương nên CPI tháng 9 tăng vọt lên 2,2% - bằng cả mức tăng CPI suốt 7 tháng đầu năm, khiến cho “hồi chuông”  lạm phát cao lại rung lên dữ dội. Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 25/2012/CT-TTg, ngày 26/9/2012 tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 với nội dung chủ yếu là giãn tiến độ điều chỉnh tăng giá điện và dịch vụ y tế. Chính nhờ sự chỉ đạo kiên quyết và kịp thời của Chính phủ, mà thị trường giá cả quí IV/2012 đã nhanh chóng ổn định trở lại và nguy cơ tái lạm phát cao bước đầu đã tạm thời bị đẩy lùi. Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng cuối năm 2012 tăng chậm trở lại, góp phần tích cực vào thành tích CPI cả năm 2012 (chỉ tăng 6,81% so với cuối năm trước và bình quân cả năm tăng 9,21%), đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát đặt ra từ đầu năm.

Đứng từ góc độ thị trường giá cả, sự tăng vọt của chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế năm 2012 có thể được giải thích bởi áp lực san bằng “răng cưa giá cả”. Nếu so với kỳ gốc năm 2009 thì sau khi tăng vọt vào năm 2012, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cũng chỉ ngang bằng với chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình và nhóm nhà ở vật liệu xây dựng, tuy cao hơn không nhiều so với chỉ số giá nhóm lương thực và thực phẩm, nhưng vẫn thấp hơn so với chỉ số giá nhóm giáo dục.

Bên cạnh những yếu tố tác động tới thị trường giá cả năm 2012 như đã phân tích ở trên, sự ổn định của thị trường giá cả là kết quả và chịu sự chi phối rất lớn của sự tăng chậm lại của tổng cầu (cả tổng cầu tiêu dùng và tổng cầu đầu tư, cả tổng cầu trong nước và xuất khẩu).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quí I/2012 đột ngột tăng lên 36,2% GDP từ mức 34,6% GDP năm 2011 trước khi giảm chút ít xuống 34,5%GDP sau 6 tháng rồi lại tăng lên 35,8% GDP sau 9 tháng, tuy thấp hơn hẳn mức đầu tư giai đoạn 2006-2010, nhưng vẫn tương đương giai đoạn 2001-2005. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư toàn xã hội cả năm 2012 bất ngờ hạ xuống còn 33,5%GDP - mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Năm 2012 tổng cầu tiêu dùng tuy có cải thiện hơn so với năm 2011, nhưng vẫn tăng thấp hơn nhiều so với những năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tầng 6,2% - chỉ bằng một nửa so với giai đoạn 2007-2010.

Hệ quả là, mặc dù sản xuất công nghiệp chững lại (chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng có 4,8%), song do sức mua tăng chậm với chỉ số tiêu thụ hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng khoảng 4%, nên chỉ số hàng tồn kho của nhóm hàng này tăng tới hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu không kể dầu thô, thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực FDI đạt 63,9 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm trước, nhưng tập trung vào một số mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện (xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 12,6 tỷ USD, tăng 97,7%; điện tử máy tính đạt 7,9 tỷ USD, tăng 69,1%), hàng dệt may, giày dép... thuộc nhóm hàng xuất khẩu có tỷ trọng gia công cao, nên không chỉ hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp, mà còn ít hỗ trợ tăng sức mua và tổng cầu của nền kinh tế.

Do sức mua trong và ngoài nước đều tăng chậm, nên phần lớn doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ suốt cả năm 2012. Những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm đi đôi với chi phí đầu vào cao, nên năm 2012 đã có khoảng 5 vạn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, đưa tổng số doanh nghiệp giải thể ngừng hoạt động trong 2 năm 2011 và 2012 lên khoảng 10 vạn chiếm một nửa số doanh nghiệp loại này trong suốt 2 thập kỷ qua. Doanh nghiệp gặp khó khăn lại hạn chế tạo công ăn việc làm, thậm chí làm gia tăng thất nghiệp và giảm thu nhập của người lao động, tạo ra vòng xoáy cắt giảm tiêu dùng. Nguyên nhân sâu xa khiến cho không lí doanh nghiệp Việt Nam lâm vào hoàn cảnh khó khăn có cả nguyên nhân khách quan từ thị trường quốc tế và chính sách kinh tế vĩ mô, thắt chặt tiền tệ cũng như nguyên nhân chủ quan từ sự phát triển quá nóng và thiếu chiến lược của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, thị trường giá cả năm 2012 còn được sự hỗ trợ của ổn định tỷ giá hối đoái suốt cả năm quanh mốc 20.828 VND/USD. Chỉ số giá vàng tháng 12/2012 chỉ tăng 0,4% so với năm trước, bình quân cả năm tăng 7,83% còn chỉ số giá đô la Mỹ thậm chí còn giảm 0,96% và bình quân cả năm tăng có 0,18%.

Song song với ổn định tỷ giá hối đoái và kiềm chế lạm phát, mặt bằng lãi suất cũng được kéo giảm xuống rõ rệt trong năm 2012 nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngân hàng. Mặc dù trần lãi suất huy động đã giảm mạnh từ 14% năm 2011 xuống 8% vào cuối năm 2012, nhưng tổng tiền gửi bằng VND của dân cư vẫn tăng tới 36% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, trong khi tổng tín dụng chỉ tăng khoảng 7% với lãi suất cho vay (12-15%/năm) - giảm nhiều so với mức 25%/ năm của năm 2011.

Rõ ràng, diễn biến thị trường giá cả nói riêng, diễn biến lạm phát nói chung năm 2012 ổn định vượt ngoài sự mong đợi. Nếu loại trừ yếu tố chủ động tăng giá dịch vụ y tế, giá điện và giá xăng dầu thì lạm phát năm 2012 chỉ khoảng 5-6% nên đã góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ năm 2012 mà cho cả năm 2013.

Dự báo năm 2013: Vì sao vẫn khó?

Trạng thái ổn định của thị trường giá cả năm 2012 có thể được duy trì trong năm 2013 hay không không chỉ phụ thuộc vào việc rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết từ quản lý, điều hành thị trường giá cả, mà còn phụ thuộc vào những biến động của các yếu tố vĩ mô tác động tới thị trường giá cả và lạm phát năm 2012 có còn tiếp diễn trong năm 2013.

Theo đó, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế có thể tiếp tục tăng trong năm 2013 nhằm giảm bớt chênh lệch với chỉ số giá nhóm giáo dục, đồng thời cần có biện pháp can thiệp kịp thời để hạn chế bớt xu thế tăng chỉ số giá của các nhóm lương thực, thực phẩm, giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng, vì cùng lý do này khi các biện pháp kích cầu, “hâm nóng" thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được triển khai trong năm 2013.

Đáng chú ý là tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước năm 2012 vẫn duy trì ở mức gần 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó vốn đầu tư từ NSNN vẫn chiếm gần 55%, chứng tỏ tổng vốn đầu tư rất dễ bị tác động bởi chương trình cơ cấu lại đầu tư công có thể sẽ được triển khai mạnh hơn trong năm 2013. Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước năm 2013 cũng khó có thể duy trì tốc độ tăng 8,1% như năm 2012 do những khó khăn mà khu vực này đang đối mặt, trong khi tình hình đầu tư nước ngoài cũng khó cải thiện. Tính đến ngày 15/12/2012 mới thu hút được 1.100 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 7,85 tỷ USD, bằng 64,9% so với cùng kỳ năm 2011 và tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư 13,013 tỷ USD, chỉ bằng 84,7% so với cùng kỳ 2011. Cũng trong 2012, các dự án FDI đã giải ngân được 10,46 tỷ USD, bằng 95,1 % so với cùng kỳ năm 2011. Xu thế sụt giảm đầu tư FDI có thể vẫn tiếp diễn trong năm 2013.

Như vậy, dấu ấn rõ rệt nhất của thị trường giá cả năm 2012 là đã bất ngờ tái lập được sự ổn định sau hai năm 2010- 2011 đầy bất ổn, góp phần tích cực vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sự ổn định của thị trường giá cả năm 2012 chưa thực sự vững chắc do chủ yếu chịu sự chi phối của tổng cầu tăng thấp, cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng bên cạnh niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng không cao.

Sang năm 2013, diễn biến thị trường giá cả, một mặt, vẫn chịu tác động bởi các chính sách quản lý thị trường giá cả truyền thống, cũng như xu thế tiếp tục tăng chậm của tổng cầu đầu tư và tiêu dùng. Mặt khác, lại chịu ảnh hưởng của các chính sách kích cầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cố gắng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012.

Chính vì vậy, nhiệm vụ duy trì sự ổn định của thị trường giá cả năm 2013 sẽ phức tạp và khó lường hơn nhiều so với năm 2012, theo đó, các cơ chế chính sách trực tiếp và gián tiếp tác động đến thị trường giá cả cần có sự cân nhắc thận trọng hơn nhiều lần, kể cả từ dự báo diễn biến, nắm bắt quy luật vận động đến hoạch định và thực thi chính sách.