Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược

PV.

(Tài chính) Đó là nội dung chính của Hội thảo khoa học quốc tế vừa được Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức vào sáng ngày 23/9/2013 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu tại hội thảo; Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì và phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học quốc tế gồm GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS.,TS. Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiêm Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Bùi Văn Thạch, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; GS.,TS. Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; GS.,TS. Phan Công Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. Victorria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Tham dự và đóng góp bài tham luận vào hội thảo có nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược”. Phó Thủ tướng tin tưởng rằng ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội thảo sẽ phân tích sâu sắc hơn những khó khăn hiện tại, những nguy cơ và xu thế trong tương lai đối với nền kinh tế Việt Nam. Những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu sẽ giúp Chính phủ có quyết sách mạnh mẽ hơn, linh hoạt và phù hợp hơn, chung sức đồng lòng, chắc chắn sẽ vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước từ sau đổi mới.

Đặc biệt, Việt Nam đang chuẩn bị việc tổng kết 30 năm đổi mới, do đó, việc phân tích này còn có ý nghĩa quan trọng hơn. Việc lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà khoa học với những hình thức thảo luận cởi mở là rất quan trọng và cần thiết để nhận diện đúng nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, đề xuất những điều chỉnh mang tính chiến lược cho nửa sau của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và những năm tiếp theo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Với sự nỗ lực của toàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã đạt những thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, với những khó khăn thách thức đan xen, nền kinh tế Việt Nam đang phải ứng phó với nhiều vấn đề cần giải quyết như không ít vấn đề lớn và yếu kém của nền kinh tế tồn tại từ nhiều năm, đến nay dưới tác động của khủng hoảng kinh tế và tài chính, suy thoái kinh tế thế giới càng bộc lộ rõ.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng chưa thật bền vững, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra dự kiến không đạt kế hoạch, nguy cơ dẫn đến việc tụt hậu ngày càng xa của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực. Việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế. Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu. Các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa môi trường còn những bất cập, một số vấn đề còn nhiều hạn chế.

Theo GS.,TS. Vương Đình Huệ: Năm 2013 là năm quan trọng đối với Việt Nam. Những kết quả đã đạt được cho đến thời điểm hiện nay cho phép xác định tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong hai năm còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo sẽ được tổng hợp nhằm cung cấp thông tin tham mưu với các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước trong quá trình điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các học giả, nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế đã trao đổi khoa học, thẳng thắn, tập trung đánh giá, làm rõ bối cảnh trong nước và quốc tế và tình hình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về kinh tế-xã hội.

Các đại biểu phân tích, đánh giá các kết quả đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội cũng như các mục tiêu điều chỉnh tại Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ; những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cần thiết trong lãnh đạo, chỉ đạo; nêu những vấn đề cần nổi lên cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hoặc điều chỉnh cần thiết trong xác định mục tiêu tổng quát kinh tế-xã hội năm 2014-2015.

Qua phân tích, các đại biểu đề xuất các biện pháp thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư toàn xã hội trong khoảng 31-32% GDP trong hai năm tới, tăng cường các nguồn lực và sự đồng thuận của xã hội để phục hồi nền kinh tế.

Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, khơi thông những nút thắt thể chế để phục hội tăng trưởng, tạo nguồn lực mạnh mẽ cho xây dựng kết cấu hạ tầng và đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi và thành công. Kết thúc hội thảo, Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp với các cơ quan đồng tổ chức Hội thảo tổng hợp ý kiến để báo cáo các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.