Nhìn nhận đúng vai trò của FDI ở Việt Nam

Ts Phan Minh Ngọc

Những tác động tiêu cực của vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không phải là thuộc tính riêng, và chúng thường là hệ quả của các chính sách và chất lượng quản lý kinh tế. Đây là điều các nhà hoạch định chính sách cần chú ý khi hoạch định một chính sách tổng thể về FDI ở Việt Nam.

Con số vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện qua từng tháng, quý và năm luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều người. Rất thường xuyên, những con số này được coi đồng nghĩa với thước đo thành công của chính sách phát triển kinh tế cũng như môi trường kinh doanh của Việt Nam. Bởi vậy, việc duy trì và không ngừng làm cho những con số này tăng lên là điều đặc biệt quan trọng đối với các cấp chính quyền, và cũng vì vậy mà người ta có xu hướng chạy đua, châm trước, và đưa ra quá nhiều ưu đãi để kéo nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền của vào Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng. FDI thường được nhìn nhận như một liều thuốc đại bổ cho nền kinh tế thiếu dinh dưỡng và không mấy ai mảy may nghĩ đến mặt trái của tấm huy chương FDI.
      Bởi vậy, dường như chỉ mới gần đây những tác động tiêu cực của FDI mới được bộc lộ rõ nét và mới được công luận chú ý và bắt đầu có cái nhìn mang tính phê phán hơn so với cái nhìn mầu hồng mang nặng tính thực dụng trước đây. Mặt trái của tấm huy chương FDI thường được liệt kê dưới những tác động tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, thôn tính thị trường trong nước, hoặc có những hành vi thao túng giá cả. Một số ít thì chỉ ra rằng FDI vào các ngành dịch vụ nhiều một cách tương đối thì làm tăng thêm thâm hụt cán cân mậu dịch (tức là nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu). Thậm chí có người còn quy kết FDI làm tăng tính bất ổn định xã hội với nhiều vụ đình công v.v...
      Thực tế, một phần trong số những phê phán này là đúng đắn, nhưng một phần trong số đó là sai lầm, thiên kiến, ví dụ như chuyện thao túng giá cả và thị trường, cũng như gây bất ổn xã hội và gây ô nhiễm môi trường. Lý giải một cách đơn giản, nếu không có doanh nghiệp FDI thì những điều này vẫn xảy ra đối với các doanh nghiệp trong nước, kể cả (và thậm chí nhiều khi chủ yếu là do) các doanh nghiệp nhà nước. Điều này chứng tỏ rằng những tác động tiêu cực của FDI không phải là thuộc tính riêng của FDI và chúng thường là hệ quả của các chính sách và chất lượng quản lý kinh tế của nhà nước đã tạo kẽ hở, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng khai thác triệt để mà không phải bận tâm nhiều đến hậu quả pháp lý của các hành động của mình.

Ở bài viết này, ta sẽ đi sâu hơn tác động của FDI lên thâm hụt mậu dịch và những hậu quả, tức cũng chính là cơ sở để dự đoán một phần bức tranh kinh tế năm 2009. Sử dụng số liệu thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài cho đến tháng 11.2008, ta sẽ thấy sự áp đảo của một số lĩnh vực đầu tư. Cụ thể, lĩnh vực xây dựng trong ngành dịch vụ chiếm tới 22,7 tỷ đôla trong tổng số vốn đăng ký mới, là lĩnh vực có tỷ trọng lớn nhất (38,4%), trên cả lĩnh vực công nghiệp nặng (32,9%). Hai lĩnh vực này đã chiếm trên 70% tổng vốn đăng ký mới. Nếu xét đến vốn thực hiện thì tình hình cũng gần tương tự, với hai ngành trên chiếm sấp xỉ 70%. Điều đáng chú ý là trong lĩnh vực công nghiệp nặng thì hai dự án thép Vinashin Lion và Hưng Nghiệp Fomosa đã có số vốn đăng ký lên tới 17,6 tỷ đôla. 
      Điều có thể rút ra từ những con số này là chúng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt cán cân mậu dịch của Việt Nam, do bản chất của những loại hình doanh nghiệp này là hướng vào thị trường nội địa hoặc có doanh thu chủ yếu là nội tệ (do không phải là loại hình doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi phải nhập vật tư và thiết bị để xây dựng). Hai dự án thép nói trên có thể hướng tới xuất khẩu một phần sản lượng của mình, nhưng điều này có lẽ chỉ xảy ra một thời gian sau, sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất với sản lượng dư thừa so với sức tiêu thụ trong nước. Vả lại, việc họ có xuất khẩu được hay không còn phụ thuộc vào tính cạnh tranh quốc tế, là điều khó có thể nói chắc được vào thời điểm ban đầu này, lại rơi đúng vào thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, chưa kể đến uy tín và thương hiệu của các chủ đầu tư trong các dự án này là hoàn toàn không tồn tại trong ngành sản xuất thép thế giới.
      Trong khi đó, hiện tại, các doanh nghiệp FDI đang có xu hướng tạo ra thêm thâm hụt mậu dịch, với tỷ trọng xuất khẩu/doanh thu nhỏ hơn nhập khẩu/doanh thu và và khoảng cách này đã tăng lên trong thời gian 2007- 2008. Khối doanh nghiệp FDI đã nhập siêu tới hơn 4 tỷ đôla trong 11 tháng của 2008, tăng mạnh so với con số 1,8 tỷ cùng kỳ năm 2007. Kết hợp với xu hướng đầu tư thiên lệch vào ngành xây dựng bất động sản và ngành thép trong năm 2008 với độ trễ thực hiện sang năm 2009, có thể dự đoán rằng tình hình nhập siêu của khối doanh nghiệp FDI sẽ trở nên trầm trọng hơn trong năm 2009 (với giả thiết rằng các nhà đầu tư nước ngoài huy động được đủ vốn để tiến hành, hoặc vẫn muốn tiến hành, đầu tư đúng theo kế hoạch ban đầu). Lưu ý rằng con số nhập siêu trên 4 tỷ đôla (của 11 tháng) là một con số rất lớn nếu so với mức thâm hụt mậu dịch chung (mục tiêu) là khoảng 10 tỷ đôla trong năm 2008.
      So sánh mức thâm hụt với vốn đầu tư thực hiện, ta sẽ thấy một điều lo ngại nữa là mức thâm hụt này đã tăng quá mạnh giữa hai năm 2007 và 2008, lên tới 40,4% trong năm 2008 so với mức 25,6% năm 2007. Điều đó có nghĩa là nếu nói chính xác thì vai trò của FDI trong việc tài trợ cho thâm hụt mậu dịch ở Việt Nam là hạn chế hơn nhiều nếu so với việc chỉ nhìn vào con số tuyệt đối mà nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân. Vai trò này càng hạn hẹp hơn nếu rạch ròi nêu ra rằng một phần trong con số vốn đầu tư thực hiện là phần đóng góp của đối tác Việt Nam trong các liên doanh, mà đa phần bằng quyền sử dụng đất hoặc các giá trị vô hình, hữu hình khác, nhưng không phải là ngoại tệ, và càng không phải là ngoại tệ mang từ bên ngoài vào Việt Nam.
      Như vậy, có thể rút ra rằng vai trò của FDI đối với nền kinh tế nói chung và đối với việc tài trợ cho thâm hụt mậu dịch nói riêng ở Việt Nam thực sự không lớn như người ta vẫn tưởng nếu chỉ nhìn vào con số tuyệt đối, và hơn nữa, vai trò này đang có xu hướng suy giảm. Tất nhiên, góp phần vào tình trạng này là các chính sách của nhà nước và chính quyền địa phương. Bởi vậy, điều cần thiết là các nhà làm chính sách cần phải nhận thức đầy đủ về vấn đề này, trong số nhiều vấn đề khác không thuộc phạm vi bài viết, khi hoạch định một chính sách tổng thể về FDI ở Việt Nam.