Nhìn thấu đáo về năng suất lao động và lương tối thiểu

Theo Lý Hà/nhandan.com.vn

Tháng 8/2017 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt phương án mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5% và trình phương án này lên Chính phủ. Mục tiêu lương tối thiểu phải dựa trên năng suất lao động và đáp ứng mức sống tối thiểu. Tuy nhiên con số này vẫn chưa làm thỏa mãn đa số người lao động và các doanh nghiệp, bởi thế cần phải có những chính sách được tính toán kỹ lưỡng nhằm phát triển đời sống sản xuất, ổn định về kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những tác động

“Việc tăng lương tối thiểu cao hơn năng suất lao động dẫn tới nhiều tác động tiêu cực, làm giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đây là nhận xét trong báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) đã lập tức được nhiều chuyên gia kinh tế trao đổi thẳng thắn và yêu cầu cần có thêm những lập luận chắc chắn hơn.

Báo cáo dẫn ra, trong giai đoạn 2007-2015, khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu (LTT) và tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) ở Việt Nam đã giãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác (như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a hay Thái-lan). Trong giai đoạn này NSLĐ của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Và trong lúc đó tốc độ tăng trưởng bình quân của lương là 5,8%, vượt tốc độ tăng NSLĐ.

Điều đó có nghĩa là chính sách tăng LTT sẽ làm gia tăng mối lo ngại về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung, bởi NSLĐ của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước láng giềng. Mặt khác, báo cáo cũng đã phân tích và chỉ ra sự khác biệt đáng kể về tác động của tăng LTT đối với các thành phần kinh tế, phản ánh sự khác nhau về quy mô của thị trường lao động và năng lực công nghệ và năng lực tài chính của các khối DN nhằm đối phó với sự gia tăng các chi phí lao động.

Đó là, việc tăng LTT có tác động ít hơn trong khu vực tư nhân so với khu vực nhà nước và FDI. Về việc làm, tác động của tăng LTT sẽ làm giảm việc làm nhiều hơn trong khu vực nhà nước. Lý do bởi khu vực tư nhân có mức tuân thủ chế độ lao động cao hơn (thể hiện qua việc đóng bảo hiểm xã hội) nên họ sẽ cắt giảm việc làm nhiều hơn. Điều này cho thấy, các DN chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiền lương và phúc lợi lao động sẽ cảm thấy khó khăn hơn vì chính sách LTT. Ông Nguyễn Việt Cường, Viện Nghiên cứu phát triển Mê Công cho rằng: “Báo cáo ban đầu khá tốt, đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên theo tôi thì LTT hiện nay nếu có chỉ có tác động đến việc đóng BHXH. Do vậy nói về mức độ ảnh hưởng thì không nhiều lắm. Việc LTT tăng cũng khiến DN phải điều chỉnh cơ cấu bảng lương, điều chỉnh mức đóng BHXH”.

Tính toán đủ các yếu tố

Dù thế, theo nhiều chuyên gia, cần phải làm rõ thêm về vấn đề NSLĐ và vai trò thực tế của LTT để tránh đưa ra những nhận định sai lầm. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt câu hỏi, NSLĐ mà báo cáo dẫn ra 4,4% là năng suất lao động nào? Đó có phải tính theo giá so sánh hoặc gọi là NSLĐ xã hội hay không? Còn nói về LTT, nghiên cứu đưa ra đánh giá ở khu vực công nghiệp nhưng thực tế đang được thực hiện ở các khu vực DN. Nếu so sánh sẽ tạo ra sự chênh lệch.

Một ý kiến có thể gây sốc về chính sách LTT của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển: “Chúng ta nên nghiên cứu bỏ LTT, đồng thời với tăng chính sách bảo trợ xã hội”. Ông lập luận rằng, thực tế, nếu tăng thêm 50%, người lao động vẫn không đủ sống, do vậy nên nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương. Đây cũng là lý do để doanh nghiệp thấy sự cạnh tranh khi sử dụng nguồn lực lao động, lúc đó họ sẽ tự nguyện tăng.

Thực tế thì NSLĐ của Việt Nam không chỉ phụ thuộc đến tiền lương mà còn với nhiều yếu tố khác như hệ thống quản lý nhân sự… NSLĐ liên quan chặt chẽ với tiền lương, LTT nhưng không thể tách rời các yếu tố khác. Vì vậy khi Báo cáo dẫn mức tăng trưởng bình quân của lương là 5,8% và của NSLĐ là 4,4% thì đã tính đến yếu tố lạm phát qua từng thời kỳ hay chưa?

Theo ông Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam, với cách tính tăng LTT như hiện nay là theo giá thực tế, tức là đã bao gồm cả lạm phát. Còn tăng NSLĐ, như đã nói, lại tính theo giá so sánh và rõ ràng tính tăng NSLĐ đã bao gồm cả lạm phát sẽ cao hơn tăng lương. Do vậy, cách so sánh như trong báo cáo sẽ không chính xác. Hơn nữa, hiện nay các DN chỉ dựa vào đó để đóng BHXH cho người lao động là chủ yếu và như vậy LTT sẽ ảnh hưởng không nhiều lắm đến DN.

Thật ra, báo cáo trên cũng chưa đưa ra được một bức tranh tổng thể về NSLĐ của từng ngành, từng vùng mà chỉ mới dựa vào ngành công nghiệp, nên nói tăng LTT làm “nghẽn” NSLĐ tại Việt Nam là thiếu chính xác. Ngược lại, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cũng đã nêu mối liên quan giữa NSLĐ và tăng LTT rằng: Liệu tiền lương tăng có làm tăng NSLĐ được hay không? Theo bà Lan thì, có bốn mối lo lớn của Việt Nam trong dài hạn mà mối lo số 1 là NSLĐ thấp và suy giảm; thứ hai là đổi mới sáng tạo công nghệ quá thấp; thứ ba là các vấn đề tăng trưởng xám; thứ tư là các vấn đề xã hội và hệ thống Nhà nước. Trong đó NSLĐ đang là mối lo số 1 của Việt Nam trong dài hạn. Vì vậy, NSLĐ và tiền lương liên quan với nhau như thế nào thì báo cáo phải bổ sung rất nhiều.

Theo cách nhìn của người làm chính sách, bà Tống Thị Minh, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ,TB và XH) cho rằng, cần phải xem xét lại thật kỹ mối tương quan giữa NSLĐ và tiền LTT vì đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế và xã hội. Chính vì vậy khi tính toán lựa chọn cần phải có lập luận rất chặt chẽ. Bà Minh nhấn mạnh: “Đứng trên phương diện làm chính sách, chúng tôi mong muốn nhóm tác giả cùng phối hợp cơ quan chúng tôi xây dựng hoàn thiện thêm báo cáo này, có đủ bằng chứng thuyết phục và chắc chắn để thông tin đưa ra giúp ích chúng tôi làm chính sách…”. Cho nên, việc tăng tiền lương cần được dựa trên việc tính toán tất cả các yếu tố như tăng NSLĐ, tăng lạm phát. Khoảng chênh lệch giữa tăng NSLĐ và tăng lạm phát chính là dư địa để tăng tiền lương. Thậm chí, đối với mỗi ngành nghề khác nhau, có thể đưa thêm những tiêu chí để xác định tốc độ tăng tiền lương.

Để đưa ra khuyến nghị chính sách, các nhà nghiên cứu cũng nên phân tích về NSLĐ tổng thể, đây là một chỉ tiêu quan trọng được sử dụng trong nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế. Nếu NSLĐ tổng thể không tăng được thì chúng ta không có cơ sở và lý do để tăng LTT.