Nhìn toàn cục để thu hút đầu tư nước ngoài

Theo Báo Đầu tư

Theo Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng khốc liệt, một số nước xung quanh chúng ta đã đưa ra nhiều chính sách kêu gọi đầu tư rất hấp dẫn. Do đó, các giải pháp thu hút đầu tư phải được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ mới có thể giữ chân và thu hút thêm nhà đầu tư đến với Việt Nam.

Trong ý kiến đóng góp vào khoản 2, điều 55, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi gửi Quốc hội, ông đã đề xuất Quốc hội cần khuyến khích phát triển hợp tác kinh tế quốc tế, điều này xuất phát từ đâu thưa ông?

Nhìn toàn cục để thu hút đầu tư nước ngoài - Ảnh 1
Ông Phan Văn Quý -
 Đại biểu Quốc hội khóa XIII
Ông Phan Văn Quý: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế là tất yếu. Các quốc gia muốn phát triển buộc phải hội nhập.

Đối với Việt Nam, xuất phát điểm kinh tế thấp, việc hội nhập kinh tế quốc tế càng trở nên bức thiết. Chỉ có hội nhập mới giúp chúng ta đi tắt, đón đầu khoa học, công nghệ, thu hút vốn đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động… góp phần đưa kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Thực tế hơn 1/4 thế kỷ nước ta mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế này có chứng minh được vai trò của nó như phần ông đã nêu trên không?

Ngày 29/12/1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất, chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Qua hơn 25 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội ban hành, vị trí, vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài đã được khẳng định trên thực tiễn.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tính đến tháng 8/2012 cả nước có 14.095 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 206,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đã được giải ngân là 97,4 tỷ USD.

Cũng theo Bộ này nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 2000-2011 chiếm 22,75% tổng vốn đầu tư xã hội.

Trong năm 2012, nộp ngân sách của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) là 3,7 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng thu ngân sách. Cũng trong năm 2012, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Những kết quả đạt được từ khu vực đầu tư nước ngoài là cơ sở thực tiễn quan trọng nhất để chúng ta khuyến khích phát triển.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không phải tất cả các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam đều mang lại lợi ích cho Việt Nam. Những vấn đề như ô nhiễm môi trường, đảm bảo chế độ cho người lao động… vẫn còn nhiều bức xúc?

Đó chỉ là cá biệt. Chúng ta cần cái nhìn toàn cục. Khu vực đầu tư nước ngoài không chỉ đóng góp cho kinh tế nội địa, mà còn giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tạo thuận lợi để Việt Nam gia nhập ASEAN, ký Hiệp định khung với EU, Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ…

Nếu không có khu vực đầu tư nước ngoài, chúng ta còn mất thêm nhiều thời gian mới có thể hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.

Theo ông, để thu hút đầu tư nước ngoài chúng ta cần làm gì?

Thu hút đầu tư nước ngoài ở giai đoạn hiện nay quả là không dễ. Một số nước xung quanh chúng ta đã đưa ra nhiều chính sách kêu gọi đầu tư rất hấp dẫn. Do vậy, ngoài việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, chúng ta cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn.

Một là, thúc đẩy các dự án công nghiệp phụ trợ theo đúng quy hoạch của ngành Công Thương đã đề ra.

Hai là, phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo, dạy nghề ở các vùng, miền để xây dựng nguồn nhân lực dồi dào, có kiến thức và tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây là lĩnh vực mà chúng ta có nhiều tiềm năng và cũng là lĩnh vực quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

Tôi tin rằng, nếu các giải pháp thu hút đầu tư được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, chúng ta không chỉ giữ chân được các nhà đầu tư đã có mà còn thu hút thêm được các nhà đầu tư mới đến với Việt Nam, góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập bền vững.