Những mối lo khi Đông qua, Xuân tới

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Một loạt các vấn đề và thách thức đòi hỏi Chính phủ và tổ chức thành viên là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ ngành khác sẽ phải đưa ra những áp chế để dự phòng và đối phó với các rủi ro trong quá trình triển khai lộ trình tái cấu trúc một cách ổn định. Bởi chỉ có thúc đẩy cải cách và tái cơ cấu thì gốc rễ các vấn đề trên mới được giải quyết.

Những mối lo khi Đông qua, Xuân tới
Tái cơ cấu nền kinh tế sẽ sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Nguồn: internet
Từ những thách thức về kinh tế vĩ mô

Dù các nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tái cấu trúc của Việt Nam được dư luận trong và ngoài nước ghi nhận, nhưng ngay trong năm 2014, nhiều vấn đề lớn đang hoặc sẽ tiếp tục là khó khăn lớn đối với nhà điều hành chính sách. Nổi lên và được đề cập nhiều nhất vẫn là các vấn đề về mô hình tăng trưởng không còn phù hợp; các nguồn lực cho phát triển cả về vốn, tài nguyên thiên nhiên, lao động chất lượng cao… đều khó khăn hơn; các bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn yếu tố tiềm ẩn tái diễn.

Trong đó, vấn đề được các chuyên gia và học giả nhắc đến nhiều nhất là làm sao thúc đẩy và có những tiến triển thực sự trong vấn đề cải cách đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bởi đây chính là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của cả nền kinh tế trong tương lai.

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VDPF) vừa được tổ chức tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đưa ra cam kết sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành và thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 DNNN trong tổng số hơn 1.000 DNNN còn lại hiện nay.

Đồng thời, Thủ tướng cũng tái khẳng định sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư trung hạn, phân cấp hiệu quả việc phân bổ nguồn lực giữa trung ương và địa phương cho phát triển kinh tế vùng, địa phương; nâng cao hiệu quả tài chính công, đầu tư công...

Tất nhiên, hành động thực tế ra sao để hóa giải những vấn đề này mới là câu trả lời cuối cùng. Nhưng những cam kết của người đứng đầu Chính phủ đã mang lại niềm tin, là các thách thức trên sẽ dần được giải quyết.

Một thách thức lớn khác được nói tới là nguy cơ tái xuất hiện các bất ổn vĩ mô khi lạm phát kỳ vọng vẫn còn và các yếu tố khiến lạm phát bùng phát vẫn tiềm ẩn; cán cân thương mại dù có nhiều cải thiện nhưng chưa bền vững; dự trữ ngoại hối tuy đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn ở mức thấp trong trường hợp chúng ta phải đối phó với các cú sốc lớn từ bên ngoài...

Đáng chú ý, vấn đề nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu trong năm tới dù đã được Chính phủ giải trình rất rõ về mục đích và khẳng định những tác động rủi ro sẽ không lớn, nhưng vẫn gây quan ngại cho hầu hết các nhà kinh tế. Thậm chí, đã xuất hiện nhiều quan điểm cảnh báo nguy cơ chính sách tài khóa lấn lướt chính sách tiền tệ đang xuất hiện trở lại.

“Việc tăng phát hành thêm trái phiếu có thể tạo áp lực đến vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng như chèn ép tín dụng bởi các tổ chức tín dụng là những đối tượng mua chính trên thị trường này” – một chuyên gia kinh tế cho biết và phân tích thêm: “Nếu cung trái phiếu lớn mà cầu không đáp ứng được sẽ đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ lên, khiến hình thành mặt bằng lãi suất mới. Đây là điều mà chúng ta không muốn khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng ổn định như hiện nay”.

Một rủi ro khác nằm ở vấn đề nông nghiệp và nông thôn. Hiện tượng suy giảm của nông nghiệp kéo dài trong suốt thời gian qua cũng được các chuyên gia nhìn nhận là một vấn đề đáng lo ngại.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), tài nguyên quan trọng bậc nhất của Việt Nam cho đến giờ phút này vẫn là nông nghiệp. Nếu không xây dựng được một mô hình tái cấu trúc nông nghiệp, nông thôn toàn diện thì rất có thể đây sẽ trở thành một vấn đề xã hội rất lớn của Việt Nam trong thời gian tới. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa và triển khai các nội dung cụ thể của chiến lược như thế nào mới là điều quan trọng.

Đến mối lo về nợ xấu và đảm bảo an toàn hệ thống

Nhìn dưới góc độ tài chính ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Vấn đề quan trọng bậc nhất năm 2014 là nợ xấu và an toàn của hệ thống tài chính”. Theo đó, năm 2014 sẽ có những biến động rất lớn, đặc biệt liên quan đến các ngân hàng thương mại của Việt Nam. Thứ nhất là việc áp dụng Thông tư 02. Theo đánh giá, tác động của Thông tư này đến các ngân hàng trong nước sẽ rất lớn. Bởi nguy cơ có thêm khoản nợ xấu mới, trong khi nợ xấu cũ vẫn đang phải giải quyết.

Tiếp đến là việc Chính phủ tiếp tục làm quyết liệt vấn đề tái cấu trúc lại hệ thống, đặc biệt là giải quyết vấn đề sở hữu chéo. Có những ông chủ ngân hàng, đồng thời là các ông chủ các tập đoàn mà trên thực tế đang nợ các ngân hàng rất lớn, chiếm gần như toàn bộ tín dụng trung, dài hạn của các ngân hàng này. “Những người như vậy, dứt khoát phải đuổi ra khỏi hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính” – TS. Nghĩa cảnh báo và không quên dự đoán: “Điều này có thể sẽ gây ra một số cú sốc nho nhỏ trong năm tới”.

Thêm một yếu tố khác cũng tác động đến các ngân hàng trong năm tới là những khoản tín dụng khổng lồ của các tập đoàn tư nhân. “Chúng ta thấy vừa qua, các tập đoàn, DNNN đã bị chỉ trích rất nhiều về vấn đề nợ ngân hàng. Nhưng thực tế ngoài một số tập đoàn như Điện lực, Than - Khoáng sản hay Dầu khí thì các tập đoàn còn lại nợ các ngân hàng rất ít. Trong khi đó, các tập đoàn tư nhân nợ ngân hàng rất nhiều, lên tới vài chục, thậm chí có thể cả trăm ngàn tỷ đồng”, một chuyên gia kinh tế cho biết.

Với một loạt các vấn đề và thách thức như vậy, đòi hỏi Chính phủ và tổ chức thành viên là NHNN và các bộ ngành khác sẽ phải đưa ra những áp chế để dự phòng và đối phó với các rủi ro trong quá trình triển khai lộ trình tái cấu trúc một cách ổn định. Bởi chỉ có thúc đẩy cải cách và tái cơ cấu thì gốc rễ các vấn đề trên mới được giải quyết. Các cụm từ “tái cấu trúc”, “tái cơ cấu” do đó vẫn sẽ được mọi người nói tới rất nhiều khi Đông qua, Xuân tới.