Những "nút thắt" của nền kinh tế 2014

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn, cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) và tình hình khó khăn của doanh nghiệp vẫn là những thách thức lớn của nền kinh tế trong năm 2014.

 Những "nút thắt" của nền kinh tế 2014
Cân đối ngân sách tiếp tục khó khăn trong năm tới. Nguồn: internet

Cân đối  ngân sách khó  khăn

Khả năng cân đối NSNN hiện đang rất khó khăn và chưa có nhiều tín hiệu cho thấy khó khăn này sẽ giảm trong năm tới. Chính phủ dự tính, phấn đấu thu NSNN năm 2013 đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2 nghìn tỷ đồng (-3,1%) so với dự toán. Nếu loại trừ các khoản ghi thu ngân sách (38,4 nghìn tỷ đồng) thì thu cân đối NSNN đạt 752,3 nghìn tỷ đồng, giảm 63,6 nghìn tỷ đồng (-7,8%) so với dự toán, tăng 1,2% so với ước thực hiện năm 2012.

Theo dự báo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong năm 2014 có khả năng sẽ hụt thu ở mức cao hơn nên khó đạt chỉ tiêu đến năm 2015 bội chi ngân sách kể cả trái phiếu Chính phủ dưới 4,5% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội. Kinh tế vĩ mô chưa có các yếu tố bền vững, các yếu tố phi thị trường vẫn còn tiềm ẩn.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu lên một loạt những rào cản của nền kinh tế trong năm 2014 như: Cải cách tiền lương trong khu vực công phải thực sự là động lực nhưng chưa có nguồn lực để thực hiện; lộ trình thị trường hóa giá điện, than, dịch vụ công vẫn chưa bảo đảm theo Nghị quyết của Quốc hội là chậm nhất đến 2013 thực hiện theo giá thị trường.

Trong khi đó, nền kinh tế đứng trước thách thức một mặt phải sớm chấm dứt can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực, mặt khác những khó khăn kinh tế vĩ mô khiến áp lực lạm phát tăng cao luôn tiềm ẩn và mỗi quyết định điều chỉnh chính sách trong quá trình điều hành nếu không hợp lý về thời điểm và liều lượng sẽ gây nên những tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, tác động xấu đến an sinh xã hội.

Trong những ngày tới, Quốc hội sẽ dành thời gian bàn thảo, cân nhắc tính toán chọn mức tăng trưởng hợp lý trong năm tới. Ngay trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng có một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm.

Tăng trưởng GDP 5,7- 5,8% là hợp lý

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, tốc độ tăng trưởng ở mức 5,7- 5,8% là hợp lý. Theo ông, trong năm 2014 - 2015, nền kinh tế có khá nhiều thuận lợi như: Kinh tế vĩ mô ổn định tạo điều kiện thu hút đầu tư. Đầu tư nước ngoài gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn trong năm tới cũng như khả năng thu hút đầu tư cao hơn với triển vọng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được ký kết trong năm 2015. Đầu tư tư nhân trong nước sẽ được cải thiện. Xuất khẩu cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế…

Tuy nhiên, không vì thế mà mục tiêu tăng trưởng dễ đạt được. Ông Ngoạn nhận định: “Chúng ta cần phải nhiều nỗ lực để có thể đạt được mức tăng GDP năm tới ở mức này. Có đạt được mức tăng GDP như vậy, thì mới góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài, các doanh nghiệp mới có điều kiện duy trì sản xuất. Nếu đề ra mức tăng GDP thấp hơn, sẽ ảnh hưởng công ăn, việc làm và dẫn đến nhiều hệ lụy khác nữa”.

Câu hỏi được đặt ra vì dường như có mâu thuẫn khi Chính phủ định hướng tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhưng lạm phát vẫn duy trì ở mức dưới 7%.

Lý giải vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, chúng ta kiên định ổn định kinh tế vĩ mô và phải luôn coi đó là một giá trị cốt lõi, là thành quả đạt được trong mấy năm qua.

"Nhưng nếu quá tập trung kiểm soát lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, mà coi nhẹ duy trì tăng trưởng, đầu tư xã hội hợp lý thì doanh nghiệp sẽ suy kiệt hơn nữa và lâu dài sẽ mất cân đối kinh tế vĩ mô. Vì thế, không nên khiên cưỡng giữa việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô hay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì như vậy sẽ tạo ra áp lực cho mong muốn phục hồi tăng trưởng kinh tế", ông Ngoạn cho hay.

Trên thực tế, lạm phát được kiểm soát trong một thời gian khá dài, xu hướng lạm phát dài hạn đang giảm dần và ổn định quanh mức 7% là những tín hiệu tích cực tạo nền tảng cho sự ổn định lạm phát cho trung hạn.

Đảm bảo sự bền vững của ngân sách

Trong đề xuất mới đây của vị Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, để gỡ được nút thắt của nền kinh tế, về lâu dài, cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn để đảm bảo sự bền vững của NSNN, đồng thời xây dựng kế hoạch giảm dần đối tượng hưởng lương ngân sách…

Trong nhóm các giải pháp được Ủy ban Kinh tế đưa ra cũng có nhóm giải pháp liên quan đến chính sách tài chính. Ủy ban này khuyến cáo, cần rà soát, đánh giá, sử dụng hiệu quả hơn các quỹ tài chính ngoài ngân sách;  xây dựng đề án sử dụng nguồn tiền thu được từ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, cổ tức từ phần vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp cũng như nguồn thu từ khai thác, bán tài sản công vào NSNN để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển.

Đồng thời tiếp tục rà soát các nhiệm vụ chi, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh việc thực hiện trên thực tế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong tiêu dùng, chi tiêu NSNN. Xây dựng lộ trình xử lý một số khoản nợ tồn tại từ nhiều năm nay như nợ Quỹ hoàn thuế, nợ khối lượng xây dựng cơ bản, khoản ứng trước NSNN chưa thu hồi, nợ cấp bù lãi suất cho ngân hàng chính sách để bảo đảm minh bạch cân đối NSNN.