Những sự kiện hàng hóa nổi bật của Việt Nam 2014

PV

(Tài chính) Với đợt điều chỉnh giảm kỷ lục 2.050 đồng/lít vào ngày 22/12, giá xăng RON 92 tại một số doanh nghiệp đầu mối đã xuống mức 17.880 đồng/lít, giảm 30% so với mức cao nhất của năm nay là 25.640 đồng/lít và giảm 26% so với đầu năm 2014. Năm 2014 cũng ghi nhận 1 kỷ lục nữa là giá xăng được điều chỉnh giảm 12 lần liên tiếp.

Những sự kiện hàng hóa nổi bật của Việt Nam 2014
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Giá xăng dầu trong nước giảm mạnh theo giá thế giới

Với đợt điều chỉnh giảm kỷ lục 2.050 đồng/lít vào ngày 22/12, giá xăng RON 92 tại một số doanh nghiệp đầu mối đã xuống mức 17.880 đồng/lít, giảm 30% so với mức cao nhất của năm nay là 25.640 đồng/lít và giảm 26% so với đầu năm 2014.

Năm 2014 cũng ghi nhận 1 kỷ lục nữa là giá xăng được điều chỉnh giảm 12 lần liên tiếp.

Giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm theo diễn biến giảm mạnh của giá dầu thô thế giới trong bối cảnh nguồn cung của thế giới dư thừa trong khi OPEC vẫn quyết định không giảm mục tiêu sản lượng. Một loạt các tổ chức lớn đã hạ dự báo giá dầu như EIA, IEA.

Kết thúc phiên giao dịch 24/12, giá dầu Brent giảm đứng ở mức 60,24 USD/thùng, giảm khoảng 46% so với đầu năm. Dầu thô WTI đứng ở mức 55,84 USD, giảm 43% so với đầu năm. Hai loại dầu này đang hướng tới năm giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2008.

Dầu Brent trước đó đã tăng lên mức đóng cửa cao nhất của năm nay là 107,26 USD vào ngày 20/6.

2. Xuất khẩu tôm đạt kỷ lục 4,1 tỷ USD trong năm 2014

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2014 đạt 4,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước.

Mặt hàng tôm chiếm hơn một nửa tỷ trọng xuất khẩu thuỷ sản của cả nước, cũng được công bố đạt 7,9 tỷ USD (tăng 18% so với năm 2013). Tôm là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong số các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu tôm chân trắng đã vượt và tăng gấp đôi so với tôm sú kể trong năm 2014. (Tính trong 11 tháng, xuất khẩu tôm chân trắng đạt trên 2,15 tỷ USD, còn xuất khẩu tôm sú đạt 1,29 tỷ USD).

Xuất khẩu tôm tăng mạnh do nguồn cung thế giới thiếu hụt do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) lan rộng từ cuối năm 2012, khiến sản xuất tôm của nhiều nước gặp khó khăn. Trong khi đó, sản lượng tôm của Việt Nam năm nay tăng mạnh nhờ nuôi tôm chân trắng được mở rộng nhanh chóng. Ngoài ra, giá tôm trên thị trường thế giới năm nay vẫn duy trì mức cao.

3. Hạt tiêu lần đầu tiên lọt vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ Đôla

Giá trị xuất khẩu mặt hàng này đến cuối tháng 9 đã đạt 1,06 tỷ USD, vượt cả năm 2013 và lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD.

Trong cả năm 2014, khối lượng xuất khẩu tiêu đạt khoảng 158.000 tấn với giá trị 1,2 tỷ USD, tăng 19,3% về khối lượng và tăng 35,9% về giá trị so với năm 2013.

Các thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Singapore, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ và Hà Lan.

Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, hiện nay Việt Nam chiếm khoảng 30% sản lượng tiêu trên toàn thế giới và chiếm khoảng 50% khối lượng tiêu xuất khẩu trên thế giới.

4. Xuất khẩu rau quả năm 2014 ước đạt 1,47 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay

Như vậy, trung bình mỗi tháng xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 122 triệu USD.

Riêng 10 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã đạt kế hoạch đặt ra cho cả năm nay, khi giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỷ USD.

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, trong khi Hồng Kông và Tiểu vương quốc các nước Arập Thống nhất là các thị trường có tốc độ tăng trưởng đột biến.

5. Điện thoại, dệt may vẫn dẫn đầu nhóm hàng xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điện thoại vẫn đứng đầu bảng, với kim ngạch xuất khẩu đến giữa tháng 12 đạt 22,89 tỷ USD, tiếp đến là hàng dệt may với 19,8 tỷ USD.

Hai mặt hàng này chiếm xấp xỉ 30% tổng kim ngạch xuất khẩu (142,68 tỷ USD) của Việt Nam.

Xuất khẩu dệt may sang các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng khá.

Bộ Công thương kỳ vọng dệt may có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 24,5-25 tỷ USD trong năm nay, cao nhất 3 năm trở lại đây.

6. Chi hàng tỷ USD để nhập khẩu ngô

Dù là một nước nông nghiệp, nhưng Việt Nam đã phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu một lượng ngô khổng lồ để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu tới 4,5 triệu tấn ngô với giá trị 1,2 tỷ USD, tăng gấp 2,1 lần về lượng và 78% về giá trị so với năm 2013.

Braxin, Ấn Độ và Achentina là các thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này.

Ngô là mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn thứ năm trong số các mặt hàng nông lâm thủy sản được nhập khẩu năm nay, đứng sau phân bón, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm gỗ và bông.

Riêng về thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam đã lên tới 3,24 tỷ USD.

7. Xuất khẩu cao su giảm mạnh về giá trị do giá xuất khẩu giảm theo thị trường thế giới

Trong cả năm 2014, xuất khẩu cao su ước đạt 1,07 triệu tấn với giá trị 1,79 tỷ USD, gần như tương đương khối lượng xuất khẩu năm trước nhưng giảm gần 28% về giá trị so với năm 2013.

Giá cao su xuất khẩu bình quân (11 tháng đầu năm 2014) đạt 1.695 USD/tấn, giảm 27,3% so với năm 2013.

Trung Quốc và Malaysia vẫn là các thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, nhưng xuất khẩu sang 2 thị trường này giảm mạnh với mức lần lượt là 30% và 37% (về giá trị).

8. Việt Nam đứng thứ bảy thế giới về tiêu thụ vàng, dù nhu cầu giảm mạnh

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Việt Nam đã tiêu thụ 19 tấn vàng trong quý 3, 19,3 tấn trong quý 2 và 19,5 tấn trong quý 1.

Con số của quý 3 dù giảm tới 27% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng vẫn củng cố vị trí thứ bảy thế giới của Việt Nam về tiêu thụ vàng.

Người Việt tập trung mua sắm nhiều vàng miếng chứ không phải vàng trang sức. Cụ thể, Việt Nam tiêu thụ 2 tấn vàng trang sức trong khi mua đến 17 tấn vàng miếng và vàng xu trong quý 3, giảm lần lượt 9% và 29% so với cùng kỳ năm 2013.

Giá vàng trong nước trồi sụt theo diễn biến của giá vàng thế giới. Giá vàng SJC ngày 24/12 bán ra tại mức 35,08 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ so với mức 34,78 triệu đồng/lượng ghi nhận vào cuối năm 2013. Trong năm, giá vàng SJC đã có lúc lên tới 37,15 triệu đồng vào ngày 20/5.

9. Dưa hấu, thanh long rớt giá thê thảm

Nhiều loại trái cây trong nước đã rớt giá mạnh trong năm nay do sản lượng tăng vì được mùa, trong khi Trung Quốc giảm nhập khẩu, ép giá.

Dưa hấu miền Trung xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bị ứ đọng, bị ép giá, khiến nhiều xe tải phải bán ra với giá rẻ mạt chưa đến 1.000 đồng/kg tại cửa khẩu, nhưng cũng không có người mua.

Cũng do được mùa, giá thanh long ở một số tỉnh như Bình Thuận, Quảng Ngãi đã có lúc giảm xuống tận 4.000- 5.000 đồng /kg loại tốt, và thập chí xuống 1.000-2.000 đồng/kg đối với các loại khác.

Giá hoa quả giảm mạnh khiến người trồng bị lỗ nặng, đặt ra những vấn đề như cần đa dạng hóa thị trường, tăng cường công tác chế biến, quy hoạch.

10. Áp trần giá sữa và kê khai giá sữa

Bộ Tài chính quyết định áp trần giá sữa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/6 trong bối cảnh giá sữa nhảy múa liên tục.

Giá bán lẻ được quy định không vượt quá 15% so với giá bán buôn. Bộ Tài chính cũng bắt các doanh nghiệp sản xuất, phân phối phải đăng ký giá bán.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 11, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không phải đăng ký giá bán, mà chuyển sang thực hiện kê khai giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi.

Cục Quản lý giá vào tháng 12 cho biết giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi đã giảm 0,1-34% tùy loại sữa so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá trên.