Những tác động của Brexit tới nền kinh tế Việt Nam

Theo ncseif.gov.vn

Với số phiếu ủng hộ Brexit chiếm 52%, người dân Anh đã quyết định chọn rời Liên minh châu Âu (EU), trong khi số phiếu ủng hộ ở lại chỉ chiếm 48%. Sự kiện đưa nước Anh ra khỏi “ngôi nhà chung” EU ngay lập tức đã gây ra những cú sốc liên hoàn trên các thị trường dầu mỏ và tài chính toàn cầu. Tại Việt Nam, phản ứng đầu tiên trên thị trường tài chính là chứng khoán mất điểm, kim loại quý cũng tăng giá mạnh. Vậy, quyết định này sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong bảng đánh giá rủi ro, Bloomberg xem xét triển vọng của 12 nền kinh tế hàng đầu châu Á và chấm điểm theo các tiêu chí như tăng trưởng, dòng tài chính song phương, tình trạng tháo vốn, kim ngạch xuất khẩu sang Anh… nếu Brexit xảy ra. Theo triển vọng này, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ở mức đỏ; tiếp đến là Malaixia, Brunây, Xingapo và Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo tập đoàn tài chính Credit Suisse, trong số các nền kinh tế châu Á, Xingapo, Hồng Kông và Việt Nam là những nước có quan hệ thương mại chặt chẽ nhất với nền kinh tế Anh. Nếu như xuất khẩu của Xingapo và Hồng Kông vào Anh chủ yếu là dịch vụ thì xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là sản phẩm hàng hóa. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại Việt Nam - Anh đã đạt 1,8 tỷ USD. Các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến được xuất khẩu nhiều vào Anh chủ yếu đến từ các nước Malaixia, Thái Lan và Việt Nam, trong khi xuất khẩu các sản phẩm khai thác mỏ chủ yếu đến từ Malaixia và Việt Nam.

Cùng chung quan điểm, GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, việc Anh rời EU sẽ có những tác động xấu đến Việt Nam cả về thương mại và đầu tư. Mặc dù không phải con số quá lớn, nhưng trong quan hệ thương mại Việt - Anh nhiều năm trở lại đây, chúng ta luôn duy trì mức xuất siêu vào nước này. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008-15, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU. Hơn nữa, hiện Việt Nam đang hoàn tất Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, việc Anh rút khỏi EU chắc chắn sẽ không theo những quy định về thương mại tự do như trong hiệp định nữa. Nếu muốn, Việt Nam sẽ phải mất rất nhiều thời gian đàm phán riêng với quốc gia này.

Bày tỏ quan điểm lo ngại, cũng một chuyên gia thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến đồng bảng Anh xuống giá, gây nên những bất ổn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới và theo đó sẽ kéo theo hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn. Lo ngại lớn nhất đó là các doanh nghiệp đang có lượng xuất khẩu lớn vào Anh hoặc đang nhắm chủ yếu vào thị trường này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, những doanh nghiệp này cần phải có những tính toán về vấn đề tỷ giá.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lại tỏ ra “nhẹ nhàng” hơn khi nói về Brexit và những tác động tới vấn đề thương mại của Việt Nam. Theo Bộ phận nghiên cứu Maybank Kim Eng (MBKE) mới đây cho biết, việc Anh rời EU sẽ không khiến cho nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi Anh không phải là đối tác quá lớn đối với Việt Nam ở cả góc độ kinh tế lẫn chính trị. Điều khiến MBKE e ngại, đó chính là triển vọng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Do hiệp định này chưa được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu, nên đàm phán có thể phải bắt đầu lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU.

Còn theo quan điểm của bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), việc người dân Anh chọn rời khỏi EU sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên không lớn như một số thị trường châu Á khác như Nhật Bản, Xingapo, Hồng Kông bởi đây là những thị trường lớn, phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, còn Việt Nam chỉ là một thị trường nhỏ, mới nổi.

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang hội nhập tích cực vào nền kinh tế thế giới thông qua các Hiệp định thương mại tự do đa và song phương, song sự hội nhập này mới chỉ ở giai đoạn đầu, chưa sâu rộng, vì thế mức độ ảnh hưởng của sự kiện Brexit vào thị trường Việt Nam là không lớn.